Cấm dạy thêm học thêm: "Thuốc đắng giã tật" hay giải pháp mang tính đột phá?

Chủ Nhật, 04/09/2016, 08:51
Những ngày gần đây, dư luận lại "dậy sóng" trước lệnh cấm dạy thêm học thêm (DTHT) đưa ra. Các ý kiến đồng tình và không đồng tình đều được đưa lên kênh báo chí. Thậm chí tranh cãi gay gắt đã xảy ra tại các diễn đàn giáo dục.



Thế nhưng ít ai để ý tới đối tượng “thụ hưởng” và chịu tác động chính từ DTHT chính là các em học sinh (HS); mà các tranh cãi chỉ chú trọng tới một lực lượng trước nguy cơ bị cắt giảm nguồn thu nhập lâu nay là những giáo viên (GV). Trong đó, phản ứng đầu tiên sẽ diễn ra ở những GV đang nắm những môn học “quan trọng” như: toán, lý, hóa, văn và Anh văn khi lệnh cấm DTHT được thực thi.

Cấm DTHT - ai?

Có một hiệu trưởng tại một trường THPT ở TP Hồ Chí Minh đã mếu máo khóc trong cuộc họp vì GV của ông không được DT, 1 nữ hiệu trưởng của 1 trường THPT có tiếng dạy tốt học tốt của thành phố thì lên tiếng: "Cấm DTHT- hãy đối thoại với chúng tôi!"... 

Cho tới thời điểm hiện tại, sau cuộc họp với HĐND TP Hồ Chí Minh bàn về vấn đề DTHT, các cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục, Sở GD-ĐT đang tham mưu cho UBND TP điều chỉnh Quyết định 21 về quản lý DTHT.

Học sinh Tiểu học Trần Hưng Đạo quận 1, TP Hồ Chí Minh hối hả tới lớp học thêm sau giờ học chính khoá.

Trong thời gian chờ điều chỉnh, Sở GD-ĐT sẽ quyết liệt trong việc không cho phép GV DTHT HS đang dạy chính khóa, kể cả trong trường hay ngoài trường. Sẽ xử lý ở mức cao nhất là đuổi việc nếu GV vi phạm. Đồng thời, hiệu trưởng cũng chịu mức kỷ luật cao nhất nếu để xảy ra việc ép buộc HS tham gia học thêm của GV trong đơn vị mình phụ trách. 

Nhưng vấn đề được đặt ra, liệu các cô giáo bộ môn như: sử, địa, đạo đức công dân, khoa học công nghệ… có ai khóc? Chắc chắn là không! Vì những môn này dù có muốn DT cũng “bói” không ra HS tới lớp.

Chia sẻ với PV Báo CAND, TS Tâm lý Bùi Hồng Quân, Cố vấn Khoa học Trung tâm Đào tạo và Chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, giảng viên của ĐH Rmit-TP Hồ Chí Minh phân tích: Chuyện DTHT ở Việt Nam trong cái nhìn của người nước ngoài là khá xa lạ. Nhất là hiện tượng nhà nhà HT, bỏ công bỏ việc để chở con đi HT. 

Tại nhiều nước tiên tiến, HS được phát triển đồng bộ về mặt chuyên môn và kĩ năng. Nhưng thầy cô không vất vả về DT; HS không áp lực về HT. Đó là một nền GD mơ ước của chúng ta hiện nay. Vậy nguyên nhân DTHT là đâu?

Mục tiêu GD của ta là HS được đào tạo, giáo dục toàn diện. Cũng có nghĩa HS của chúng ta trong quan niệm của xã hội, của cha mẹ, là cái gì cũng phải giỏi. Giỏi hết các lĩnh vực. Do đó, HS sẽ phải học rất nhiều môn khác nhau. Phương thức đào tạo hiện nay của chúng ta dường như vẫn áp dụng cho HS học để tái hiện lại kiến thức, trả bài cho thầy cô.

Với cách thức đánh giá, kiểm tra cũng theo phương thức đó khiến HS ta thụ động, không phát huy được tính sáng tạo. Trong khi mỗi con người đều có một thế mạnh nhất định. Vậy vấn đề đặt ra cho ngành GD là: GD để tạo nên một cá nhân phát triển có kiến thức toàn diện hay GD để có kĩ năng, phát huy được sở trường? Để đóng góp tích cực nhất cho gia đình, cho XH? Và chìa khoá cần mở là: nội dung chương trình phù hợp để đáp ứng cho việc này.

