Từ 1/7/2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực: Mở ra nhiều cơ hội mới

Thứ Ba, 20/01/2015, 10:54
Theo nhận định của Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2015, công tác tuyển sinh của các trường nghề sẽ thuận lợi hơn khi từ ngày 1/7/2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực.

Luật Giáo dục nghề nghiệp thống nhất hệ thống 3 cấp trình độ dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp và trường cao đẳng nghề thành một hệ thống thống nhất bao gồm 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, mang lại sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống đào tạo nhân lực lao động kỹ thuật trực tiếp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trước mùa tuyển sinh năm 2015, ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, sẽ tăng cường các giải pháp để hỗ trợ điều hành các cơ sở dạy nghề trong công tác tuyển sinh. Năm nay chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề cho 2,15 triệu người, trong đó trung cấp nghề, cao đẳng nghề khoảng 250 ngàn người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 1,9 triệu người. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 32 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, tuyển sinh học trung cấp hoặc cao đẳng được thực hiện theo hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển; hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Như vậy, trước ngày Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, tất cả các cơ sở đào tạo vẫn tổ chức thực hiện tuyển sinh đào tạo như bình thường, do đó năm học 2014-2015, các trường đại học sẽ tiếp tục tuyển sinh hệ cao đẳng, tổ chức đào tạo cho đến khi kết thúc khóa học và cấp bằng theo quy định. Sau khi luật có hiệu lực thì tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tuân theo quy chế tuyển sinh đào tạo do thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương quy định.

Nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm là cách thu hút học sinh học nghề. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng

Một trong những điểm thuận lợi cho các trường nghề tuyển sinh là khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, việc liên thông giữa các trình độ giáo dục nghề nghiệp với các trình độ giáo dục đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là liên thông lên đại học theo hướng thực hành thuận lợi hơn sẽ khuyến khích học sinh vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Người tốt nghiệp cao đẳng được công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành.

Câu chuyện về phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề vẫn chưa được các địa phương thực hiện tốt là tồn đọng trong nhiều năm qua chưa được giải quyết. Theo thống kê thực tế hiện nay, chỉ có khoảng 2,5 đến 3,5% số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề, tỷ lệ này thấp so với mục tiêu đề ra “… năm 2020, phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề…”.

Luật Giáo dục nghề nghiệp đưa ra nhiều hình thức thu hút học nghề đối với những người tốt nghiệp THCS như: đổi mới thời gian đào tạo trung cấp, chỉ còn từ 1 đến 2 năm và không phải học văn hóa THPT. Người học chỉ học văn hóa nếu có nhu cầu học liên thông lên cao đẳng, đại học. Luật cũng quy định nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút người học như miễn 100% học phí cho các đối tượng chính sách xã hội, tốt nghiệp THCS học trình độ trung cấp, những người học nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có yêu cầu, những nghề đặc thù…

Nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm là cách thu hút học sinh học nghề.

Những chính sách này hy vọng sẽ tạo sự đồng bộ, thống nhất trong việc chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác phân luồng.

Việc còn lại là sự vận động của các trường. Với hệ thống trường nghề hiện có bao gồm 190 trường cao đẳng, 300 trường trung cấp, 991 trung tâm dạy nghề, và con số này sẽ còn nhiều hơn khi trong năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH thực hiện rà soát số lượng các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động dạy nghề, để quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc. Tuy nhiên, với những đổi mới của Luật Giáo dục nghề nghiệp có chiều hướng thuận lợi cho công tác tuyển sinh của các trường nghề thì vấn đề mấu chốt để thu hút học sinh vẫn là chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp.

Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, năm nay trường vẫn duy trì tuyển sinh trên 2.000 sinh viên và sẽ tăng quy mô tuyển sinh trong những năm tới, đồng thời mở thêm một số ngành nghề mới. Để làm được điều này, trường tập trung cho nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất, thiết bị, đặc biệt là mối quan hệ với doanh nghiệp.

Còn Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp (Vĩnh Phúc) Nguyễn Văn An thì cho rằng, vấn đề sống còn của nhà trường là chất lượng: đội ngũ giáo viên tốt, cơ sở vật chất được quan tâm tương đối tốt, hoạt động đào tạo đổi mới cách dạy, phải làm sao cho học sinh chủ động, đổi mới kiểm tra, kiểm soát. Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc (Nghệ An) là những trường năm nào cũng có số lượng hồ sơ dự tuyển cao gấp nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh, đều là những trường có mối liên hệ khăng khít với doanh nghiệp, ký kết đào tạo với nhiều công ty như Fomusa Hà Tĩnh, Honda, một số tập đoàn khác. “Giải quyết việc làm, giải quyết tốt đầu ra làm căn cứ để thu hút tuyển sinh” là kinh nghiệm mà ông Nguyễn Văn An chia sẻ.

Luật Giáo dục nghề nghiệp đang tạo ra những cơ hội mới cho các trường nghề và người học nghề, nhất là khi ASEAN trở thành cộng đồng chung vào năm 2015, các nước ASEAN sẽ là một thị trường lao động. Việc công nhận các trình độ đào tạo làm cơ sở cho việc dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trong khu vực cũng như với các nước trên thế giới.

Thu Uyên
.
.
.