Quốc hội thảo luận dự án Luật Giáo dục sửa đổi: Đề nghị hậu kiểm các trường ĐH

Thứ Bảy, 31/10/2009, 09:47
Là dự luật được chú ý số một tại kỳ họp này, chiều 30/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận kỹ tại hội trường với các vấn đề lớn: chất lượng đào tạo đại học, sau đại học, giáo dục phổ thông và sách giáo khoa… Trước đó, dự luật này cũng đã được thảo luận ở tổ và đề cập trong phát biểu khi thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.

Hậu kiểm đào tạo đại học  

Nên hay không giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành lập trường đại học tiếp tục nhận được các ý kiến trái chiều. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) tán thành quan điểm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Thẩm quyền nhất thiết thuộc Thủ tướng Chính phủ, không giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đại biểu Huỳnh Nghĩa lý giải: việc vừa qua quá nhiều trường đại học thành lập trong khi chất lượng chưa được kiểm định chặt chẽ khiến dư luận rất lo ngại. Nếu chuyển thẩm quyền này cho Bộ GD&ĐT, vấn đề trên sẽ càng phức tạp hơn.

Không tán thành với quan điểm này, đại biểu Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang) cho rằng, không nên cứng nhắc cho rằng đại học là thuộc thẩm quyền Thủ tướng. "Giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập hay cơ quan nào thì cũng phải căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể và phải theo quy trình chặt chẽ. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có thẩm quyền thành lập là việc phân cấp phù hợp và nhằm đề cao trách nhiệm trước pháp luật". Theo đại biểu, quan trọng không phải ai thành lập mà chất lượng như thế nào. Để đảm bảo, nhất thiết phải tăng cường công tác hậu kiểm, đó là sau khi cho phép thành lập phải kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của trường đại học đó.

Đồng tình việc hậu kiểm, đại biểu Phạm Thu Hải (Đồng Nai) phân tích: vấn đề là phải đưa ra tiêu chuẩn chặt chẽ đối với các trường đại học, chỉ những trường đủ tiêu chuẩn mới cho phép thành lập. Hiện nay, có tình trạng nhiều trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng chưa đủ điều kiện nhưng vẫn muốn "vươn" lên đại học. Vấn đề không phải hạn chế thành lập trường đại học mà là siết chặt tiêu chuẩn, chất lượng, trường nào cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn về giảng viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật cần thiết. Hiện, nhiều trường đại học sau khi thành lập, tỷ lệ giáo viên thuê quá lớn, có nơi chiếm tới 80%. "Phải tăng cường hậu kiểm, tránh tình trạng khi xin phép thành lập thì ghi trong đề án rất quy mô nhưng thực tế lại đầu voi, đuôi chuột, không đảm bảo" - đại biểu Phạm Thu Hải kết luận.

Chất lượng đào tạo đại học đang được Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Giáo dục phổ thông vẫn nặng

Đề cập giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định) lo ngại: Chương trình sách giáo khoa dù được nói giảm tải nhưng vẫn rất nặng, gây áp lực học tập đối với học sinh. Trong khi đó, các trường hiện vẫn thiên về dạy chữ chứ chưa dành đúng mức việc rèn người. "Nhiều nơi, giáo viên quan tâm việc dạy ngoại ngữ cho các em học sinh ngay từ khi còn bé hơn dạy tiếng mẹ đẻ" - đại biểu băn khoăn.

Với sách giáo khoa, theo đại biểu Trần Tiến Cảnh, lâu nay những người biên soạn để xảy ra sai sót, song cơ quan chức năng không xem xét rõ trách nhiệm. Điều này cũng đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị xử lý trách nhiệm trong báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Đào tạo tiến sỹ: Phải kiểm tra tính thực chất công trình khoa học

Đại biểu Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) cảnh báo: Không ít trường hợp nghiên cứu sinh chép luận án của người khác hoặc nhờ người khác làm hộ, cuối cùng công trình khoa học vẫn đứng tên mình và nhận bằng tiến sỹ. Ông đề nghị: Khi nhiều trường đại học được phép đào tạo tiến sỹ thì cần phải tăng cường kiểm định chất lượng, công trình nghiên cứu khoa học phải đảm bảo tính thực chất.

