Thầy giáo nghèo 20 năm mắc trọng bệnh vẫn miệt mài gieo chữ nơi rẻo cao

Thứ Hai, 18/01/2016, 13:45
Hai mươi năm qua, có một thầy giáo nghèo người dân tộc Nùng đã lặng lẽ đi về, cần mẫn "cõng" trên vai sự nghiệp gieo trồng con chữ trong khi cả hai vợ chồng thầy đều mang trong mình và đang ngày đêm phải chiến đấu với trọng bệnh....


Đang vào giữa mùa Đông, con đường từ thị trấn huyện Trùng Khánh, Cao Bằng vào xã Ngọc Chung chỉ vỏn vẹn có 9 cây số nhưng gian nan như đường lên trời. Từ huyện xuống xã là vậy nhưng từ xã xuống bản còn cheo leo gấp vạn lần. Nhưng hai mươi năm qua, có một thầy giáo nghèo người dân tộc Nùng đã lặng lẽ đi về, cần mẫn "cõng" trên vai sự nghiệp gieo trồng con chữ trong khi cả hai vợ chồng thầy đều mang trong mình và đang ngày đêm phải chiến đấu với trọng bệnh....

Tâm huyết vì sự nghiệp “trồng người”

Đã đi nhiều nơi và gặp bao tấm gương các thầy cô giáo ở vùng cao mà người ta vẫn khâm phục gọi là những "người hùng cắm bản", nhưng câu chuyện về cặp vợ chồng thầy giáo người Nùng Lục Văn Tài (SN 1968) - giáo viên tiểu học xã Ngọc Chung, huyện Trùng Khánh đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc về tình người và sự hy sinh cống hiến vì nghĩa cả.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, cái nghèo đã ngấm vào chàng trai người dân tộc Nùng Lục Văn Tài qua từng cơn giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông vùng cao, qua đôi chân trần và lớp áo mỏng manh đến trường. Bố mất sớm để lại mẹ và 6 người con côi cút, Lục Văn Tài là người con thứ ba trong gia đình. Một mình mẹ phải nuôi 6 miệng ăn, nỗi thống khổ về sự nghèo đói đè nặng trên đôi vai người mẹ nghèo vất vả, nhưng dù có đói khổ đến đâu, bà vẫn cố gắng lo cho các con được đi học đầy đủ, học lấy cái chữ để thoát nghèo.

Thầy Tài luôn hết mình vì học sinh.

Nhờ có người mẹ tần tảo như vậy, năm 1996 anh Tài là người duy nhất học hết lớp 12 trong xã và được cử đi học sư phạm trên tỉnh. Ra trường, anh quay về quê hương (xã Ngọc Chung) thực hiện ước mơ mang con chữ về với bản làng. Chia sẻ với tôi về những ngày đầu đi dạy của mình, thầy Tài vẫn không thể quên được những tháng ngày phải đến từng nhà vận động cha mẹ học sinh ở những thôn khó khăn bậc nhất như Lũng Chuông, Lũng Bằng, Lũng Choát… cho các em tới lớp.

Thời ấy, trẻ em trong bản chỉ biết làm ruộng, chăn trâu chăn bò rồi đi chặt củi về bán chứ không ai nghĩ đến đi học cả. Người dân không phải ai cũng nghe và nói được tiếng phổ thông, nhưng nhờ là người bản địa lại thông thuộc địa hình nơi đây nên thầy đã xuống tận nhà, vào từng gia đình tuyên truyền, vận động các gia đình đưa trẻ đến trường. 

Xã Ngọc Chung nghèo khó và gian nan lắm. Hồi đó thầy Tài dạy ở xa trung tâm xã - tít những điểm trường cách xa nhiều cây số đường rừng. Với tất cả tâm huyết và tuổi trẻ của mình, mỗi ngày tới lớp thầy giáo Tài phải đi bộ 3 - 4km đường mòn vách núi, mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Nhưng hãi hùng nhất là dịp mùa mưa. 

