Chứng chỉ hành nghề với giáo viên: Lo ngại nguy cơ dạy thêm, học thêm

Chủ Nhật, 27/01/2019, 21:48
Xoay quanh những góp ý cho sửa luật Giáo dục trong phần "nội dung nhà giáo" gần đây đã có ý kiến đề xuất, Giáo viên dù đã và đang giảng dạy đều phải được cấp Chứng chỉ hành nghề (CCHN). Đề xuất này đang vấp phải nhiều phản ứng khác nhau trong các thầy cô giáo. 


Chiều 27-1, qua trao đổi, PV báo CAND cũng nhận được một số chia sẻ từ nhiều người làm nghề giáo. Trong đó, nhiều ý kiến đưa ra rằng: Không cần thiết phải "đẻ" thêm ra một loại giấy phép con trong hoạt động GD-ĐT vốn đã luôn có quá nhiều thay đổi như thời gian  vừa qua.

Một Giáo viên Tiểu học thuộc P.9 Quận Phú Nhuận chia sẻ: "Tôi được biết, việc cấp CCHN Sư phạm được nhiều nước trên thế giới áp dụng, nhưng với  nước ta thì đề xuất này lại thực sự đang vấp phải nhiều phản ứng, phần nhiều do nghi ngờ tính minh bạch của quá trình cấp chứng chỉ này. Ngoài ra, quan trọng nhất là quá trình giảng dạy từ lúc còn là giáo sinh mới ra trường tới khi được đứng trên bục giảng chính thức với mỗi giáo viên đã là có một quá trình thử thách. Quá trình này được giám sát chặt về qui chế chuyên môn, về đạo đức hành nghề, chúng tôi cho rằng, đã quá đủ cho một cuộc sát hạch tốt nhất mà không cần đến mảnh giấy xác nhận nào nữa".

Giáo viên trong 1 tiết  giảng dạy môn  tiếng Anh cho học sinh của một trường Tiểu học TPHCM.

Chia sẻ với PV báo CAND về vấn đề này, bà Đỗ Thị Hoa- nguyên phó Phòng Giáo dục đào tạo quận Gò Vấp, TP HCM phân tích khá nhiều vấn đề. Bà Hoa dẫn giải: "Trong hành trình để đi tới các bài giảng có chất lượng, truyền đạt kiến thức tới học sinh, giữa hai chủ thể ở đây là giáo viên - học sinh mà chúng ta gọi là quá trình "tương tác" này để nhằm xây dựng, hình thành nên tình thầy trò, sự hiểu dần nhau, xây dựng được mối thiện cảm, sự quan tâm tới nhau hàng ngày giữa thầy cô và học sinh. Cùng nhau học tập, trau dồi kiến thức. Qua đó, người giáo viên ngày càng có thêm tích luỹ kinh nghiệm giảng dạy cho riêng mình với lớp học của riêng mình. Quá trình dần trang bị thêm cho thầy cô ngày càng trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn và toàn diện hơn về nghề nghiệp. Trong các tiết dạy, trong từng tuần, từng tháng, từng quí tới hết một học kì rất rõ ràng, tay nghề cô lên, kiến thức trò nhiều thêm. Điều này thể hiện rất rõ trong câu đúc kết của cha ông ta: "Thầy già con hát trẻ". Tức là người thầy càng nhiều năm hoạt động giảng dạy thì càng có nhiều kinh nghiệm quí báu. Đó chính là CCHN với mỗi người làm nghề giáo. Mỗi nhà giáo phải tự khẳng định mình sau khi đã được xét hồ sơ, thi công chức tuyển vào mỗi trường.

Cũng theo bà Hoa, với năm thứ 2 hệ Cao đẳng, mỗi giáo sinh phải qua giai đoạn "kiến tập", năm thứ 3 là "thực tập". Còn với ĐH sư phạm thì từ năm thứ 2 tới hết 4 năm học là năm nào cũng đi thực tập. Cho tới khi thi công chức, có tiết dạy đầu tiên, qua năm đầu tập sự mới được hưởng lương tập sự. Chưa kể hàng tuần, giáo viên mới phải dự giờ đồng nghiệp để học hỏi thêm. Ít nhất mỗi tháng phải có 4 tiết mời người dự giờ. Theo bà Hoa, nói ra như vậy để thấy, một người trước khi được coi là giáo viên chính thức, có lương ngạch bậc thì đã được rèn luyện khá nhiều thử thách về tay nghề chuyên môn. Mỗi giáo viên phải tự lên tiết dạy mời giáo viên trong tổ chuyên môn cùng dự, có chấm điểm của Hiệu phó phụ trách chuyên môn, hoặc hiệu trưởng. Sau đó mới được đánh giá có đạt yêu cầu của nhà trường hay không để có quyết định chính thức là giáo viên của nhà trường. "Tất cả những thử thách đó gấp rất nhiều lần cái gọi là "CCHN" . Bà Hoa kết luận.

Theo một ý kiến khác của một Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học thuộc phường 17, Gò Vấp, vị này còn tỏ ý lo ngại rằng, việc cấp CCHN cho Nhà giáo sẽ nảy sinh một mối lo, đó là liệu có phát sinh ra "vấn nạn" dạy thêm học thêm tràn lan hay không.

Theo vị này phân tích, hiện cũng có ý kiến cho rằng, nên chăng sau đề xuất CCHN thì cũng nên cho thành lập, cho ra đời một Hiệp hội giáo dục đào tạo nghề nghiệp của những nhà giáo, nhất là nhà giáo hưu trí muốn tiếp tục có cuộc sống giảng dạy nếu họ muốn. Nhưng việc ra đời của Hội này cùng với Thẻ CCHN có trong tay, sẽ nảy sinh một mối lo ngại đó là tình trạng đi mở trường học tùm lum vì mục đích kinh doanh giáo dục. Vì có CCHN cũng như được trao một cái "quyền" thích mở cơ sở dạy thêm hay không là tuỳ ý. Vậy chất lượng giảng dạy ở trường tất yếu bị ảnh hưởng khi mà giáo viên cứ đi ra ngoài dạy, mở dạy thêm. Bỗng dưng hàng loạt nỗ lực của ngành thời gian qua về các chương trình chế tài, những nỗ lực rất lớn để cố gắng dẹp vấn nạn dạy thêm-học thêm có dịp bùng phát trở lại một cách công khai vì đã có lá bùa" CCHN".

Khi ấy, người chịu thiệt trước hết là PH và các em học sinh. Quyền lợi của người học sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng vì những đề xuất, tham mưu chưa có sự nghiên cứu đồng bộ, nhìn trước, ngó sau. Vô hình chung, CCHN sẽ "bật đèn xanh" cho một hoạt động trái phép trong ngành mà bao lâu nay nỗ lực rất nhiều mà ta chưa dẹp bỏ được. Theo tôi, muốn thực hiện bất cứ điều gì, sự thay đổi gì trong ngành giáo dục đều phải thực hiện đồng bộ, có nghiên cứu kỹ càng, chứ không thể theo một vài ý kiến cá nhân người này người kia trong ngành... Chưa kể, khi đề xuất việc cấp, thi CCHN cho giáo viên thì người đưa ra có nghĩ tới việc đơn vị nào, đủ điều kiện để đứng ra cấp CCHN cho nhà giáo?. Trong khi Điều lệ của trường học cũng đã có những qui định nghiêm ngặt về chuẩn giáo viên Tiểu học, chuẩn giáo viên THCS, THPT, vậy  việc "đẻ" ra thêm giấy CCHN này là thừa và không cần thiết...

Huyền Nga
.
.
.