Bộ Giáo dục lý giải nhiều nội dung thi trắc nghiệm đang “gây bão”

Thứ Hai, 12/09/2016, 16:23
Ngày 12-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức đưa ra những lý giải cụ thể về những điểm mới trong dự thảo phương án thi THPT quốc gia năm 2017. Trong đó, tập trung nhiều nhất vào các nội dung thi trắc nghiệm, đang “gây bão” dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Thi trắc nghiệm môn Toán không “làm hỏng” tư duy của học sinh

 Trước lo lắng của nhiều giáo viên về việc thi trắc nghiệm môn Toán sẽ không phản ánh hết năng lực, thậm chí có thể làm hỏng tư duy của học sinh, Bộ GD&ĐT cho rằng: Thi trắc nghiệm ở nước ta không phải là hình thức mới. Việc thi Toán bằng hình thức trắc nghiệm khách quan (TNKQ) có thể là mới với chúng ta nhưng nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng từ lâu.

Trắc nghiệm môn Toán được áp dụng ở các bài thi SAT và ACT của Hoa Kỳ là một ví dụ. Mỗi bài thi này có khoảng trên 50 câu hỏi Toán hoàn toàn thi bằng hình thức TNKQ. Hằng năm mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1.800 trường đại học của Hoa Kỳ.

Trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm, đặc biệt là sự khách quan và công bằng cho tất cả thí sinh. Đề thi TNKQ được thiết kế tốt sẽ đánh giá được nhiều khả năng tư duy, năng lực ở các mức độ khác nhau của người học. Cho dù có nhiều cách giải khác nhau trong bài toán cũng cùng đến một kết quả do vậy khi thiết kế câu hỏi thi các chuyên gia đã tính toán tối thiểu phải qua bao nhiêu bước tư duy mới giải được và mất tối thiểu bao nhiêu thời gian, nếu có những cách giải sáng tạo để thu ngắn các bước tư duy và thời gian thì các thí sinh này thực sự có năng lực bậc cao để giải quyết hết các câu hỏi trong bài thi.

Năm 2017, dự kiến cả nước sẽ sử dụng chung phần mềm chấm thi trắc nghiệm

Sẽ thống nhất dùng chung phần mềm chấm thi trắc nghiệm

Liên quan đến những thắc mắc của giáo viên và học sinh về việc bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) và bài thi Khoa học xã hội (KHXH) là bài thi tích hợp hay bài thi tổ hợp? Việc làm và chấm điểm các môn thi thành phần như thế nào? Thí sinh có phải làm cả hai bài thi này không?

Bộ GD&ĐT cho biết: Các bài thi KHTN và KHXH và KHXH là bài thi tổ hợp, mỗi bài thi gồm các môn thi riêng rẽ, các môn được bố trí tuần tự hết môn này đến môn khác. Kết quả chấm thi sẽ đưa ra điểm từng môn thành phần và điểm của cả bài thi tổ hợp phục vụ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Nhằm hạn chế việc thí sinh có thể chỉ làm bài thi đối với một số môn thành phần, bỏ qua một số môn khác trong bài thi, Quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể cách thức tổ chức thi và mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để làm điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Để được xét tốt nghiệp THPT, ngoài 3 môn bắt buộc, thí sinh chọn thi thêm bài thi KHTN hoặc bài thi KHXH. Cũng theo Bộ GD&ĐT, về cơ bản, mẫu Phiếu trả lời trắc nghiệm của các môn thi độc lập sẽ giữ như năm 2015, 2016.

Phiếu trả lời trắc nghiệm của các bài thi KHTN và bài thi KHXH bố trí phù hợp với yêu cầu thi các môn thành phần. Việc chấm thi bằng máy sẽ thực hiện tương tự như những năm trước: bài thi của thí sinh với mã đề thi xác định sẽ được quét vào máy tính, phần mềm chấm sẽ nhận dạng phương án trả lời của thí sinh, đối chiếu với đáp án để quy điểm.

Bộ sẽ cung cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm và yêu cầu các Hội đồng thi thống nhất sử dụng phần mềm chấm thi này để đảm bảo an toàn trong chấm thi và độ tin cậy của kết quả thi.

Đảm bảo quyền lợi cho thí sinh đã ôn tập theo khối thi truyền thống

Đối với các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D, khi điều chỉnh quy chế tuyển sinh sắp tới, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ có quy định yêu cầu các trường dành chỉ tiêu thích hợp để xét tuyển đảm bảo quyền lợi của thí sinh đã ôn tập theo khối thi từ trước.

Năm 2015, các trường đã dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống; năm 2016 đã dành ít nhất 50% và dự kiến năm 2017 các trường sẽ dành ít nhất 25%.Tổ hợp các môn thi của các khối thi truyền thống được xác định như những năm trước đây.

Các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ không có gì thay đổi. Các môn còn lại: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí sẽ lấy điểm thành phần tương ứng của các bài thi tổ hợp.

Cũng như năm 2015 và năm 2016, ngoài các tổ hợp xét tuyển truyền thống, các trường có thể quy định các tổ hợp xét tuyển mới, bao gồm cả bài thi KHTN hay bài thi KHXH, để xét tuyển vào các ngành nghề phù hợp. Liên quan đến bộ đề thi tích hợp đang được lan truyền trên mạng, Bộ GD&ĐT khẳng định: Các đề thi trắc nghiệm môn Toán đang lan truyền trên mạng xã hội không phải là đề thi minh họa của Bộ.

Thí sinh nên tham khảo ý kiến các thầy cô giáo khi nghiên cứu các đề thi này, tránh nhầm lẫn với đề thi minh hoạ chính thức của Bộ GD&ĐT. Đề thi minh họa  sẽ công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ:http://www.moet.gov.vn vào đầu tháng 10 tới để thí sinh biết định dạng của đề thi, yên tâm ôn tập.

Huyền Thanh
.
.
.