Những cơn mưa rừng khủng khiếp kéo dài nhiều ngày, nước từ thượng nguồn cuốn theo cả đá cục nặng hàng tấn ầm ập đổ về. "Những lúc đó tôi và các thầy cô đành phải bắt lán chờ nước rút hoặc đu dây sang bờ suối để đến lớp" - thầy Tài chia sẻ về thời gian khó ngày xưa. Được biết, những lứa học sinh "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" giờ đã trưởng thành, nhiều người thành cán bộ xã, thành nông dân sản xuất giỏi. Họ đều mang ơn thầy giáo Tài. Bởi chính nhờ thầy mà các em đã bước ra khỏi dãy núi bao đời đè nặng tương lai người đồng bào dân tộc nơi đây.


Chị Lương Thị Hường – đồng nghiệp tại trường tiểu học Ngọc Chung, nguyên là học sinh cũ của thầy Tài xúc động kể lại với chúng tôi: "Hồi đó cả bản chẳng ai học hết lớp 3 nhưng nhờ thầy Tài cùng các thầy cô vào tuyên truyền, vận động, bố mẹ tôi mãi rồi cũng thông cho tôi đi học tiếp. Sự học bây giờ cũng vất vả nhưng so với trước chẳng thấm vào đâu. Thầy coi chúng tôi như con, chăm lo dạy dỗ, mùa rét còn phải sắm cho mấy học sinh cái áo, đôi ủng. Những hôm bố mẹ chưa kịp tiếp tế, mấy đứa chúng tôi lại đến nhà thầy "ăn trực". Tôi được như hôm nay là nhờ thầy Tài, giờ đây lại được làm đồng nghiệp với thầy tôi vô cùng hạnh phúc".

Giống như chị Hường, bây giờ có hàng chục người được thầy Tài động viên, giáo dục đã tiếp tục theo nghiệp học hành để bây giờ trưởng thành làm cán bộ như: chị Hoàng Thị Dầm (Chủ tịch hội Phụ nữ xã Ngọc Chung), anh Nguyễn Văn Cang (Phó Công an xã Ngọc Chung). Cô Nông Thị Bảy – Hiệu trưởng trường tiểu học Ngọc Chung chia sẻ: “Thầy Tài mặc dù là một giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng lại luôn là người nhiệt huyết với công việc; vui vẻ hòa đồng, nhiệt tình trong công việc, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, luôn học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để nâng cao phương pháp giảng dạy của mình”.

Dù mắc bệnh trọng nhưng thầy Lục Văn Tài vẫn vượt qua tất cả vì các học sinh thân yêu.

Tai ương vây phận giáo nghèo

Đằng sau người thầy tâm huyết luôn hết lòng vì học sinh ấy, là bóng dáng của một người chồng người cha luôn hết mực yêu thương gia đình của mình, nhưng ít ai biết 2 vợ chồng thầy Tài đều đang mang trong mình trọng bệnh, đó là căn bệnh tim quái ác. Căn bệnh đó cũng đến với thầy Tài rất vô tình. Hôm đó đang trên lớp thầy mệt mỏi ngã ngất lịm, mọi người đưa đến trạm xá, sau đó chuyển về bệnh viện đa khoa tỉnh mới biết thầy mắc bệnh tim. Căn bệnh tim đó đã "ngự trị" trên người thầy bao năm nhưng vì nghĩa cả, tình cảm với học trò vùng cao mà thầy không đi khám bệnh khi thấy có biểu hiện khó thở, mệt mỏi.

