Đề thi môn Văn vừa sức với thí sinh
- Thí sinh bước vào môn thi tốt nghiệp THPT đầu tiên
- Hơn 850 nghìn thí sinh chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT
Em Nguyễn Việt Dũng, TS điểm thi này vừa cười vừa nói, rất vui: “Nội dung thi nằm hoàn toàn trong dự tính của em. Phần đọc hiểu đoạn trích có câu 4 đề nghị TS trình bày có đồng ý với quan điểm tác giả hay không trong nhận định ”sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống dù nhỏ bé, vươn tới ngày mai”.
Phần này em rất thích vì phù hợp với cách suy nghĩ của giới trẻ muốn nói ngày nay, nhất là thời điểm cả nước cùng Thế giới đang phải trải qua cơn đại dịch toàn cầu COVID-19, giai đoạn căng thẳng này chúng ta rất cần tới đội ngũ những người trẻ như chúng em nói riêng, của cả nước nói chung, cần chung tay với cộng đồng chiến thắng được dịch COVID-19.
Thí sinh THPT Thủ Đức phấn khởi vì đề thi vừa sức |
Đề thi môn Ngữ văn |
Trong giai đoạn 1 của dịch chúng ta đã được Thế giới đánh giá cao về phương pháp chống dịch, lần này đất nước ta em tin rằng sẽ tiếp tục đoàn kết một lòng vượt qua dịch thành công như đợt trước. Để có được thành quả đó thì rất cần đội ngũ trẻ của đất nước cần sống hết mình, trong mọi việc, trước hết là những việc làm tốt cho hiện tại để “đưa sự sống, dù nhỏ bé vươn tới ngày mai” như tác giả đã nói.
Giáo viên coi thi kiểm tra giấy dự thi trước khi thí sinh vào phòng thi |
Trong phần “Làm văn” ở câu 1 em cũng thích vì viết một đoạn văn 200 chữ về bản thân cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày. Yêu cầu của đề cũng kín đáo em nghĩ vậy đề cập tới việc người dân ta đang phải trải rất nhiều khó khăn để có thể vượt qua được cơn đại dịch COVID-19 của toàn cầu.
Qua những gì xảy ra trong việc đối phó với dịch càng cho thấy, cuộc sống này là vô cùng quí giá, cần sự trân trọng nó và trân trọng nó từng ngày, từng giờ. Dịch COVID-19 đã dạy cho mỗi người chúng ta nhiều bài học quí giá về cuộc sống. Em hiểu và bám theo phân tích như vậy chắc cũng phù hợp với yêu cầu của đề thi. Bài em viết 4 trang cho hai phần đầu. Em chắc phải được 7 điểm cho đề thi này”.
Thí sinh tự tin làm bài thi |
Cũng tại điểm thi này, một thí sinh nữ cho biết: “Phần cuối của đề thi đề cập tới một đoạn trong trường ca “mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Với yêu cầu: Phân tích tư tưởng “Đất nước của Nhân dân” là nằm hoàn toàn trong đề cương, không khó. Riêng phần này em phân tích được 4 mặt giấy thi. Em đánh giá đề thi là vừa sức. Có nhiều bạn trong phòng em xin thêm giấy để làm bài. Toàn bộ phòng em khi điểm thi đánh trống là đều làm xong. Em nghĩ với đề thi này ai ôn tập đều hết đề cương là làm bài từ điểm 5-6 trở lên”.
Thanh tra Bộ GD-ĐT kiểm tra bên ngoài phòng thi tại điểm thi trường THPT Thủ Thiêm (quận 2, TP Hồ Chí Minh) |
Tại điểm thi Trường THPT Thủ Thiêm (quận 2, TP Hồ Chí Minh), các thí sinh đều tươi cười sau khi kết thúc làm bài thi văn. Thí sinh Phạm Thị Thanh Huyền phấn khởi cho biết: “Đề thi dễ nên em làm được hết. Khi đọc đề thi là em và các bạn đều thở phào nhẹ nhõm vì đã được ôn tập cẩn thận nội dung chương trình học. Làm được môn đầu tiên cũng tạo cho em tâm lý tốt cho thi môn buổi chiều nay”.
Còn tại điểm thi Trường THCS Bàn Cờ (quận 3) các thí sinh đều tươi cười sau khi kết thúc làm bài thi văn. Thí sinh Nguyễn Ngọc Anh (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3) cho biết đề văn năm nay nằm trong đã được ôn tập em ôn tập rất kỹ. So với đề một số năm trước thì đề thi năm nay dễ hơn.
PHHS đứng đợi phía ngoài điểm thi vẫy gọi con sau khi kết thúc môn thi Văn |
Còn thí sinh Trần Quốc Hùng tại điểm thi trường THPT Bình Hưng Hoà (quận Bình Tân) nhận xét đề thi không nằm ngoài các kiến thức đã ôn tập. Phần đọc hiểu gồm 4 câu khá dễ. Phần nghị luận xã hội về trân trọng cuộc sống rất phù hợp với lứa tuổi của các em và tạo cho em cảm hứng làm bài.
Đối với phần nghị luận văn học yêu cầu phân tích tư tưởng “Đất nước Nhân dân” trong bài thi “Đất nước”cũng dễ. Chủ đề này cũng gần gũi, thể hiện sự đồng lòng nhất là trong thời điểm cả nước chống dịch COVID-19.