Thuốc đắng giã tật là cần thiết đối với DTHT "biến tướng"

Một Cán bộ Phòng GD tại TP Hồ Chí Minh nói thẳng với PV Báo CAND rằng, tỉ lệ DTHT “biến tướng”, trong đó có chuyện ép HS tới lớp HT không phải chỉ có 10% như Sở GD-ĐT công bố mà phải tới 80%. Bức xúc XH là từ đây!

Quay ngược lịch sử trước những năm 90 của thế kỷ trước, ai cũng nhớ nếu được đi HT, hoặc rất tự hào hoặc rất xấu hổ. Bởi thời đó, trước kì thi chuyển cấp, nếu học kém quá mới phải HT, hoặc rất tự hào bởi được bồi dưỡng đương nhiên là HS giỏi để chuẩn bị đi thi đoạt giải HS giỏi các cấp. 

Thế nhưng theo thời gian, chúng ta không phủ nhận sự cố gắng rất nhiều của những nhà quản lý GD trong nhiều năm qua trong việc cải cách và liên tục cải cách chương trình, nội dung giảng dạy, phương pháp... để HS chúng ta được thụ hưởng một nền GD tiên tiến. Nhưng từ chuyện bồi dưỡng HS giỏi, hình thành trường chuyên, lớp chọn. Rồi muốn con em đậu được vào những trường ĐH top đầu nên phụ huynh học sinh muốn con đi HT. 

Cùng với quan niệm xã hội nhìn nhận con người qua bằng cấp, người học nghề bị xem nhẹ. Phụ huynh sính việc con phải vào ĐH, "căn bệnh hình thức" tồn tại trong xã hội góp phần khiến DTHT phát triển rầm rộ và biến tướng. Thu nhập của GV thành phố từ DT có khi hàng vài chục triệu/tháng. DTHT "biến tướng" trong đó có chuyện "phân biệt, đối xử" với HS không HT lớp của cô, thầy. Vậy là sau giờ chính khoá, phụ huynh nháo nhào chở con tới lớp HT. Cả xã hội bận rộn, mệt mỏi vì HT.

Theo TS Bùi Minh Quân, các dẫn chứng trên cho thấy, thực chất, việc DTHT là một hệ lụy và là một phần phát sinh từ mục tiêu, chương trình GD, phương pháp và thực tế kiểm tra, đánh giá trong GD của chúng ta lâu nay. Nhưng hãy đưa lệnh cấm DTHT ra bàn một cách nghiêm túc, việc cấm DTHT nếu không giải quyết được bài toán của bệnh thành tích, bệnh hình thức đang phổ biến trong người dân, trong XH... thì việc cấm cũng không có ý nghĩa. 

Việc cần làm hơn là điều chỉnh nội dung thời lượng học cho hợp lý, để HS có nhiều thời gian cho hoạt động thể chất, ngoại khoá, rèn luyện kĩ năng mềm, kĩ năng sống. Cấm DT nên chăng thực hiện khi ta thực hiện đồng bộ cải cách nội dung chương trình, phương pháp thực thi và phương thức kiểm tra, đánh giá.

DTHT đã "biến tướng" thì cấm là việc làm cần thiết! Nhưng cần được làm một khảo sát một cách khoa học, lắng nghe ý kiến từ phía HS về vấn đề DTHT. Từ đây sẽ nảy sinh vấn đề: Vậy ngoài giờ lên lớp, không đi HT, các em có hoạt động gì? 

Chính HS mới là người quyết định các em sẽ học gì ngoài thời gian lên lớp chính khoá. Từ quyết định của HS mà nhà trường mới có các hoạt động phù hợp, sử dụng đội ngũ GV, áp dụng chương trình. PH cũng yên tâm, con học ở trường, ở trung tâm năng khiếu nào đó. Nỗi lo "DTHT biến tướng" cũng bị triệt tiêu... 

Cũng theo TS Quân, nếu việc cấm DTHT mà là giải pháp bắt buộc thì ta cũng phải làm. Vì nếu không có đột phá thì không có sự phát triển, đó là quy luật. Từ cấm để có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp. Và tham gia vào việc chấn chỉnh này cũng đòi hỏi các thầy cô cũng phải cạnh tranh để có tay nghề giỏi...

Vấn đề DTHT năm nào cũng được ban-ngành đưa ra bàn bạc. Nhưng rõ ràng, tranh luận là cần có cơ sở khoa học, không thể chỉ dựa trên Học hàm học vị của một ai đó để đưa ra một nhận định mang tính định hướng. Việc cấm DTHT, gặp phản ứng là tất yếu bởi đụng chạm tới thu nhập vốn ổn định của nhiều GV có nhu cầu DT thực sự, Nhưng, một “liều thuốc đắng” có thể chưa đúng “bệnh” nhưng là cần thiết.

Huyền Nga
.
.
.