Hội đồng trường sẽ được bầu hiệu trưởng trường đại học

Thứ Ba, 28/11/2017, 08:23
Cùng với việc sửa đổi Luật Giáo dục thì Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sau 5 năm ra đời cũng đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến để sửa đổi. 

Trao đổi với PV Báo CAND, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH cho rằng, không phải Luật GDĐH hiện hành thiếu sức sống hay kém chất lượng cần phải sửa mà do sự phát triển nhanh chóng của GDĐH đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới cho cả hệ thống ĐH nên cần phải có một luật mới nhằm tháo gỡ những “nút thắt” nhất của GDĐH.

PV: Thưa bà, đâu là những lí do chính đặt ra yêu cầu phải sửa Luật GDĐH?

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng: Năm 2013, chúng ta có Hiến pháp mới, sau đó Nghị quyết 29 – NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo ra đời. Những văn bản pháp lý quan trọng này xác định nhiều tư tưởng mới trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Gần đây có Nghị quyết 19 – NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Do đó, Luật GDĐH phải thay đổi. Trên tinh thần đó, với tư cách là cơ quan thường trực, chúng tôi đã rà soát 73 điều luật và kiến nghị sửa đổi 36 điều, sẽ giải quyết những vướng mắc nhất, gỡ những “nút thắt” nhất đang tồn tại trong GDĐH.

PV: Được biết, Luật GDĐH sửa đổi lần này sẽ đề cập mạnh mẽ đến câu chuyện tự chủ của các trường ĐH. Cụ thể, các trường sẽ được tự chủ như thế nào để không bị bó buộc bởi các rào cản?

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng: Những nội dung sửa đổi Luật GDĐH sẽ thể hiện 4 chính sách lớn, trong đó chúng tôi tập trung mở rộng và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học, đảm bảo các trường được tự chủ sâu hơn, trên một nấc thang mới như: Về chuyên môn, sẽ tự chủ trong tuyển sinh, đào tạo, trong nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Về cơ cấu tổ chức bộ máy và nhân sự cũng thay đổi với các thiết chế, hội đồng trường và các cơ cấu tổ chức khác sao cho phù hợp, thích ứng kịp thời để đáp ứng đào tạo nhân lực cho thị trường. 

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng.

Luật sửa đổi cũng sẽ giúp đổi mới mạnh mẽ quản lý đào tạo để tiệm cận với chuẩn quốc tế; quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học (tại cấp cơ sở và cấp nhà nước). Với 4 chính sách đó, cơ chế quản lý sẽ thay đổi: Không phải xác định thẩm quyền, quy trình mà là xác định chuẩn chất lượng. 

Bên cạnh đó là cơ chế tự chịu trách nhiệm, tự giải trình và minh bạch thông tin của các cơ sở đào tạo. Nhà nước sẽ tăng cường hệ thống kiểm định, thanh kiểm tra, hậu kiểm và sẽ xử phạt nghiêm những sai phạm.

Có một vấn đề được dư luận quan tâm là tự chủ tuyển sinh, thực chất tự chủ tuyển sinh đã được xây dựng từ năm 2012, nhưng giờ chỉ tiêu tuyển sinh xác định theo ngành đào tạo, chứ không theo nhóm ngành để tránh tình trạng cơ sở xác định khối chỉ tiêu tổng thể nhưng không cân đối. 

Và cũng để các trường phải đầu tư nghiêm túc cho ngành đó từ cơ sở vật chất, giảng viên, đầu tư đến đâu thì tuyển sinh đến đó, tránh tình trạng tuyển sinh chỉ phụ thuộc vào nhu cầu của người học mà không xuất phát từ nhu cầu thị trường và năng lực hiện có, đồng thời sẽ hạn chế được tình trạng các trường đua nhau mở ngành. 

Tôi cũng nói thêm là về mở ngành – sắp tới sẽ được đưa vào Luật, cụ thể những trường đã có hội đồng trường thì có thể quyết định đường lối phát triển của nhà trường, sẽ được mở ngành mà không phải thông qua Bộ GD & ĐT.