Hơn 20 năm về trước, chàng trai Lục Văn Tài và cô gái dân tộc Nông Thị Thu cảm mến nhau, sự đồng điệu gữa hai tâm hồn và sự cảm thông giữa 2 con người mồ côi đã giúp anh chị đến với nhau. Hạnh phúc tưởng chừng vẹn tròn khi anh chị sinh những người con thông minh, khỏe mạnh, thế nhưng số phận thật trớ trêu cách đây mấy năm, cô Nông Thị Thu – vợ thầy Tài cũng mắc căn bệnh giống như chồng. Vậy là đôi vợ chồng thầy giáo nghèo trên đỉnh núi ấy tiếp tục viết tiếp câu chuyện về ý chí nghị lực, vừa dạy học, vừa chiến thắng bệnh tật.

Sự học ở vùng cao còn lắm gian nan.

Khi phát hiện ra bệnh, hồi đó mấy năm trời là chuỗi ngày hai vợ chồng thầy giáo Tài đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để chữa trị. Những lần khám chữa bệnh là những lúc gia đình phải gồng mình, cố gắng vay mượn, cầm cố. Bệnh tình của cô Thu – vợ thầy còn nặng hơn, đau ốm triền miên lại không làm được việc nặng nhọc, ngoài mấy việc lặt vặt quanh nhà, vì vậy mọi sinh hoạt trong gia đình đều đè nặng lên đôi vai người thầy giáo nghèo bệnh tật. Đã gần 20 năm là “người lái đò” chở biết bao nhiêu thế hệ qua sông và trưởng thành, nhưng thầy Tài vẫn chưa thể dành dụm nổi số tiền để mua cho mình một chiếc xe máy – phương tiện đi lại tối thiểu, mà hàng ngày thầy vẫn cuốc bộ hàng cây số đến trường dạy học.

Thậm chí, thầy nhiều lần ngất xỉu trên bục giảng do kiệt sức. Có những lần đang dạy học trên lớp cơn đau lại tái phát, vì không muốn để học sinh lo lắng cho mình nên thầy cố gắng ra khỏi lớp, đến hành lang thì ngất lịm, cũng may nhờ có các thầy cô giáo trong trường giúp đỡ đưa thầy đến trạm xá và lên lớp thay. Bệnh tật là thế, xong tâm huyết với nghề, với các em học sinh chưa bao giờ nguôi trong trái tim người thầy vùng cao ấy.

Chia sẻ với tôi, kỉ niệm đẹp nhất khiến thầy nhớ và cảm động nhất mà trong suốt những năm công tác tại trường tiểu học Ngọc Chung thầy không thể nào quên được, đó là sự quan tâm, sẻ chia của các thầy cô giáo và cả các em học sinh dân tộc thiểu số nghèo nhưng ân nghĩa, thủy chung. Thấy được hoàn cảnh của thầy, các em tự bảo nhau nỗ lực cố gắng học tập tốt hơn để động viên thầy. Trong câu chuyện với chúng tôi, thầy cũng nói nhiều về tình cảm các các cán bộ, giáo viên nhà trường dành cho mình.

Cơn mưa rừng đem theo cái giá buốt thổi vào đến tận tâm can. Thầy Tài tiễn tôi ra đến đầu bản rồi tiếp tục cuốc bộ theo con đường mòn xuyên rừng đến lớp. Dáng thầy đi liêu xiêu trong giá lạnh nhưng có mấy ai biết rằng, trên con đường đó gần 20 năm là 7.300 ngày, thầy Tài và đội ngũ những "người hùng cắm bản" đã cần mẫn, thầm lặng gieo con chữ, góp phần xua đói đuổi nghèo nơi xứ sở hạt dẻ Trùng Khánh, Cao Bằng. Giá như có nhà hảo tâm nào đứng ra giúp thầy chữa bệnh thì hay biết bao nhiêu, tôi chạnh lòng nghĩ...

Giữa bạt ngàn gió núi mây trời của Đông Bắc, giờ đây tôi mới thấm và thực sự cảm nhận được hết giá trị của những câu thơ: "Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/Người ta gọi là nghề cao quý nhất/Có một nghề không trồng cây vào đất/ Lại nở cho đời những đóa hoa thơm...”

Thúy Hằng
.
.
.