Cơ quan chủ quản không can dự sâu vào công tác điều hành của các trường

Thứ Hai, 06/01/2020, 13:00
Ngày 6-1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị  triển khai Nghị định 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) tại 6 đầu cầu trực tuyến trên cả nước, với hơn 230 trường đại học tham dự.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH năm 2018 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng GDĐH, thực hiện hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. 

Để triển khai thực hiện Luật, ngày 30/12/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, bao gồm 20 điều quy định các nội dung mà Luật đã giao Chính phủ hướng dẫn.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt lưu ý một số nhóm vấn đề quan trọng cần cùng thống nhất nhận thức trong Luật 34, Nghị định 99, trong đó, nhóm vấn đề liên quan đến cơ cấu tổ chức nhà trường, thành lập trường trong ĐH, trường ĐH, điều kiện từ trường ĐH sang ĐH. 

Về vấn đề liên quan đến thiết chế Hội đồng trường mà nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Hội đồng trường phải thực quyền, chỉ như vậy thì Luật 34 và Nghị định 99 mới đi vào cuộc sống. Hiện do nhiều lý do khác nhau mà Hội đồng trường tại nhiều cơ sở giáo dục ĐH chưa thực quyền, nhưng tới đây tình trạng này cần chấm dứt".

Bộ trưởng cũng lưu ý đến một số vấn đề liên quan đến văn bằng, các trình độ đặc thù, tên giao dịch quốc tế của trường, trách nhiệm của Hội đồng trường với tên gọi thế nào... các cơ sở đào tạo cần quan tâm thực hiện triệt để giải trình trước xã hội, trước Bộ GD&ĐT.  

Người đứng đầu ngành GD&ĐT cũng nhấn mạnh, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung vào quản lý nhà nước, không can dự sâu vào công tác điều hành của các trường, các cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục ĐH khác cũng vậy. Cùng với đó là trách nhiệm của địa phương trên địa bàn quản lý cơ sở giáo dục ĐH và các cơ quan tổ chức liên quan đều cùng phải vào cuộc, phải chịu trách nhiệm theo phân công. Quan trọng nhất là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH.

Huyền Thanh
.
.
.