Hà Nội “nóng” vấn đề tuyển sinh đầu cấp và sữa học đường

Thứ Tư, 17/04/2019, 08:19
Chiều 16-4, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Thanh tra Bộ Y tế đã trực tiếp tham gia trả lời các vấn đề “nóng” của Hà Nội về giáo dục. Cụ thể là vấn đề tuyển sinh đầu cấp, vệ sinh an toàn thực phẩm ở trường học.


Việc bổ sung vi chất vào sữa học đường có ảnh hưởng đến chất lượng hay không?

Trước hàng loạt câu hỏi liên quan đến Đề án sữa học đường, việc bổ sung các vi chất khác quy định vào sữa liệu có ảnh hưởng gì đến chất lượng hay không? Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: “Chương trình Sữa học đường thực hiện là nhằm cải thiện nâng cao tầm vóc cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn Hà Nội. Chúng tôi đã xây dựng đề án và được thành phố phê duyệt. Tất cả học sinh mẫu giáo và tiểu học được thụ hưởng chương trình này.

Sau 1 quá trình tổ chức, từ việc xây dựng đề án đến việc mời thầu đều có y kiến của các dơn vị tư vấn liên quan. Mọi công tác đấu thầu đều theo đúng quy định của pháp luật. Giai đoạn đầu có hơn 60% học sinh tham gia, đến nay đã có hơn 90% tham gia.

Nói rõ hơn về vấn đề này, bác sĩ Khánh Vân - Chuyên gia dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng khẳng định, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới thì việc thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ. Hàm lượng vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ em Việt Nam cũng được khuyến cáo là đang thiếu. Nên việc bổ sung vi chất dinh dưỡng là cần thiết  cho việc tăng cường sức khoẻ của trẻ em. Và việc bổ sung nhiều vi chất cùng lúc sẽ tốt hơn là bổ sung từng vi chất đơn lẻ.

Đại diện Thanh tra Bộ Y tế cho rằng, việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng vào sữa là phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế khẳng định,  không có bất kỳ quy đinh nào cấm bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sữa để sử dụng vào trong sữa học đường.  Việc bổ sung các vi chất khác vào sữa là do doanh nghiệp quyết định, song  không được vượt quá khuyến nghị mà Viện Dinh dưỡng đặt ra với từng độ tuổi khác nhau.

Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế cũng lý giải:  Với sản phẩm sữa học đường đang sử dụng tại Hà Nội, các sản phẩm đã được Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn theo quy đinh của pháp luật, thì có sản phẩm Vinamilk 100% sữa tươi học đường.

Theo công bố sản phẩm của đơn vị, trong sữa tươi học đường thì có 99,9% hàm lượng sữa tươi không đường. Với thành phần sữa đã công bố, không có sữa bột để hoàn nguyên. “Đến ngày hôm nay, trong quá trình làm việc, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ tài liệu nghiên cứu nào nói rằng việc bổ sung những chất vào sữa như sữa của học sinh Hà Nội đang dùng là không tốt”, ông Nguyễn Văn Nhiên khẳng định.

Không để xảy ra tình trạng quá tải học sinh  

Liên quan đến vấn đề tuyển sinh đầu cấp, Tiến sĩ Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, năm nay các trường sẽ tuyển sinh sớm, kết thúc năm học là thi luôn. Trong thời gian tuyển sinh thí sinh THPT có thể thay đổi nguyện vọng bằng cách đăng ký trực tuyến, giảm thời gian đi lại, tránh hiện tượng các trường giữ hồ sơ.

Với trường THPT ngoài công lập dùng hai hình thức vừa xét tuyển qua học bạ, vừa xét tuyển theo điểm của các trường công lập. Ông Đại cũng cho hay, năm học 2019-2020, Sở GDĐT triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc (chứng chỉ A-level) tại Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Phương thức tuyển sinh vòng 1: thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài THPT quốc gia Việt Nam vào ngày 2-6-2019 và 3-6-2019 (thi 4 môn). Vòng 2 thi tuyển theo chương trình đào tạo tú tài Anh Quốc vào ngày 5-6-2019. Vòng 3 phỏng vấn vào ngày 18-6-2019.

Thời gian xác nhận nhập học và nộp hồ sơ nhập học như quy định của các trường THPT công lập. Điểm mới năm học 2019-2020 bổ sung thêm điều kiện học sinh muốn đăng ký dự tuyển chương trình song bằng tú tài phải có điểm trung bình cả năm lớp 9 môn Ngữ văn từ 6,5 trở lên. Về nguyên tắc tuyển sinh: Sau khi có kết quả các bài thi vòng 2 của thí sinh, Hội đồng xét duyệt của Sở GDĐT thực hiện tuyển chọn khoảng 200 học sinh có tổng điểm thi vòng 2 cao nhất để dự tuyển vòng 3 (phỏng vấn).

Xét tuyển những thí sinh có điểm thi vòng 3 từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu và đảm bảo các điều kiện sau: điểm xét tuyển vòng 1 pháỉ đạt ít nhất 30 điểm; các bài thi vòng 1 đều đạt điểm lớn hơn 3,0; không cần xét điều kiện điểm thi vòng 1 đối với những thí sinh thuộc diện tuyển thẳng vào lớp 10 THPT công lập không chuyên.

Liên quan đến vấn đề phân luồng học sinh tránh tình trạng quá tải, ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi - Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, về việc phân luồng sau trung học cơ sở, một số học sinh lớp 10 không cần thi mà có thể dự tuyển luôn vào các trường nghề. Năm 2018, chúng tôi đã tập hợp được gần 4.000 học sinh đăng ký vào các trường nghề, hơn 3.000 học sinh đăng ký vào trung tâm giáo dục thường xuyên.

Với trường tuyển sinh cao, năm nay các trường đã chủ động rà soát về đội ngũ và đưa ra phương án cụ thể để bổ sung thêm trường lớp, phục vụ cho học sinh năm tới. Bổ sung thêm về giải pháp giảm quá tải, ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Cùng với giải pháp đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, phân luồng, phân tuyến học sinh, Sở GDĐT đã tham mưu cho thành phố điều chỉnh quy hoạch trường học, rà soát để giảm sĩ số học sinh.

Trước mắt năm 2019, các quận ở khu đô thi phải ra soát số lượng học sinh và nhu cầu học tập để giảm áp lực sĩ số. Theo thống kê, các quận huyện thị xã sẽ đầu tư cải tạo 529 trường. Đặc biệt 12 quận xây mới, cải tạo hơn 100 trường.

“Riêng vấn đề học sinh lớp 1 tăng 30% so với số lượng lớp 5 ra trường, chúng tôi cũng đã yêu cầu các trường chủ động rà soát điều kiện, các quận, huyện, thị xã tuỳ thuộc vào điều kiện địa phương đã có phương án phân tuyến tuyển sinh, xây dựng thêm trường lớp, bổ sung thêm đội ngũ giáo viên”, đại điện Sở GDĐT Hà Nội nhấn mạnh.

Nhật Uyên
.
.
.