Về vấn đề này, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) viện dẫn: Gần đây có địa phương như Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2020 có 100% cán bộ khối chính quyền thuộc diện thành uỷ quản lý phải có trình độ tiến sỹ; 100% cán bộ thuộc diện UBND thành phố quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt tiến sỹ; 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học trong đó 50% trên đại học.

Dù đề án này sau đó phải điều chỉnh do dư luận phản ứng nhưng đại biểu khẳng định: Nếu địa phương nào cũng học theo phong trào này thì chất lượng sẽ bị ảnh hưởng lớn. Đại biểu cảnh báo, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ thì tình trạng này sẽ tạo điều kiện cho nạn mua bán bằng cấp gia tăng. "Trong thực tế, nhiều cán bộ tuy không có học vị cao nhưng làm việc tận tâm, có hiệu quả, được nhân dân kính trọng, bởi họ là những người có năng lực thực sự và có lòng yêu nước thương dân, rất cần được sự quan tâm và tạo điều kiện" - đại biểu xứ Thanh bày tỏ.

Có xu hướng địa phương xin thành lập đại học cho... bằng địa phương bạn

 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi thừa nhận, việc quá nhiều trường đại học được thành lập trong thời gian qua trong khi chất lượng không được kiểm soát khiến chất lượng bậc học này bị ảnh hưởng lớn.

 

- Có ý kiến cho rằng, một số trường muốn nâng từ cao đẳng, trung học chuyên nghiệp lên đại học nhằm lấy danh và cả mục đích kinh doanh, quan điểm của Chủ nhiệm thế nào?

 

- Ở các địa phương, khi thành lập đại học thì vấn đề không phải là lỗ lãi, chẳng qua chỉ muốn địa phương mình cũng bằng địa phương bạn. Người ta có trường thì mình cũng có và mình có trường riêng để con em mình có điều kiện hơn. Tôi nghĩ nguyện vọng đó có nhiều phần chính đáng. Nhưng thành lập trường phải có qui hoạch, phải có sự chuẩn bị, phải xem nhu cầu của địa phương. Nhu cầu hiện nay thì có khi mấy tỉnh chỉ cần một trường thì mình mở trường đầu tiên, sau 5 năm nữa nhu cầu cao hơn sẽ mở trường thứ 2. Còn tỉnh nào cũng tự làm thì sẽ không ổn.

 

- Xung quanh việc này, rõ ràng có vấn đề bất cập về quy hoạch mạng lưới trường đại học hiện nay?

 

- Đúng, tôi cho rằng, công tác qui hoạch làm như vậy là chưa đạt yêu cầu, tức là tương đối tự phát, tuỳ tiện. Quy hoạch mạng lưới có, nhưng đáng lẽ phải có lộ trình…

 

- Chứ không phải tỉnh nào cũng có trường đại học?

 

- Hiện có xu hướng đó dẫn đến mỗi tỉnh đều muốn mở ít nhất một trường đại học.

 

- Ý kiến đại biểu Quốc hội chưa thống nhất việc giao thẩm quyền thành lập trường đại học, còn ông?

 

- Theo dự thảo Bộ GD&ĐT trình thì chỉ trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng quyết định thành lập. Nhưng theo dư luận xã hội, trừ mấy trường trọng điểm ra, nếu giao thẩm quyền cho Bộ GD&ĐT quyết định thì cũng không được dư luận ủng hộ. - Đại biểu đề nghị làm rõ cơ chế hậu kiểm, điều này quan trọng hơn là giao cho ai được phép thành lập? Quy định hiện nay thì Thủ tướng thành lập. Nhưng ở đây không phải là kiểm tra từng trường một trước khi quyết định mà sau khi quyết định, Thủ tướng có thể giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm tra, nếu sai thì xử lí…

 

- Năm tới đây (2010), vấn đề này sẽ được Quốc hội giám sát chuyên đề?

 

- Trong kỳ họp này, chúng tôi đề nghị đưa giám sát việc thành lập các trường đại học vào giám sát tối cao của Quốc hội. Đương nhiên, vấn đề này phải được Quốc hội thông qua mới có thể thực hiện được.

 

- Xin cảm ơn ông!

P.Đăng (ghi)
.
.
.