Gieo chữ trên đỉnh Trà Vân

Thứ Ba, 21/02/2017, 08:32
Điểm trường của cô giáo Lưu Thị Vân và Nguyễn Thị Tám nằm chênh vênh trên đầu Nóc Ông Lý, bên cạnh rừng quế bạt ngàn màu xanh. Chúng tôi gọi lớp học này là lớp học trên đỉnh Trà Vân. Thực ra, Trà Vân là tên xã, nằm trên sườn một nhánh của dãy Ngọc Linh, nóc nhà của đại ngàn Trường Sơn.

Từ trung tâm huyện Nam Trà My (Quảng Nam), muốn lên đến Trà Vân nếu bằng xe máy phải vượt 30km đường ngược dốc, đi bộ tiếp 1 giờ cũng ngược dốc...

Điểm trường có 3 lớp, 2 cấp học. Trong đó, 15 em học sinh lớp mẫu giáo do cô Tám phụ trách; 15 em lớp 1 và lớp 2 học ghép do cô Vân phụ trách. Những đứa trẻ người Ca Dong ngoan, hiền, rất chịu khó đến lớp học để cha mẹ yên tâm lên rẫy... Chỉ phải tội, các em nói tiếng Kinh không rành, làm cô giáo luôn phải giải thích đến khản cả giọng may ra các em mới hiểu được phần nào bài học.

Cô Tám kể, chỉ mỗi bài hát “Trường của em be bé, nằm ở giữa rừng xanh...”, phải mất gần 2 tháng lũ trẻ mới thuộc, nhưng khi hát tập thể vẫn là một dàn đồng ca “bè cao, bè thấp” ai nghe lần đầu không hiểu các em hát bài gì!

Cô giáo Nguyễn Thị Tám đang giảng bài cho các em ở điểm trường Trà Vân.

Các em cũng rất quấn quýt cô giáo, nhiều khi tan học vẫn ở lại trường trò chuyện với các cô. Hai cô giáo đun lửa nấu được nồi cơm nho nhỏ, dọn ra ăn và những em học sinh ríu rít với các cô được xới cho mỗi đứa một bát. Thiếu cơm, các cô lại nấu nồi khác. Cứ thế, cô yêu trẻ, trẻ cũng yêu cô...

Trò chuyện mới biết, cả cô Tám và cô Vân đều đã dạy ở Trà Vân cách đây hơn 2 năm. Cô Vân quê ở Núi Thành, cô Tám ở Bắc Trà My, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quảng Nam là lên  miền núi ngay. Đường lên Trà Vân dốc cao hiểm trở, mỗi tháng 2 cô chỉ về thăm gia đình 1 lần. Cô Tám lấy chồng đã gần nửa năm nay, trong khi chồng cô làm nông ở quê, số lần cô về quê thăm chồng cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Tôi hỏi: “Đường sá bây giờ cũng đỡ rồi, sao các cô ít về thế?”. Cô Vân cười ngại ngùng: “Chúng em sợ tốn anh ạ!...”. “Vậy lương các cô bao nhiêu?”. Ngần ngừ mãi, cô Vân mới thổ lộ: “Mỗi tháng nhận chưa được 3 triệu đồng...”. “Sao ít thế?”, tôi gặng hỏi.

Lại ngần ngừ mãi các cô mới kể rằng, do dạy theo chế độ hợp đồng, mà lại là hợp đồng thì trường trung tâm ký, chứ không phải Phòng Giáo dục, hay Ủy ban huyện ký. Hằng năm, đầu năm học ký lại một lần. Nhà trường chỉ trả tiền cho mỗi buổi dạy, còn những tháng nghỉ hè, ngày nghỉ, Tết đều không có lương...

Cô Tám ngậm ngùi nói: “Nhưng chúng em không buồn anh ạ, chúng em quen rồi, vì cuộc sống phải mưu sinh thôi!”. Bất giác, tôi nghe cay cay trên sống mũi...

Phòng ở tại điểm trường Trà Vân của hai cô giáo Tám và Vân.

Đồng lương ít ỏi, cuộc sống các cô giáo cũng rất khó khăn. Cô Tám, cô Vân ở chung trong một căn phòng nhỏ chưa đầy 10m². Điểm trường lại nằm cách biệt khu dân cư, tan lớp học, đêm xuống, các cô chỉ còn biết đóng cửa thật chặt, nằm nghe tiếng gió thổi ào ào qua rừng.

Điểm trường không tivi, càng không có khái niệm máy vi tính, không mạng Internet, cái điện thoại cảm ứng các cô tằn tiện sắm được cũng chỉ để chơi game, chờ khi giấc ngủ ùa về. Cô Tám bảo, trồng được mấy luống rau để cải thiện, nhưng đàn heo thả rông của bà con trong làng phá nát hết, bữa cơm của hai cô chỉ vài con cá khô, ít rau rừng nấu cùng mỳ tôm làm thức ăn...

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Đăng Thuận, quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My cho biết, toàn huyện có 118 giáo viên mầm non, trong đó có 82 giáo viên hợp đồng; 283 giáo viên tiểu học, trong đó có 152 giáo viên hợp đồng; 170 giáo viên THCS, trong đó 79 giáo viên hợp đồng. Có thể nói số lượng giáo viên hợp đồng chiếm tỷ lệ rất cao so với giáo viên biên chế. Tuy nhiên, các thầy cô giáo đều rất tâm huyết, yêu nghề, dù đời sống còn nhiều khó khăn.(T.H.)
Thanh Hồng
.
.
.