Gieo chữ nơi vùng cao biên giới

Thứ Năm, 02/03/2017, 08:46
Cách trung tâm hơn 10km, trong đó phải vượt qua quãng đường đất cheo leo dài gần chục cây số chúng tôi mới có mặt tại một điểm trường lẻ của trường Tiểu học Lóng Sập, bản Buốc Pát, huyện Mộc Châu, Sơn La. Làn sương mù giăng dày đặc, gió gầm gào, nơi đây quanh năm không có điện.

Thầy giáo Đỗ Văn Kiệm, Hiệu phó trường Tiểu học Lóng Sập cho biết, nhà trường hiện có 41 lớp đơn, 16 lớp ghép với 59 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 600 học sinh (trong đó 571 học sinh người dân tộc), có 1 điểm trường chính ở trung tâm và 11 điểm trường lẻ.

Hầu như các điểm trường lẻ không có điện và thiếu nước sạch, đời sống sinh hoạt khó khăn. Điểm trường Buốc Pát là một trong số đó, nơi có 14 hộ dân đều thuộc diện hộ nghèo với 2 lớp ghép và 14 học sinh.

Trong một ngày những tia nắng hiếm hoi ghé thăm, cô giáo lớp mầm non Nguyễn Thị Hương Giang (điểm trường lẻ bản Buốc Pát có dành một phòng học cho lớp mầm non) hôm nay lên lớp dạy học ngay giữa sân trường cho các em. Vừa dạy các em nhỏ phân biệt chữ số, các loại rau, củ quả, cô giáo Giang lại nhanh nhẹn lấy khăn lau mặt rồi đi vòng ra sau buộc tóc cho chúng. Những khuôn mặt trẻ thơ lem luốc, mặc phong phanh trong thời tiết lạnh giá khiến ai chứng kiến cũng xót xa...

Cô giáo lớp mầm non Nguyễn Thị Hương Giang dạy các em học sinh nhận biết các loại rau, củ quả.

Tại căn phòng học chừng hơn chục mét vuông gần đó, cô giáo Đinh Thị Ngân, một trong hai giáo viên tiểu học tại điểm trường bản Buốc Pát đang hăng say dạy các em tập đọc. Tranh thủ lúc các em tập viết, cô lại đi sang bảng đen đối diện giảng môn toán.

“Được sự quan tâm của các ban, ngành, các mạnh thường quân nên những năm gần đây cuộc sống người dân tại bản cũng như điều kiện học tập của các em học sinh khá lên rất nhiều. Hiện tại các học sinh điểm trường này còn được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập nuôi ăn một bữa/ngày. Ngoài ra, với những món quà từ các tổ chức từ thiện rất thiết thực như quần áo, đồ dùng học tập nên các em đều rất chăm chỉ đi học đủ, không bỏ học…”, cô giáo Ngân chia sẻ.

Chồng là bộ đội Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập, đóng quân ngay gần trường chị giảng dạy nhưng anh chị hầu như chỉ có thể gặp nhau vào những ngày cuối tuần. Nhà ở thị trấn Mộc Châu, cách điểm trường 30km, ngày nào cũng vậy, chị dạy từ sớm lên bản Buốc Pát dạy học và sẩm tối mới có mặt ở nhà. Hôm nào trời mưa đường trơn, phải gửi xe và đi bộ vài cây số mới tới trường là y rằng hôm đó chiều tối muộn chị mới về tới nhà, chỉ kịp cơm nước qua loa và dạy các con học bài…  

Hơn 21 năm đứng trên bục giảng, hầu như chưa một điểm trường nào cô giáo Ngân chưa đặt chân tới. Gắn bó lâu, chị cũng chứng kiến bao đổi thay của người dân tộc nơi đây. Những kỷ niệm vui, buồn, gắn bó với dân bản trong cô nhiều không kể siết, nhớ lại những ngày đầu mới đi dạy, cô giáo Ngân bồi hồi: “Thời gian đầu đi xuống từng nhà dân, vận động các em đến trường nhưng không biết tiếng, nói gì cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Mỗi đêm dài sau đó, lòng nặng trĩu không yên, cứ nghĩ đến những đứa trẻ không biết đọc, biết viết lại thôi thúc, mình quyết tâm tìm đủ mọi cách để động viên, đưa các em tới trường…”.

Các em học sinh chăm chú với môn tập đọc.

Bằng tình yêu thương, sự kiên trì, cô giáo Ngân đã tìm đến các già làng, trưởng bản và cùng họ tới từng nhà dân vận động. Những đứa trẻ sinh ra vốn chỉ biết ngô, khoai sắn thì nay đã biết đọc, viết tiếng Kinh… Dần người dân nghèo nơi đây đã hiểu, chỉ có học mới đem lại một tương lai tốt đẹp.

Cũng như cô giáo Ngân, thầy Lê Bá Thành, chủ nhiệm hai lớp ghép 4,5 đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó trong công việc gõ đầu trẻ, hơn 10 năm cắm bản tại điểm trường Buốc Pát. Với thầy Thành, mảnh đất, ngôi trường này bây giờ như nhà mình, kỷ niệm cũng nhiều, vui có, buồn có. Từng đấy năm công tác, từ không biết tiếng dân tộc, giờ thầy Thành đã có thể giao tiếp, nắm rõ phong tục tập quán của bà con là người dân tộc nơi đây… Vừa đi lấy nước sinh hoạt về cho các em học sinh, thầy Thành lại vội vã lên lớp dạy học.

“Hằng ngày, bọn mình vẫn đi xách nước từ suối nguồn cách trường gần 1km. Mùa mưa bà con nơi đây phấn khởi lắm vì có nhiều nước chứ mùa khô, nhà nhà lại tích cóp, tằn tiện để sử dụng. Khó khăn, thiếu thốn về vật chất, dần thì mình có thể khắc phục được nhưng không có nguồn nước sạch sử dụng thường xuyên thì thật sự là rất vất vả…”, thầy Thành trăn trở.

Chúng tôi rời bản Buốc Pát cũng là lúc trời bắt đầu tối, các em học sinh cũng đang rảo bước trở về nhà mình, những ngôi nhà chìm trong màn sương mờ ảo, ẩn hiện nơi lưng chừng núi. Tiếng hát lanh lảnh hòa trong tiếng cười hồn nhiên vui đùa của các em học sinh người dân tộc thiểu số vang lên suốt đoạn đường.

Chúng át đi cơn mưa chợt đến rơi lộp bộp và ngày một nặng trĩu, xóa đi nỗi lo lắng, trăn trở, là nguồn động lực lớn lao để các thầy cô nơi đây thêm vững tin cho chặng đường gian nan, gieo chữ nơi vùng cao biên giới…

Xuân Trường
.
.
.