Đảm bảo an toàn cho học sinh trong dịch COVID-19 nhưng không cứng nhắc

Thứ Tư, 06/05/2020, 14:36
Hình ảnh học sinh (HS) tại một trường tiểu học ở Dĩ An, Bình Dương đeo khẩu trang, lồng thêm mũ có tấm ngăn giọt bắn trong ngày đầu tiên đi học trở lại đã được chia sẻ trên mạng xã hội với nhiều phản ứng trái chiều.

Từ câu chuyện trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong điều kiện dịch bệnh hiện nay là cần thiết song cũng không thể quá cứng nhắc. Các quy định đưa ra cần phải phù hợp, đồng bộ, khả thi và có thể duy trì được lâu dài.

“Sáng tạo” không phù hợp, gây mệt mỏi cho học sinh

Trong ngày 4/5, ngày đầu tiên học sinh nhiều địa phương trên cả nước đi học trở lại, một số nhà trường  đã sử dụng nguồn xã hội hóa để trang bị mũ có tấm che chống giọt bắn với mong muốn đảm bảo an toàn cho các con. Tuy nhiên, giữa tiết trời nóng nắng, các phòng học không được bật điều hòa để hạn chế sự lây lan của dịch, việc HS tiểu học phải đội những chiếc mũ này trong suốt thời gian học ở trường là rất bất tiện, khó chịu. Nhiều phụ huynh cho rằng, dù rất thông cảm, chia sẻ với mong muốn đảm bảo an toàn cho HS của các thầy cô song cũng rất xót xa khi nhìn những hình ảnh này.

Học sinh tiểu học đeo mũ có tấm chắt giọt bắn trong ngày đầu tiên đi học trở lại đã làm “dậy sóng” mạng xã hội.

Chị Trần Thu Hà, một phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ: “Việc HS đeo khẩu trang, tấm chắn cả ngày ở tuổi ưa hoạt động thì khả thi bao nhiêu %? Và nó có hại gì trong môi trường nóng ẩm gần 40 độ của Việt Nam hiện nay? Tấm che giọt bắn làm bằng nhựa cong cong, có tốt cho mắt nhìn của học sinh không? Có nguy cơ cận thị, loạn thị không? Có gây nhức đầu chóng mặt không?Những biện pháp phòng chống dịch nó có diệt luôn những điều tốt đẹp khác không?

Nó có gây ra tổn thương tâm lý của HS khi phải lo lắng, sợ hãi và sống luôn luôn cảnh giác không? Nếu tránh được COVID, nhưng rồi bị stress, bị suy sụp, bị ám ảnh sợ hãi, bị trầm cảm, khùng khùng, thì sao?... Không có lựa chọn nào mà hoàn toàn 100% xấu, và lựa chọn nào 100% tốt. Bất cứ lựa chọn nào cũng có mặt tốt và mặt hại. Và chúng ta chỉ nên chọn nó, nếu tác dụng phụ nhỏ hơn tác dụng chính”.

Các bác sĩ chuyên khoa mắt tại Hà Nội cũng cho rằng, trong tình hình dịch bệnh nước ta đã được kiểm soát như hiện nay, việc cho các cháu nhỏ đeo mũ có tấm che giọt bắn là không cần thiết. Ngoài việc bí bức, khó chịu, việc học sinh phải nhìn qua tấm nhựa này lâu dài sẽ ảnh hưởng đến mắt của trẻ, nhất là đối với những học sinh tiểu học, lứa tuổi đang hình thành thị giác.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trong các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và quy định về trường học an toàn của Bộ GD&ĐT, "không có quy định nào bắt buộc học sinh phải đội mũ chống giọt bắn trong thời gian học tập ở trường". Ông Độ khẳng định việc đội mũ chống giọt bắn chỉ là sáng tạo của một số nhà trường, một số lớp học. Vì thế, tùy theo tình hình thực tế, các nhà trường cần cân nhắc khi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch chưa phù hợp, gây khó khăn, mệt mỏi cho học sinh.

Cũng theo ông Độ, đón học sinh đi học trở lại, các nhà trường phải đảm bảo an toàn, tuân thủ các quy định về phòng dịch COVID-19 của cơ quan chuyên môn. Về phía Bộ GD&ĐT, dựa trên các quy định của cơ quan chuyên môn, Bộ cũng có hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi các trường đón học sinh trở lại trường với 15 tiêu chí cụ thể.