Tại điểm thi trường THPT Ten Lơ Man (quận 1), thí sinh Hoàng Linh cho biết đề năm nay ra những vấn đề xã hội, về sự sống và tình yêu quê hương đất nước, yêu thương con người. Có thể đang trong lúc phòng chống dịch COVID-19 nên đề này khá phù hợp, rất hay và gợi được nhiều cảm xúc cho thí sinh làm bài tốt.
Các thí sinh tại điểm thi THPT Ten Lơ Man (quận 1) phấn khởi sau khi thi môn Ngữ văn |
Còn thí sinh Minh Tâm vui mừng chia sẻ: "Năm nay em đoán chủ đề chắc là về tình yêu thương, về tinh thần đồng lòng phòng chống dịch, thiên tai lũ lụt nên em ôn rất kỹ những nội dung liên quan. Do đó đề về "Đất nước" đúng như dự đoán của em. Có thể nói là ôn trúng tủ tác phẩm này”.
Còn 10 phút nữa cổng trường - điểm thi mới mở nhưng các SV tiếp sức mùa thi đã sẵn sàng trao quà cho thí sinh |
Nhận xét đề môn văn, một số giáo viên dạy môn văn đánh giá đề ra khá hay và dễ, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Nhất là trong bối cảnh đất nước đang chung sức chung lòng phòng chống đại dịch COVID-19, mong muốn các thí sinh thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước, trân trọng cuộc sống. Phần nghị luận xã hội cũng quen thuộc, các em đã được ôn tập kỹ sẽ dễ đạt điểm cao.
Tại Hà Nội, nhận xét về đề thi môn Ngữ văn, TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết: Đề thi chính thức môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo lần 2 do Bộ GD&ĐT công bố. Phần đọc hiểu gồm 4 câu hỏi nhỏ.
Trong đó, 3 câu đầu dừng ở mức độ nhận biết, chỉ duy nhất câu 4 là ở mức độ vận dụng cao yêu cầu học sinh phải vận dụng những hiểu biết về cuộc sống xã hội cùng những trải nghiệm cá nhân để thể hiện quan điểm độc lập của mình trước một nhận định rút ra từ ngữ liệu đã cho. Với 3 câu hỏi nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể đạt được điểm tối đa.
Ở phần làm văn, đề thi giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm). Trong đó, câu nghị luận xã hội vẫn yêu cầu học sinh nghị luận về 1 khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc hiểu đó là “sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày”.
Có thể thấy, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội đảm bảo đúng form, cấu trúc, dung lượng mà học sinh ôn luyện, phù hợp với thời lượng và quỹ điểm; khía cạnh của vấn đề nghị luận cũng hướng tới một trong những điều quan trọng của cuộc sống mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, cô Trịnh Thu Tuyết cũng cho rằng, đây là một vấn đề ít nhiều còn trừu tượng với những học trò 18 tuổi- chưa đủ trải nghiệm để có thể thấu hiểu ý nghĩa của mỗi giây phút được sống trong cuộc đời, vì thế rất có thể sẽ có những bài làm chung chung, lí thuyết và thiếu sự thiết thực thấm thía nhất với mỗi học trò. Bài nghị luận văn học (2 điểm) đề cập đến một thông điệp tư tưởng quan trọng bao trùm không chỉ trong đoạn trích của bài thơ “Đất nước” mà còn là tư tưởng chi phối toàn bộ giai đoạn văn học 1945-1975. Và đây cũng là nội dung chính mà học sinh không thể bỏ qua khi tiếp cận những giá trị nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ.
Tuy vậy, ngữ liệu nghị luận theo yêu cầu của đề bài là 27 câu trong phần 3 của đoạn trích “Đất nước”, đó là một ngữ liệu quá dài, quá bề bộn trong quỹ thời gian cho phép của toàn bộ đề bài là 120 phút.
“Nhìn chung, đề thi Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Đề bài không khó nhưng quá dài, đặc biệt là câu nghị luận văn học - câu hỏi chiếm quỹ điểm cao nhất trong bài. Điều đó, có thể sẽ khiến học sinh lúng túng để hoàn thành tốt bài thi”- cô Trịnh Thu Tuyết nhận nêu ý kiến.
Cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên Ngữ văn của Tuyensinh247.com cho biết: Đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm 2020 là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh cần phải nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.
Ở phần đọc hiểu, dù đề thi đề cập đến các mức độ của tư duy, nhưng các câu hỏi đều không khó, đặc biệt là hết sức quen thuộc, nên học sinh có thể trả lời dễ dàng. Phổ điểm cho phần này sẽ là 2 đến 2,5 điểm. Phần nghị luận văn học, câu 1 đưa ra vấn đề “sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày” liên quan đến nội dung của văn bản đọc hiểu trong phần I.
Đây là tư tưởng đạo lý gần gũi, quen thuộc, không xa lạ với học sinh nên cũng không “làm khó” các em. Phổ điểm của câu 1 sẽ là 1,5 điểm. Câu 2 yêu cầu học sinh phân tích tư tưởng Đất nước của Nhân dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện qua đoạn trích “Đất nước”, có cung cấp sẵn văn bản đoạn trích, có định hướng về nội dung phân tích.
Yêu cầu đặt ra với học sinh hoàn toàn nằm trong phần kiến thức cơ bản đã được học của chương trình Ngữ văn 12, nên phổ điểm sẽ khoảng 3 điểm. Những học sinh khá giỏi, có năng lực cảm thụ và khả năng diễn đạt tốt sẽ dễ dàng đạt được 4,0 điểm trở lên cho câu này.