Đề và đáp án môn Văn thi THPT Quốc gia

Thứ Năm, 22/06/2017, 10:26
Cảm nhận về đoạn trích bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm chiếm 5 điểm trong đề thi Văn THPT quốc gia.




Đề thi môn Ngữ Văn
Đáp án môn Ngữ Văn

Giáo viên nói gì về đề thi môn Ngữ văn?

Nhận xét về đề thi môn Ngữ văn, TS.Trịnh Thu Tuyết -Nguyên giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An-Hà Nội cho biết: Đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn có sự thay đổi lớn từ cấu trúc, nội dung đến thời gia thi. Không còn một bài thi Ngữ văn thông thường với thời gian làm bài là 180 phút, đề thi năm 2017 chỉ có thời gian làm bài là 120 phút với hai phần là Đọc hiểu và Làm văn. Từng phần của đề thi cũng có sự điều chỉnh để phù hợp với thời gian làm bài.

Ngoại trừ 3 câu hỏi chủ yếu tập trung vào mức độ nhận biết và thông hiểu, câu hỏi duy nhất đòi hỏi tư duy, trải nghiệm, sự suy ngẫm và “thấu cảm” của thí sinh chính là câu bốn, đây là câu hỏi có thể coi đã đạt tới mục đích của Vận dung – Vận dụng cao theo tiêu chí của bài Đọc hiểu. Tuy nhiên, tần suất tư duy cho một phần Đọc hiểu như vậy là hơi “khiêm tốn” trong một đề thi quốc gia. 

Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội đảm bảo đúng mối quan hệ hữu cơ với phần Đọc hiểu theo cấu trúc các đề minh hoạ, thử nghiệm, tham khảo của Bộ trước đây. Vấn đề về sự “thấu cảm” vừa là vấn đề muôn đời trong cuộc sống nhân sinh, thế sự, vừa là điều có thể chạm tới phần nào thực tế bức bối của cách sống vô cảm khá phổ biến hiện nay. Trong khá nhiều những vấn đề của cuộc sống thời hiện tại, có lẽ sự “thấu cảm” cũng là điều nên nói.

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi. Ảnh: Ngọc Thi

Cũng theo TS. Trịnh Thu Tuyết, điều đáng ghi nhận đầu tiên ở câu nghị luận văn học chính là việc lựa chọn đoạn thơ cảm nhận trong 1 đoạn trích dài 90 câu -đoạn thơ đã giúp người đọc-học trò…có những cảm nhận khá đầy đủ về Đất nước: Đất nước được đặt trong chiều dài “đằng đẵng” của thời gian lịch sử, được đặt trong chiều rộng “mênh mông” của không gian địa lí, trong chiều sâu, bề dày của văn hóa, phong tục…

Từ 3 bình diện ấy, đất nước đem đến những cảm nhận vừa bình dị, gần gũi với cuộc sống nhân dân, vừa thiêng liêng, cao cả hướng tới những khái niệm về cội nguồn về nhân dân, đất nước. Sau những cảm nhận bình dị và thiêng liêng ấy, đoạn thơ cũng đã đề cập đến trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đất nước; và toàn bộ đoạn thơ 20 câu đã hướng tới thể hiện tư tưởng chủ đạo của đoạn trích- tư tưởng “đất nước của nhân dân”.

“Tuy vậy, nếu cần nói thêm về câu nghị luận văn học thì có lẽ là một chút băn khoăn: câu lệnh đưa ra hai yêu cầu cảm nhận về đoạn thơ và bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm – đây là hai yêu cầu thực ra không thể tách rời trong quá trình làm bài, triển khai luận điểm của học trò, và yêu cầu “bình luận về quan niệm đất nước của Nguyễn Khoa Điềm” nên cụ thể hóa để hướng tới tư tưởng “đất nước của nhân dân” và nhập vào trong yêu cầu cảm nhận”-TS Trịnh Thu Tuyết nêu quan điểm.

TS. Phạm Hữu Cường, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng nhận định: Đề thi THPT quốc gia 2017 môn Ngữ văn là một đề thi tương đối hay, có khả năng đánh giá được năng lực người học, thông qua yêu cầu vận dụng kiến thức, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. 

Đề thi bám sát chương trình THPT, nhất là chương trình Ngữ văn 12 và theo đúng cấu trúc đề thi mà bộ đã ban hành trong các đề minh họa, đề thử nghiệm và đề tham khảo. Độ dài các câu tương đối hợp lý. Đề thi đáp ứng được yêu cầu vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Phân tích cụ thể hơn về đề thi, TS Phạm Hữu Cường cho rằng: Yêu cầu về mức độ kiến thức và kĩ năng trong đề thi khá cơ bản, phù hợp với học sinh có học lực trung bình và khá. 

Các câu trong đề nhìn chung được sắp xếp từ dễ đến khó, đảm bảo được việc kiểm tra kiến thức và kĩ năng ở các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Bên cạnh đó, đề thi có một số câu hỏi mở, có khả năng phân loại thí sinh, là câu 4 của phần Đọc hiểu và ‎ý 2 trong câu 2 phần Lầm văn.  

Tuy nhiên, tính thời sự của đề thi không cao mà nghiêng về tính truyền thống, hầu như không đề cập đến các vấn đề thời sự hiện nay của dân tộc, của đất nước. “Với đề thi này, phổ điểm chủ yếu mà học sinh đạt được sẽ vào khoảng 7-7,5 điểm”-thầy Cường nhận định.

Nhận định đề thi văn năm nay cô Võ Trần Hạnh Nguyên, Tổ trưởng tổ Văn trường THPT Trưng Vương TP Hồ Chí Minh nói: “Theo tôi đề thi văn năm nay phù hợp với kiến thức và cả kỹ năng của học sinh. Vấn đề đặt ra trong bài rất gần gũi, thiết thực, có ý nghĩa nhân văn và có tính giáo dục cao. Tổng thể chung là đề không khó và hay. Nhận xét từng phần, phần đọc hiểu rất hay, các câu hỏi có sự phân hóa rất rõ ràng, từ nhận biết, hiểu đến vận dụng. Học sinh trung bình có kiến thức cơ bản cũng có thể làm được 2/3 điểm cho phần này.

Phần nghị luận xã hội nêu ra vấn đề rất ý nghĩa với học sinh trong thời buổi hiện nay, học sinh có thể lấy dẫn chứng từ đời sống không quá khó. Nghị luận văn học tạo điều kiện cho học sinh trung bình vì trong bài có trích văn bản luôn. Học sinh có kiến thức cơ bản về tác phẩm đã làm tốt 1 phần của đề. 

Riêng phần bình luận bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm để phân hoá HS giỏi và khá. Đề đáp ứng được yêu cầu vừa tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học.

T. Phương - H. Thanh - H. Nga
.
.
.