Xem xét nới lỏng việc đeo khẩu trang toàn thời gian, không bật điều hòa

Trong Bộ quy chế đánh giá mức độ an toàn trường học trong dịch COVID-19 do Bộ GD&ĐT ban hành, trong 6 tiêu chí áp dụng khi học sinh đến trường, tiêu chí số 11 đã quy định “học sinh đeo khẩu trang đúng cách khi ở trường”. Còn theo hướng dẫn của Bộ Y tế gửi Bộ GD&ĐT về việc đảm bảo an toàn trường học cũng khuyến cáo, các lớp học cần mở cửa để thoáng khí, chỉ sử dụng quạt, không sử dụng điều hòa.

Thực tế cho thấy, hầu hết các trường học khi đón học sinh đi học trở lại đều chấp hành nghiêm các quy định và khuyến cáo trên để đảm bảo an toàn mặc dù để thực hiện được điều này, cả giáo viên và học sinh đều vất vả hơn. Tuy nhiên, một câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu giáo viên và học sinh sẽ “chịu đựng” được những điều này trong bao lâu, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay?

Học sinh đeo khẩu trang trong toàn bộ thời gian học ở trường.

Một giáo viên THCS cho biết: “Thật sự là chúng em mệt lắm, chia lớp làm đôi, công việc của giáo viên cũng tăng lên gấp đôi. Dạy xong về đến nhà là lả luôn, không đủ sức làm việc gì khác nữa. Tuy nhiên, khổ nhất vẫn là đeo khẩu trang dạy 6 tiết/ngày, toàn phải nói cố, yếm hơi không chịu được. Thế rồi một hôm, cậu lớp trưởng đề nghị, “cô ơi, chúng em đeo khẩu trang, ngồi cách xa cô rồi, cô cứ mở khẩu trang ra dạy cho thoái mái, có thế chúng em mới nghe rõ lời cô giảng. Chúng em sẽ để ý, nếu có người đi qua, sẽ báo động với cô”.

Còn theo chia sẻ của một phụ huynh tại Hà Nội, con trai chị đi học về đến nhà là kêu mệt. “Đeo khẩu trang cả buổi con khó chịu lắm. Con lại ngồi gần cửa sổ, ánh nắng dọi vào, quạt thì không đến nơi, vả hết cả mồ hôi” - phụ huynh này cho biết.

Trong lúc các thầy cô giáo, học sinh đang nỗ lực “vượt khó” nhằm đảm bảo an toàn trong những ngày học “giản cách” vì dịch COVID thì bên ngoài cổng trường, chúng ta dễ dàng bắt gặp những cảnh vô tư vi phạm quy định phòng chống dịch trên nhiều tuyến phố. Tại các quán bia, nhiều người vô tư ăn, uống không đeo khẩu trang. Thậm chí, tại các điểm công cộng, việc đeo khẩu trang, đảm bảo giản cách cũng bị nhiều người phớt lờ không thực hiện. Từ thực tế trên, một câu hỏi được đặt ra là nếu vẫn cần thiết đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang trong lớp học thì cũng phải chấn chỉnh lại những tụ điểm có nguy cơ lây nhiễm diện rộng do tiếp xúc đông người bên ngoài trường học. Còn nếu không thì việc giản cách ở trường sẽ không còn nhiều tác dụng khi về nhà, các em lại vẫn phải tiếp xúc với các nguồn có nguy cơ lây nhiễm do chính bố, mẹ của mình mang về.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, hiện nay tại các sân bay, nơi từng được đánh giá là môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, khi hoạt động trở lại trong thời tiết nắng nóng, đều sử dụng hệ thống điều hòa. Điều này liệu có công bằng với thầy cô và học sinh không khi với hàng chục con người trong một phòng học chật chội, các lớp học chỉ bật quạt, nhiều học sinh ngồi xa phải chịu nóng?

Đành rằng, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và không được phép chủ quan, nhất là đối với trường học, nơi tập trung đông người. Tuy nhiên, để đảm hài hòa, hiệu quả, giải pháp chống dịch bệnh cấp quốc gia cần có sự thống nhất, đồng bộ, công bằng, không thể nơi quá lỏng, nơi thì quá chặt như hiện nay. Việc học sinh và giáo viên đeo khẩu trang liên tục trong suốt thời gian ở trường, không bật điều hòa… cũng cần được nới lỏng dần, áp dụng linh hoạt tùy vào diễn biến của dịch bệnh và tình hình thực tế. Bởi lẽ việc không bật điều hòa chỉ phù hợp với mùa xuân, khi đỉnh dịch hoặc dịch bệnh diễn biến phức tạp chứ không phù hợp với điều kiện thời tiết mùa hè nóng bức hiện nay. Các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định, các khuyến cáo nhưng tùy vào tình hình, điều kiện thực tế, tránh làm máy móc.

Huyền Thanh
.
.
.