Giáo viên lúng túng với đề thi trắc nghiệm

Thứ Tư, 14/12/2016, 08:38
Ghi nhận từ các trường phổ thông cho thấy, đa số các thầy cô đều cảm thấy lúng túng, bỡ ngỡ trong khâu ra đề thi trắc nghiệm cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.



Nhằm giúp học sinh lớp 12 làm quen với phương thức thi THPT quốc gia năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản yêu cầu các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT thực hiện nghiêm túc hướng dẫn về dạy học và kiểm tra đánh giá học kỳ I năm học 2016-2017 theo hình thức thi trắc nghiệm khách quan. Tuy nhiên, ghi nhận từ các trường phổ thông cho thấy, đa số các thầy cô đều cảm thấy lúng túng, bỡ ngỡ trong khâu ra đề thi trắc nghiệm.

Việc kiểm tra học kỳ I năm học 2016-2017 đối với học sinh lớp 12 được thực hiện qua 5 bài thi gồm bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN), Khoa học xã hội (KHXH). Trong đó, ngoại trừ môn Ngữ văn, các môn còn lại đều thi trắc nghiệm. Hiện các trường THPT trên toàn quốc đều đang gấp rút chuẩn bị công tác cho kiểm tra học kỳ I sắp tới. 

Đề thi trắc nghiệm đang “đánh đố” nhiều giáo viên, học sinh. Ảnh minh họa 

Cô Nguyễn Mỹ Hạnh, Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết: Ngoài ba môn thi là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, nhà trường đang cho học sinh lớp 12 đăng ký theo tổ hợp môn thi KHTN và KHXH để phân chia phòng thi. 

Đồng thời, nhà trường cũng cho học sinh ôn tập theo hình thức trắc nghiệm khách quan trước ngày thi, để học sinh có đủ kiến thức và kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên giáo viên phải chuẩn bị bộ đề thi theo hình thức mới nên cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở khâu ra đề thi, trộn đề thi.

Thầy Trần Văn Hà, giáo viên Toán Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) cũng cho biết: Ngay khi Bộ GD&ĐT quyết phương án thi trắc nghiệm và đề minh họa, tổ toán đã lên phương án cho học sinh làm quen với dạng đề thi này. Các giáo viên trong tổ chuẩn bị tài liệu với các đề thi khác nhau để phát cho học sinh làm thử. 

“Thực tế nghiên cứu, soạn thảo câu hỏi cho thấy, để xây dựng được đề thi trắc nghiệm vô cùng vất vả. Do số câu hỏi của đề thi trắc nghiệm nhiều gấp hàng chục lần so với đề thi tự luận nên rất khó quản lý mức độ từng câu và toàn bộ đề thi. Bên cạnh đó, một đề trắc nghiệm đòi hỏi 4 mức độ đánh giá là nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao, nên để đề thi phù hợp với trình độ của tất cả học sinh là rất khó. Do đó, để phân tích một câu hỏi ở mức độ nào, vận dụng khá hay trung bình, cần phải có quá trình thực nghiệm mới chính xác được, trong khi đó, thời gian không có nhiều cho cả giáo viên và học sinh thực nghiệm” - thầy Hà chia sẻ.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: Mặc dù đã được Sở GD&ĐT Hà Nội tập huấn công tác xây dựng đề thi nhưng thời điểm này, chưa phải giáo viên nào cũng có thể làm tốt theo đúng yêu cầu. Bởi lẽ, đối với các môn Hóa học, Vật lý, giáo viên đã có nhiều kinh nghiệm làm đề thi theo hình thức trắc nghiệm, còn riêng môn Toán và Giáo dục công dân hay tổ hợp thi KHTN và KHXH chưa thực hiện thi theo hình thức trắc nghiệm nên cũng còn nhiều bỡ ngỡ. 

Cũng theo thầy Lâm, làm được một đề thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan rất khó. Bởi đề thi trắc nghiệm phải phân tầng câu hỏi theo biết, hiểu, vận dụng, do đó, giáo viên phải làm việc “hết công suất”. 

Tuy nhiên, do thời gian quá gấp rút, hiện nhà trường chưa thể xây dựng được cho mỗi học sinh một đề thi trắc nghiệm, nên trong một phòng thi chắc chắn sẽ có những học sinh trùng đề nhau.

Còn tại Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhà trường cũng đang gấp rút xây dựng bộ đề kiểm tra học kỳ I theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT nhà trường, giáo viên nhà trường vẫn đang lúng túng và gặp nhiều khó khăn ở khâu ra đề thi. 

Lúc đầu Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo, Sở sẽ thực hiện xây dựng bộ đề kiểm tra học kỳ I và các trường sẽ kiểm tra theo đề thi của Sở. Tuy nhiên, sau một thời gian, Sở GD&ĐT Hà Nội lại thông báo các trường tự xây dựng đề thi cho đợt kiểm tra học kỳ sắp tới khiến cho nhiều giáo viên lo lắng và có phần bị động. 

“Việc mỗi trường phải tự xây dựng đề thi cho học sinh của trường mình như hiện nay không chỉ vất vả mà còn rất khó đánh giá chất lượng học sinh vì mức độ ra đề thi mỗi trường mỗi khác. Tôi cho rằng, để có thể đánh giá khách quan trình độ học sinh, Sở GD&ĐT nên thực hiện ra đề chung cho các trường THPT trên toàn thành phố và yêu cầu Bộ GD&ĐT giúp đỡ khâu xây dựng đề thi”- PGS Cương đề xuất.

Huyền Thanh
.
.
.