Cung ứng dịch vụ tốt - vấn đề sống còn của tự chủ đại học

Thứ Năm, 02/11/2017, 09:26
23 trường đại học (ĐH) công lập trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương đã thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ. Theo đó, các trường sẽ được thu học phí cao hơn so với quy định hiện hành. Mức học phí áp dụng của nhiều trường này có thể tăng gấp 3 lần so với trước đây...


PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Phòng Quản lí Phát triển Khoa học và Công nghệ của trường ĐH Tôn Đức Thắng TP Hồ Chí Minh - một trong những mô hình trường đầu tiên đi tiên phong trong vấn đề tự chủ.

Tự chủ cách nghĩ, cách làm

Xoay quanh câu hỏi: học phí tăng thì chất lượng tất yếu tăng? TS Lê Văn Út phân tích, tự chủ ĐH không có nghĩa là tự tung, tự tác muốn làm gì cũng được. Cũng không có nghĩa là học phí được tự thu mà vẫn phải theo qui định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các trường ĐH cũng không thể hiểu một cách phiến diện là tự chủ học phí, hay tự chủ là nói đến tăng học phí và dựa vào đó để nói rằng, tăng học phí là tăng chất lượng đào tạo ngay. Trước đây và cả hiện tại, nhiều mô hình trường ĐH công vẫn phải chờ nguồn ngân sách, ngoài việc thu học phí thì vẫn được nhà nước hỗ trợ thêm một phần kinh phí để hoạt động. Do đó, một số trường cho dù hoạt động có kém hiệu quả đi nữa thì vẫn được tồn tại.

Tuy nhiên, với xu hướng đi lên theo chuẩn mô hình Quốc tế, khi được nhà nước giao quyền tự chủ cũng đồng nghĩa, các trường ĐH phải tự bơi, mà không sử dụng “bầu sữa” ngân sách. Thay vì được ngân sách hỗ trợ, kinh phí đào tạo của trường sẽ được thu từ người học. Người được hưởng dịch vụ sẽ phải trả kinh phí cho dịch vụ mình được hưởng thay vì sự đóng góp của toàn xã hội. Theo đó, Nhà trường phải gánh một trách nhiệm rất lớn trước yêu cầu và giám sát của người học.

Tự chủ cũng không phải là nguồn thu học phí của các trường đổ hết vào việc chi tiêu, hoạt động của Nhà trường mà các trường phải tự tạo ra nhiều nguồn thu khác nhau. Nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, từ chuyển giao công nghệ... Việc tăng học phí chẳng qua là bù lại cho phần thiếu hụt do nhà nước không bù nữa chứ không đồng nghĩa với việc được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường hoàn toàn bằng nguồn học phí.

Sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng TP Hồ Chí Minh trong một lần đi thực tế để được trải nghiệm về nghề nghiệp.

Trong tự chủ ĐH, vai trò của quản trị nhà trường rất quan trọng, trong đó, "cầm trịch" là Hội đồng nhà trường. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn được tự chủ để nâng cao chất lượng đào tạo, Hội đồng phải có chiến lược phát triển, phải có tầm nhìn: tự chịu trách nhiệm, tự lo công tác tổ chức bộ máy và tuyển dụng nhân sự; công tác tuyển sinh và đào tạo; công tác đầu tư, xây dựng cơ bản; sử dụng tài chính; công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; các chương trình hợp tác quốc tế… Chịu  trách nhiệm trước xã hội, trước người học về các dịch vụ cung ứng.

TS Lê Văn Út dẫn giải, đơn cử trong nguồn vốn sử dụng trong xây dựng cơ bản. Cho tới hiện nay, trường Tôn Đức Thắng xây dựng được một khu thư viện hiện đại 7 tầng được nhận định trị giá hàng trăm tỉ nhưng thực chất chỉ mất có 129 tỷ. Đó là nhờ hiệu quả của công tác "quản trị nhà trường". Nhờ cơ chế tự chủ, nên trường sẽ năng động hơn trong các hoạt động tài chính. Trong đầu tư, chọn đối tác, nhà thầu, thay vì ngồi đợi vốn nhà nước thì các trường có thể vay vốn để đầu tư kịp thời phục vụ yêu cầu đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Với tự chủ sẽ quyết định chất lượng nhân sự, tuyển dụng nhân sự một cách hiệu quả nhất. Có thể tự quyết trong trả lương theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc, năng lực đi theo với thu nhập chứ không cào bằng. Từ đây cho phép sử dụng đội ngũ các giảng viên trình độ cao. Kể cả nhân sự là người nước ngoài. Từ đó, sức ảnh hưởng rất lớn, hiện trường ĐH Tôn Đức Thắng có khá nhiều giảng viên là nhà nghiên cứu khoa học là người nước ngoài về làm việc. Mức lương hưởng ngang như chuyên gia trong các nước khu vực và Châu Âu.