PV: Theo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, hiện chỉ có 58/169 cơ sở GDĐH công lập có hội đồng trường, chiếm 34,3%. Thực tế, vai trò của hội đồng trường rất mờ nhạt, không đúng với kỳ vọng, hội đồng trường đã được đề cập trong Điều lệ trường ĐH năm 2003, sau đó khẳng định trong Luật Giáo dục năm 2005, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009 và Điều lệ trường ĐH năm 2010. Vậy lần này, Luật GDĐH sửa đổi sẽ quy định vai trò của hội đồng trường như thế nào để thoát khỏi tình trạng, hội đồng trường chỉ tồn tại “cho vui”?

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng: Tỉ lệ 34% trường ĐH có hội đồng trường là chưa nhiều, vì các trường chưa sẵn sàng cho tự chủ; chưa có chế tài xử lý với các trường chưa thành lập hội đồng trường nên vai trò của hội đồng trường chưa có sức lan tỏa, chỉ chú trọng tới hiệu trưởng, hiệu phó và các phòng, ban. Chúng tôi nhận thức rằng về mặt pháp luật, chưa có căn cứ pháp lý quy định quyền lực đủ mạnh cho hội đồng trường. 

Do đó, trong Điều 16 của Luật GDĐH sửa đổi sẽ có những quy định để hội đồng trường có quyền lực thực sự, đi kèm đó nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường sẽ thay đổi. Cơ cấu của hội đồng trường sẽ khác với số thành viên bên ngoài chiếm 30%, số giảng viên chiếm 25%, để hội đồng trường không trùng với bộ máy quản lý của hiệu trưởng. 

Đặc biệt, Hội đồng trường được bầu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trình kết quả bầu để Bộ GD&ĐT công nhận. Vấn đề này Bộ GD & ĐT đang xin ý kiến, nhưng trên tinh thần Hội đồng trường sẽ là cơ quan quản trị, quyền lực cao nhất trong trường ĐH.

Tự chủ, tự chịu trách nhiệm được coi là một trong những giải pháp quan trọng để các trường đại học nâng cao chất lượng giáo dục.

PV: Vấn đề học phí sẽ được quy định như thế nào trong Luật GDĐH sửa đổi lần này, thưa bà?

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng: Cơ sở giáo dục đại học được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo. Giá dịch vụ đào tạo hay còn gọi là học phí phải được công bố công khai cho từng năm học, khóa học cùng với thông báo tuyển sinh. 

Học phí không áp trần mà theo cơ chế tính giá dịch vụ. Đây cũng là bước đột phá trong GDĐH vì theo Luật hiện hành, cơ sở giáo dục đại học công lập tuy được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh nhưng phải dựa vào khung học phí, lệ phí tuyển sinh do Chính phủ quy định. Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo phải có trách nhiệm quản lý, giám sát mức thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.

PV: Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có tờ trình Chính phủ, trong đó đề xuất sắp tới lương của giáo viên sẽ cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Vậy với sự sửa đổi Luật GDĐH, lương của giảng viên đại học có tăng hay không, thưa bà?

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng: Lương của giảng viên đại học hay giáo viên ở các bậc học sẽ được đề cập trong Luật Giáo dục. Nhưng với chủ trương tăng lương như Bộ trình Chính phủ thì lương của giáo viên đại học chắc chắn sẽ khởi sắc, phù hợp với chuẩn chức danh. 

Khi khối đào tạo ĐH được tự chủ thì vấn đề tuyển dụng và trả lương sẽ theo quy định của trường, lúc đó quy định của Nhà nước chỉ là quy định khung hoặc quy định tối thiểu. Nếu Luật Giáo dục được thông qua thì Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn chi tiết. Các trường khi được tự chủ sẽ cạnh tranh cả ở mức lương trả cho giáo viên.

Thu Phương
.
.
.