Luật Giáo dục sửa đổi có nhiều điểm mới đột phá

Thứ Năm, 17/05/2018, 10:59
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV tới đây, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung sẽ được đưa ra thảo luận lấy ý kiến. Trước nhiều vấn đề thực tế đã không còn phù hợp với Luật hiện hành, Luật Giáo dục sửa đổi được kỳ vọng không chỉ phù hợp với hiện tại mà còn tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho giáo dục phát triển trong nhiều năm tới. Đây là một bước đột phá mạnh mẽ của ngành giáo dục.

Liên thông mạnh giữa các cấp học và hình thức đào tạo

Xu hướng giáo dục hiện đại phải mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho mọi người được học tập trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào và phương pháp giáo dục; chú trọng việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Dự thảo Luật khẳng định, hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; hệ thống phải được vận dụng linh hoạt, liên thông theo cả 2 hướng: liên thông dọc (giữa các cấp học và trình độ đào tạo) và liên thông ngang (giữa các hình thức học/đào tạo).

Việc học tập suốt đời không chỉ diễn ra trong nhà trường chính quy mà còn được thực hiện tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, các thiết chế văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư và thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng…

Hình thức học cũng đa dạng, phong phú, mở ra nhiều cơ hội cho người học có thể tiếp cận giáo dục, tùy điều kiện, hoàn cảnh mỗi cá nhân

Chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa

Mục tiêu của giáo dục phổ thông trong Dự thảo Luật mới là tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Mục tiêu của giáo dục tiểu học nhằm hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh.

Mục tiêu của giáo dục trung học cơ sở bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng và những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông, trung cấp, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động. Mục tiêu của giáo dục trung học phổ thông nhằm bảo đảm cho học sinh hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Chương trình giáo dục mở, liên thông mạnh giữa các cấp học đòi hỏi phải thay đổi mạnh mẽ phương pháp dạy và học

Thực nghiệm trước khi ban hành chương trình

Bộ GD & ĐT cho biết, chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông phải được tổ chức thực nghiệm trước khi ban hành.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục. Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học, có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.

Văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên “bình đẳng” như giáo dục chính quy

Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Giáo dục là sẽ có thêm nhiều chính sách để phát triển giáo dục thường xuyên, trong đó có chính sách nhằm thúc đẩy việc học tập của người lớn. Luật cũng cho phép cơ sở giáo dục thường xuyên được tổ chức linh hoạt, đa dạng theo loại hình công lập và ngoài công lập, để phù hợp với nhu cầu của người học và điều kiện thực tế các địa phương.

Việc học tập suốt đời không chỉ diễn ra trong nhà trường chính quy mà còn được thực hiện tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, các thiết chế văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư và thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên được nhà nước đảm bảo, công nhận về mặt pháp lý (giống như giáo dục chính quy - căn cứ việc đánh giá chung kết quả theo chuẩn đầu ra để được cấp văn bằng theo trình độ đào tạo tương ứng).

Nâng trình độ chuẩn của nhà giáo

Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung quy định về nhà giáo: “Nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác, giữ vị thế quan trọng trong xã hội và có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, được xã hội tôn vinh. Nhà giáo phải đạt chuẩn nghề nghiệp theo quy định, không ngừng học tập, rèn luyện, nêu gương tốt cho người học; giữ gìn và phát huy truyền thống quý trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học; Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình.”

Việc sửa đổi quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo (đối với giáo viên Tiểu học và Trung học cơ sở, giảng viên Đại học) nhằm phù hợp với Nghị quyết 29-NQ/TW “Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm“; bên cạnh đó còn để đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Giáo dục (với tư cách là luật chung) với các quy định của các Luật chuyên ngành (Luật Giáo dục đại học,...).

Sinh viên sư phạm sau khi ra trường nếu làm đúng nghề sẽ được miễn khoản vay tín dụng

Theo quy định hiện hành, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí, kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí sư phạm được ngân sách cấp bù cùng với kinh phí chi thường xuyên của cơ sở giáo dục, tuy nhiên chính sách này đã tồn tại một số hạn chế, bất cập như học sinh ra trường không làm đúng ngành giáo dục, dẫn đến chính sách hỗ trợ của nhà nước không hiệu quả, đồng thời chính sách này không còn phù hợp với xu hướng tự chủ hiện nay của các trường đại học nói chung và các trường sư phạm nói riêng.

Vì vậy Luật giáo dục sửa đổi đã sửa quy định: Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ thì được miễn khoản vay này.

Chính sách này mang lại một số ưu điểm như: 

Đối với sinh viên: Sinh viên được vay tín dụng để nộp đủ mức học phí và có đủ chi phí sinh hoạt để yên tâm theo học, sau này ra trường làm đúng nghề sư phạm được xóa khoản vay, như vậy nếu sau khi ra trường làm trong ngành sư phạm thì sinh viên vẫn không phải chi trả khoản học phí. 

Đối với trường sư phạm: Sinh viên đóng học phí đầy đủ cho nhà trường theo mức thu, trường có nguồn thu trực tiếp để chủ động trang trải chi phí.

Đối với Nhà nước: Thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, không còn tình trạng hỗ trợ kinh phí cho những người được đào tạo sư phạm nhưng ra trường đi làm ngành nghề khác, làm chính sách hỗ trợ không hiệu quả.

“Nới” điều kiện về công nhận văn bằng

Theo Bộ GD & ĐT, quy định hiện hành còn cứng nhắc, chưa đáp ứng được tính đa dạng của các hệ thống văn bằng trên thế giới, cũng như các phương thức đào tạo mới và trong một số trường hợp chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người học khi đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp. Quy định mới bổ sung các quy định cụ thể về các trường hợp không phải làm thủ tục công nhận văn bằng và giao cho Bộ GD&ĐT quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Ngoài ra, Dự thảo Luật đã bổ sung các tổ chức kiểm định giáo dục nước ngoài ở Việt Nam và tổ chức kiểm định giáo dục ở nước ngoài có thực hiện hoạt động kiểm định giáo dục ở Việt Nam.

Thu Phương
.
.
.