Dư luận trái chiều trước việc Đà Nẵng bỏ môn Ngoại ngữ trong tuyển sinh lớp 10

Thứ Sáu, 17/05/2019, 17:45
Trong bối cảnh Ngoại ngữ đang được các thành phố lớn chọn làm môn thi chuyển cấp thì Đà Nẵng lại bất ngờ thay đổi quy định, bỏ môn Ngoại ngữ trong kỳ thi vào lớp 10. Điều này đang tạo ra những ý kiến trái chiều trong dư luận.


Từ nhiều năm nay, TP HCM đã đưa Ngoại ngữ trở thành một trong 3 môn thi vào lớp 10. Năm nay cũng là năm đầu tiên Ngoại ngữ được Hà Nội chọn làm một trong 4 môn thi chính trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Tuy nhiên, mùa thi này Đà Nẵng bất ngờ thay đổi quy định, bỏ môn Ngoại ngữ trong kỳ thi vào lớp 10. 

Tháng 12-2018, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 2377/QĐ-SGDĐT quy định tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 - 2020 với điểm mới là học sinh THCS có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có giá trị sử dụng đến ngày thi (2-6-2019) thì sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ (hệ số 1). 

Ngoại ngữ đang là môn học được nhiều địa phương lựa chọn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Đến ngày 16-5, Sở GD&ĐT Đà Nẵng chính thức ban hành quyết định mới về tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2019-2020, trong đó quy định, học sinh thi vào lớp 10 chỉ thi 2 môn Ngữ văn và Toán. Do không thi môn Ngoại ngữ nên sẽ không áp dụng quy đổi điểm đối với các chứng chỉ Ngoại ngữ. 

Lý do của sự thay đổi này được ngành giáo dục Đà Nẵng đưa ra là “qua thực tế triển khai công tác tuyển sinh và rà soát quy trình ban hành các văn bản theo quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Đà Nẵng nhận thấy việc ban hành Quyết định số 2377 có một số vấn đề vướng mắc chưa phù hợp, chưa đầy đủ theo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng về việc hoàn chỉnh quy định tuyển sinh” và “nhận được nhiều ý kiến chưa đồng tình về cách quy đổi điểm và cộng điểm ưu đãi do việc kiểm soát chất lượng chứng chỉ trên thực tế còn nhiều bất cập". 

Cũng theo Sở GD&ĐT Đà Nẵng, trước thực tế trên, kế hoạch bỏ môn Ngoại ngữ trong tuyển sinh lớp 10 sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng không tốt đến việc ôn tập và thi tuyển của học sinh. Việc thay đổi, điều chỉnh này cũng nhằm đảm bảo công bằng, khách quan trong thi tuyển.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại hai thành phố lớn lựa chọn Ngoại ngữ là môn thi chính trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đều không miễn thi môn Ngoại ngữ, cũng không có chế độ ưu tiên, cộng điểm khuyến khích đối với các thí sinh có chứng chỉ quốc tế. Điều này cho thấy, quy định miễn thi môn Ngoại ngữ đối với học sinh có chứng chỉ quốc tế của Đà Nẵng là khác biệt so với các địa phương khác. 

Tuy vậy, một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, khung quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sang điểm 9, 10 được ngành giáo dục Đà Nẵng đưa ra trước đó là phương án có thể chấp nhận được bởi học sinh đạt chứng chỉ quốc tế đó hoàn toàn xứng đáng đạt điểm 9, 10 theo chương trình tiếng Anh phổ thông. Vấn đề đặt ra là phải quản lý tốt chất lượng đào tạo và cấp chứng chỉ quốc tế. 

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên và phụ huynh cũng cho rằng, do kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có ý nghĩa lớn đối với đông đảo học sinh và phụ huynh nên các chính sách liên quan đến kỳ thi cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh “tiền hậu bất nhất”. Trong trường hợp nếu thành phố muốn điều chỉnh, thay đổi cũng nên thông báo sớm, tránh “gây sốc” như hiện nay khi chỉ còn 2 tuần nữa là diễn ra kỳ thi. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn khiến nhiều phụ huynh bất bình vì đã đầu tư nhiều công sức, tiền bạc để cho con học tập lấy chứng chỉ quốc tế.

Chia sẻ thêm với phóng viên về vấn đề này, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Việc tuyển sinh vào lớp 10 thuộc quyền quyết định của địa phương. Các địa phương có thể căn cứ vào tình hình cụ thể của mình mà tổ chức tuyển sinh và xác định các môn thi tuyển. Trên thực tế, từ lâu môn Ngoại ngữ đã được đưa vào chương trình học từ THCS trở lên. Nếu chúng ta đưa vào kỳ thi và ra đề đúng với trình độ của học sinh thì rất tốt. Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, Đà Nẵng có thể có những đặc điểm riêng để đi đến quyết định như vậy để phù hợp hơn với mọi đối tượng học sinh. 

“Đà Nẵng  là một thành phố đang phát triển rất mạnh nhưng vẫn còn nhiều những khó khăn. Có thể đây là một quyết định có tính đến những học sinh ở các vùng khó khăn để bảo đảm những em ở những vùng đó, ngoại ngữ có thể không bằng các bạn ở vùng trung tâm nhưng vẫn có thể thi vào lớp 10 ở những trường mà các em mong muốn. Nếu đặt giả thiết,chẳng hạn Đà Nẵng bổ sung môn thi thì rõ ràng sẽ có tác động rất xấu bởi chỉ còn 15 ngày nữa là đến ngày thi. Tuy nhiên, loại bớt môn thi cũng không phải là tác động xấu lắm. Điều này chủ yếu là sự thiệt thòi đối với các em học sinh yêu thích, giỏi môn ngoại ngữ và đã bỏ nhiều công sức vào môn học này. Còn nếu thi Ngoại ngữ thì rất có thể gây khó khăn cho các bạn học sinh ở vùng khó khăn, điều kiện học tập chưa cao”-GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

 

Huyền Thanh
.
.
.