Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tăng nội dung giáo dục giới tính

Thứ Hai, 27/03/2017, 09:50
Sau một thời gian chuẩn bị, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận trước khi được ban hành chính thức vào tháng 9-2017.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết:  So với chương trình hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có một số điểm mới, trong đó, thay đổi lớn nhất là ở cấp THPT.

Theo phác thảo chương trình trong dự thảo mới, cấp tiểu học và THCS thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp; còn THPT thực hiện giáo dục phân hóa, tự chọn. Trừ lớp 10 là lớp dự hướng, học sinh phải học đầy đủ các môn; từ lớp 11, học sinh được chọn học những môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp và sở thích, sở trường của mình để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai. Theo đó, mỗi học sinh chỉ cần chọn khoảng 5 môn học.

Bên cạnh những môn cần cho nghề nghiệp tương lai, học sinh có thể chọn thêm ít nhất một môn phù hợp với sở trường, sở thích của mình. Theo giải pháp này, đối với mỗi học sinh, số môn học sẽ giảm được hơn một nửa. Học sinh vừa có điều kiện học sâu hơn, có thời gian thực hành nhiều hơn để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai, vừa có điều kiện phát triển một số năng lực khác.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông mới cũng tăng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm giúp học sinh có khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới. 

Đặc biệt, nội dung sách giáo khoa và chương trình mới sẽ đề cập nhiều hơn tới vấn đề giáo dục giới tính. Theo đó, các bài học giúp học sinh nhận thức được việc bảo vệ mình trước vấn đề xâm hại sẽ có trong các môn như Khoa học đời sống, Kiến thức pháp luật, Sinh học ở các cấp học.

Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng tăng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ảnh: CTV

Để chương trình và sách giáo khoa mới được triển khai thành công, cần các điều kiện đi kèm, trong đó, tập trung chủ yếu vào giáo viên, cơ sở vật chất. “Về giáo viên, hiện nay các trường sư phạm đã đào tạo đội ngũ giáo viên phù hợp với chương trình mới. Chúng tôi cũng phải viết tài liệu bồi dưỡng giáo viên, đồng thời sẽ có website hỗ trợ giáo viên.

Trang thiết bị thì phải chờ chương trình hoàn thành mới đi vào sản xuất. Còn về điều kiện cơ sở vật chất trường học, theo tôi, trách nhiệm chính từ địa phương, Chính phủ. Thực tế, các chuyên gia quốc tế có nói rằng, các trường học ở Việt Nam hiện nay thời gian học quá ít, ở nước ngoài hầu như họ đều học 2 buổi/ngày, trong khi chúng ta chỉ học 1 buổi/ngày thì sao mà không quá tải.

Ngay ở trung tâm Hà Nội, nhiều khối phải học luân phiên. Đó là điều cần khắc phục, nếu không thì chương trình thực sự khó thành công. Do đó, chúng tôi mong rằng, Chính phủ tạo điều kiện về cơ sở vật chất để đội ngũ giáo viên có thể triển khai tốt chương trình”, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

Liên quan đến hình thức triển khai chương trình, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: Chương trình sẽ được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu. 

“Giống như xây dựng một ngôi nhà 12 tầng, chúng ta không thể làm một lúc 12 tầng, mà chỉ có thể xây dựng cái khung, đó là chương trình và phải đi từ tầng 1. Chương trình sẽ bắt đầu từ các lớp đầu cấp, có thể là lớp 1, lớp 6, lớp 10 hoặc từ lớp 6, lớp 10. Chúng ta không thể làm theo hình thức khác được”-ông Thuyết khẳng định.                             

Huyền Thanh
.
.
.