Giá trị cốt lõi: Chất lượng "sản phẩm đào tạo"

TS Út cho rằng, với mô hình tự chủ ĐH, các trường được nới cơ chế nhưng gắn theo đó là trách nhiệm nặng nề về đảm bảo sản phẩm cung ứng phải tốt cho xã hội. Được tạo cơ chế hoạt động từ khi còn là trường dân lập, bán công rồi chuyển sang công lập, năm 2008, Trường ĐH Tôn Đức Thắng được tự chủ hoàn toàn về tài chính. Nguồn vốn được sử dụng hợp lý, cơ sở vật chất nâng cao, nhân sự có chất lượng, từ đó chất lượng đào tạo được nâng lên, gắn liền với uy tín, thương hiệu, tạo chữ tín với người học, kéo theo công tác tuyển sinh thuận lợi...

Mức thu học phí của trường ĐH Tôn Đức Thắng hiện khoảng hơn 17 triệu/năm tuỳ từng ngành. Các đối tượng thuộc diện khó khăn, cũng như đối tượng xuất sắc sẽ nhận được sự hỗ trợ tương xứng, đảm bảo yếu tố công bằng xã hội.

Tự chủ khiến cho vấn đề chuyên môn, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy bớt đi sự "ngủ quên", nhàm chán. Đội ngũ giảng viên phải tự "thức dậy", không phải “đi” mà là "phải chạy". Không thể bê nguyên xi giáo án lên lớp là xong mà bài giảng của các thầy, cô phải có tham khảo, có nghiên cứu, sáng tạo. Luôn đổi mới, cập nhật, đổi mới phương pháp giảng dạy, cách thức đào tạo, và phải coi đây là "mệnh lệnh chính trị", là sự sống còn của trường. Sinh viên tốt nghiệp phải đảm bảo có năng lực và đảm bảo có việc làm.

TS Út chia sẻ: "Cần phải thấu hiểu nỗi thống khổ của nhiều phụ huynh từng phải vay tiền ngân hàng cho con đi học ĐH. Sau 4 năm học không có việc làm thì không thể nói trường có chất lượng". Được biết, 98% SV của trường ĐH Tôn Đức Thắng hàng chục năm nay có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp 1 năm. Song, để đủ điều kiện sát hạch tốt nghiệp ra trường là điều không đơn giản với mỗi SV tại trường. Mô hình tự chủ phải khắc phục các vấn đề về lãng phí, về những hoạt động chưa hiệu quả trong một trường công. Đó là những cái mới của tự chủ.

Trong nghiên cứu khoa học, đề tài nghiên cứu hiện đã bỏ cấp Trường, người đăng kí đề tài đưa ra chủ đề gì, sản phẩm gì, nghiệm thu đúng sản phẩm đó. Nếu không sẽ phải trả lại hết khoản đầu tư của trường cho nghiên cứu đó.

"Được giao quyền tự chủ đồng nghĩa với việc các trường phải tự nâng cao trách nhiệm của mình trong mọi lĩnh vực. Có như vậy, sinh viên mới yên tâm học tập và rèn luyện. Người Hiệu trưởng giữ vai trò lớn nhất vì nếu người đứng đầu chưa sẵn sàng thì chưa thể tự chủ được. Đến lúc nào đó đồng loạt các trường ĐH phải tự đánh giá được "sản phẩm" mình đào tạo và tự tin đưa ra mức phí đào tạo được người dân chấp thuận", TS Lê Văn Út nhấn mạnh.

Huyền Nga
.
.
.