Tháo gỡ các nút thắt “cản trở” tự chủ đại học

Thứ Sáu, 20/10/2017, 17:24
Ngày 20-10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập theo Nghị quyết số 77/NĐ-CP ngày 24-10-2014 của Chính phủ giai đoạn 2014-2017 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Hội nghị đã nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm tự chủ ĐH. Đồng thời đề xuất với Chính phủ xây dựng các chính sách, hành lang pháp lý để gỡ các nút thắt đang cản trở quá trình tự chủ ĐH tại Việt Nam.

“Luồng gió mới”, động lực mới cho các trường đại học

Đánh giá ban đầu về kết quả thí điểm tự chủ ĐH của 23 trường đại học (ĐH), trong đó có 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm và 11 nhóm trường có tự chủ dưới 2 năm theo Nghị quyết 77, nhóm nghiên cứu toàn diện về tự chủ của ĐH Kinh tế quốc dân đa chỉ ra một số kết quả đáng ghi nhận như: Khi tự chủ, thủ tục hành chính giảm bớt, thời gian mở ngành nhanh chóng hơn giúp các trường chủ động trong đào tạo, tận dụng cơ hội mở ngành đào tạo để đáp ứng kịp nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội; tích cực thay đổi nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy tiên tiến tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế. Số lượng các công trình nghiên cứu khoa học, đề tài cấp nhà nước và các công trình được công bố của 12 trường tự chủ tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2013-2016. Trong đó, đáng chú ý số lượng các bài viết được công bố trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng lên nhiều nhất, năm 2016 tăng gấp đôi so với 2013.

Về bộ máy nhân sự, nhà trường cũng chủ động hơn trong thành lập mới, sáp nhập, chia tách, giải thể nâng cấp các đơn vị trong nhà trường; cơ cấu nhân lực cũng hợp lý hơn do lực lượng lao động trực tiếp (giảng viên) tăng lên trong khi đội ngũ lao động gián tiếp giảm xuống; tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị cũng tăng lên so với giai đoạn trước. Về tài chính, cơ cấu tự chủ đã tạo điều kiện cho các trường chủ động trong xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách...

Minh chứng thêm cho những kết quả đạt được từ tự chủ ĐH, GS.TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, một trong những cơ sở thí điểm thực hiện tự chủ cho biết: Số lượng công bố quốc tế của nhà trường tăng mạnh so với trước, trong đó, riêng năm 2016 là 137 bài; tỷ lệ sinh viên có việc làm trong năm 2016 là 94%, tăng hơn 10% so với trước đó; do nhà trường được chủ động rà soát và tổ chức lại bộ máy nên lương giáo viên tăng lên, đảm bảo cuộc sống, nguồn nhân lực không bị xáo trộn.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng: Sau 27 tháng thí điểm cơ chế tự chủ đã mang đến cho nhà trường thêm nhiều động lực mới. Việc thí điểm cơ chế tự chủ ĐH cũng có thể ví như khoán 10 trong Nông nghiệp đã tạo luồng gió mới cho các trường ĐH. Trong đó, điều dễ nhận thấy nhất là cán bộ, giảng viên làm việc sáng tạo, hiệu quả và sâu sát hơn... Còn Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội thì nhận định: Nghị quyết 77 là hướng đi đúng đắn, hợp lý vạch đường cho ĐH. Trong đó, cái được lớn nhất là thay đổi tư duy quản trị đối với người lãnh đạo và giúp người học ý thức rõ rằng không thể mua chất xám với học phí rẻ.

Tự chủ là con đường tất yếu để các trường ĐH tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước

Đề xuất cho các trường được tự chủ đồng loạt từ năm 2020

Theo nhóm nghiên cứu toàn diện về tự chủ ĐH, trong quá trình thực hiện, các trường đều nhận thấy rằng, dù đã có một số văn bản cởi trói cho các trường được “thí điểm tự chủ”, nhưng do tất cả các văn bản đó đều không thể vượt qua khỏi Luật, đặc biệt là Luật Giáo dục Đại học, Luật Đầu tư Công, Luật Khoa học Công nghệ… nên thực tế, các trường ĐH tự chủ vẫn cho rằng, cơ sở pháp lý về tự chủ đại học chưa vững chắc và thiếu đồng bộ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường được giao tự chủ; một số văn bản quy định còn thiếu tính cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn khi triển khai. Do đó, nhóm nghiên cứu đã kiến nghị với Chính phủ sớm ban hành Nghị định về Tự chủ ĐH thay thế cho NQ77, chính thức hóa tự chủ ĐH là con đường tất yếu của giáo dục ĐH Việt Nam. Đối với các trường chưa tự chủ, Chính phủ cần yêu cầu các trường này phải thực hiện tự chủ kể từ năm 2020 đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý để đóng cửa các trường đại học không thể tự chủ từ thời điểm này.

Với các cơ sở GDĐH đang thí điểm tự chủ, nên kéo dài thời gian thí điểm cho đến khi các cơ sở này có khóa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên tính từ khi áp dụng thí điểm tự chủ để có thể đánh giá đầy đủ hơn về giai đoạn thí điểm tự chủ; sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn chính thức tự chủ đồng loạt từ năm 2020. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định: Với trách nhiệm của người đứng đầu ngành, qua 3 năm thí điểm, có thể thấy rõ, tự chủ đã mang đến nhiều nhiều cái tốt, hay cho các trường ĐH. Tuy nhiên, cũng có những bất cập bộc lộ cần xử lý. Điều này đòi hỏi các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu thật kỹ, nghiên cứu thật chắc để có các bước đi phù hợp...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tự chủ ĐH là thuộc tính cần thiết của ĐH thế giới và Việt Nam. Mặc dù, thực hiện tự chủ ĐH còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta không còn cách nào khác là phải làm mạnh mẽ hơn. Đây là trách nhiệm vì đất nước bởi nếu các trường ĐH Việt Nam không thực hiện tự chủ, không thành các trường mạnh thì nhân lực chất lượng cao của Việt Nam sẽ không được như mong muốn, đất nước sẽ không phát triển. Tuy vậy, tự chủ phải đi với giải trình trách nhiệm với xã hội, để sao cho trường ĐH là cơ sở, ở đó thể hiện một môi trường làm việc sáng tạo, khoa học, văn minh, là 1 thiết chế của dân tộc này, đất nước này, và nếu vươn lên đẳng cấp, thì đó sẽ là thiết chế của thế giới.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tháo gỡ tối đa các quy định, đặc biệt cho các trường đã tự chủ tốt. Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản cũng cần bỏ tư duycoi nhà trường như một vụ, như 1 trung tâm của mình mà quên mất đây là một trường ĐH. Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các hiệu trưởng, người đứng đầu nhà trường. “Tinh thần tự chủ nói từ đầu đến giờ mới chỉ là tháo sự can thiệp hành chính không cần thiết của bộ chủ quản và 1 phần bộ GD&ĐT từng trường. Nhưng tự chủ phải đi xuống từng trường, phải xuống đến tận giảng viên. Chừng nào “giáo vụ còn là cụ giáo viên” thì còn chưa có tinh thần tự chủ ĐH 1 cách xuyên suốt”-Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thu Phương- Huyền Thanh
.
.
.