Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội:

Chỉ có khoảng 60% học sinh được vào các trường công lập

Thứ Sáu, 15/04/2016, 17:36
Ngày 15-4, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2016-2017.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học 2016- 2017, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 81.500 học sinh, trong đó có khoảng 60% vào các trường THPT công lập, 40% còn lại vào các trường ngoài công lập, Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) và Trung cấp nghề. Điều này cho thấy, cuộc đua vào các trường THPT công lập tại Hà Nội, đặc biệt là các trường chất lượng cao luôn là cuộc đua căng thẳng, thậm chí còn “nóng” hơn cả thi vào đại học.

Kiểm soát chặt sổ điểm chính để hạn chế tối đa việc sửa điểm

Tại Hội nghị, ông Phạm Khắc Lợi - Phó trưởng phòng THPT - Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Hiện đang có tình trạng báo động về việc có nhiều học sinh điểm THCS rất cao, song lên THPT lại bị hổng kiến thức cơ bản.

Theo ông Lợi, có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Thứ nhất về cách cho điểm của các giáo viên. Thứ hai là do sự quản lý ở cấp THCS. “Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 luôn luôn có một câu rất dễ nhưng qua đánh giá nhiều năm, vẫn có hàng trăm học sinh thực hiện không đạt yêu cầu. Do vậy, việc kiểm soát điểm THCS để xét tuyển vào lớp 10 cần được tăng cường để đảm bảo phản ánh đúng thực chất”-ông Lợi nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lợi, để có căn cứ đánh giá năng lực học sinh trước khi dự tuyển kỳ thi vào lớp 10 THPT, học sinh toàn thành phố sẽ phải thực hiện đề kiểm tra khảo sát hai môn Văn, Toán dự kiến vào ngày 23-4. Việc khảo sát này không lấy vào điểm học kỳ II-năm học 2016 và sẽ được coi thi nghiêm túc để phân loại học sinh khá giỏi, trung bình, yếu kém. Từ đó, thuận lợi hơn cho các trường trong việc tổ chức ôn tập cho các em sát với khả năng, tránh tình trạng “cào bằng” khi gộp tất cả học sinh có học lực khác nhau vào một lớp như hiện nay.

Ông Phạm Khắc Lợi nhấn mạnh việc tổ chức thi tốt nhưng xét tuyển không tốt thì cũng không công bằng. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, Sở GD&ĐT Hà Nội chưa nhận được đơn thư khiếu nại về vấn đề điểm THCS nhưng vẫn phải làm tốt hơn trong việc quản lý cho điểm THCS và công bố công khai điểm đó với từng học sinh. Sau khi kết thúc năm học, các trường phải niêm phong sổ điểm chính nhằm hạn chế tối đa việc sửa chữa điểm gốc.

Đúng ngày 19-5, các Phòng GD&ĐT trên địa bàn thành phố phải chuyển về Sở kết quả điểm THCS, để Sở theo dõi, tránh tình trạng học sinh ở THCS điểm cao nhưng lên THPT điểm lại thấp học đề thi lớp 10 THPT không khó nhưng nhiều học sinh vẫn bị điểm 0.

Dự kiến, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra từ ngày 12 đến 15-5. Việc kiểm tra sẽ được tiến hành tại tất cả các Phòng GD&ĐT về quy trình quản lý điểm, kiểm ta xác suất đối với một số học sinh lớp 9 tại các trường THCS về điểm số, học bạ để tránh tình trạng sửa điểm gốc và phần mềm.

Sẽ có khoảng 40% học sinh Hà Nội phải học tại các trường ngoài công lập và trung tâm GDTX trong năm học 2016-2017.

Cấm các trường THCS “ép” học sinh không thi vào lớp 10 vì thành tích

Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Kết quả thống kê trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua cho thấy, có những trường THCS tại 28 quận, huyện có số lượng học sinh không thi vào lớp 10 THPT rất đông, lên tới 500 em.

“Điều này cho thấy, nhiều học sinh lượng được sức học của mình nên không theo học THPT mà học trung cấp nghề hoặc vào các trung tâm GDTX. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng, có một số trường THCS vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của trường nên đã vận động học sinh không thi vào lớp 10 THPT. Do vậy, trong năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT Hà Nội nghiêm cấm các trường THCS không được ép buộc hoặc vận động HS không tham gia đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT. Trường hợp không đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT, phải có đơn tự nguyện của cha mẹ học sinh”-ông Chất nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho rằng: Theo Nghị quyết của thành phố Hà Nội, năm học 2016-2017 sẽ có khoảng 60% học sinh vào các trường THPT công lập, 40% còn lại vào các trường ngoài công lập, các Trung tâm GDTX và Trung cấp nghề. Trong đó, chỉ tiêu vào các Trung tâm GDTX giảm khoảng 1.000 so với năm 2015. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, cơ hội cho các trường THPT ngoài công lập là rất lớn. Do vậy, các trường ngoài công lập phải tăng cường cơ sở vật chất, giáo viên để thu hút học sinh.

Bên cạnh việc tạo điều kiện về chỉ tiêu, GD&ĐT sẽ tăng cường giám sát chất lượng đối với các trường ngoài công lập từ cơ sở vật chất cho đến chất lượng giảng dạy với tinh thần, trường nào không đủ các điều kiện sẽ không được phép tuyển sinh”-ông Phạm Văn Đại nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cũng lưu ý các trường cần phải tổ chức cho học sinh học quy chế thi cẩn thẩn, tổ chức kiểm tra việc chấm điểm, cách tính điểm tránh sai sót, đặc biệt là phải duy trì Hội đồng tuyển sinh riêng nhằm tạo điều kiện cho học sinh được chuyển trường thuận lợi khi được Giám đốc Sở GD&ĐT đồng ý. Tuy nhiên, việc chuyển trường cũng cần phải được quản lý chặt chẽ để tránh độ vênh vì điểm chuẩn giữa các trường ở các khu vực khác nhau là rất lớn.

Huyền Thanh
.
.
.