Cấm dạy thêm - học thêm: Muôn thuở chỉ giải quyết được phần ngọn

Thứ Bảy, 11/06/2016, 18:50
Không phải cứ cấm đoán là giải quyết được vấn đề, bởi theo các Chuyên gia giáo dục, cấm dạy thêm học thêm (DT-HT) nếu có thực hiện được cũng chỉ là giải quyết được phần ngọn, gốc rễ của vấn đề là do thu nhập của giáo viên (GV) không đủ sống, GV phải về nhà đi dạy thêm cũng chẳng vinh dự gì!.


Đó là tâm tư từ phía nhiều GV mà PV báo CAND có dịp gặp gỡ, trao đổi sau quyết định kiên quyết “chấm dứt việc DT-HT” của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP HCM ngày 7-6 vừa qua.

Tại cuộc họp trên, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng đã nhấn mạnh: GV phụ đạo học sinh kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thì được nhưng phải chấm dứt ngay việc DT-HT tại trường học trong năm nay. Đồng thời, Bí thư cũng dẫn giải : “Trước đây thầy cô có lấy tiền bồi dưỡng đâu mà vẫn làm được, bây giờ tại sao không?”

Nhu cầu là có thực. HS rất đông của một trường THCS tại Q.5 chờ cha mẹ tới đón sau giờ học thêm buổi tối.

Trước ý kiến trên đưa ra của Bí thư Đinh La Thăng, đã có những phản ứng trái chiều, thậm chí gây nên nhiều tranh cãi đang diễn ra, nhất là trong môi trường học đường.

Qua trao đổi với cô L.P.N (GV 01 trường Tiểu học Q.Gò Vấp) cho biết: "Chỉ đạo của Bí thư Thành ủy chỉ đúng một phần. DT-HT nhất là đối với HS THPT, học thêm rất cần thiết, bởi giai đoạn này, các em phải chuẩn bị cho một kỳ thi lớn, có tính chất trọng đại cho cả cuộc đời".

Theo cô L.P.N, việc cấm DT-HT lâu nay đưa ra đều mang tính áp đặt và thực tế cũng không có tác dụng bởi không thể cấm được vì nó là nhu cầu có thực của PHHS. GV bị cấm dạy trong trường nhưng họ dạy tại nhà hoặc đến nhà HS để dạy, ai có thể quản lý được? 

Cũng theo cô giáo này, có rất nhiều người GV cùng hợp tác thành nhóm, thuê nhà rộng để dạy được số lượng đông. Nhà nước, chính quyền có đủ người đi kiểm tra họ được không.Việc GV phụ đạo cho HS yếu kém là công việc thường xuyên của các trường và khi dạy phụ đạo như vậy hầu như không tính đến mưu cầu lợi ích, vì mức phí quá thấp.

Một GV THPT Hoàng Hoa Thám cũng đưa ra nhận định : “GV có lương tâm nào lại bắt ép HS đi học thêm?!. Đó chỉ là đáp ứng nhu cầu của các em. Về phía PHHS muốn cho con học thêm vì mong con mình vào được những trường top đầu ở khối phổ thông, nhất là ở nội đô hay sau này là từ những trường điểm, nơi có nhiều GV giỏi, có kinh nghiệm mà con họ vào được, từ đây mới có cơ hội để con họ thi đậu vào trường ĐH mà họ mong mỏi”.

Ngay từ lời đầu tiên trao đổi với PV báo CAND về vấn đề DT-HT, cô T.T.S, GV của một trường THCS thuộc Củ Chi, đã than vãn : “ Phen này bác Thăng kiên quyết quá! GV nội thành còn "lách" được, chứ GV Củ Chi thì đang sợ lắm, không dám “ho he” gì nữa. Mà thế thì chết đói mất!”.

GV này cũng cho biết, sau giờ học là 16 h30, cô phải thuê một phòng ở gần trường mình dạy với giá 300 ngàn, cộng tiền điện, nước vào khoảng 400 ngàn/tháng.  Chưa kể phải mua thùng nước tinh khiết cho trẻ uống. Lớp học thêm của cô có 15 em. Mỗi tháng các em đóng 200 ngàn. Thời gian học 1,5 tiếng. Tuy nhiên ở ngoại thành, HS nghèo, có khi 2-3 tháng cô mới thu được học phí của PH 1 lần. Có khi cha mẹ các em tới hẹn không có tiền đóng, cô đành làm "từ thiện" luôn.

GV này cũng cho biết, nhà trường tổ chức cho GV dạy thêm trong trường 1 tháng duy nhất là tháng 7. Tổng tiền học phí chia cho GV đứng lớp hưởng 65%, còn nhà trường 25%. Mức phí hè là 250 ngàn/em/tháng. “Nay bác Thăng ra lệnh cấm thế này thì chắc các trường sẽ ngưng hết việc dạy thêm hè”. Cô T.T.S nói.

HS THPT Lê Quí Đôn Q.3 được cha mẹ đưa tới trường học thêm buổi tối.

Được biết, vào ngày 10/6 vừa qua, tại trường THCS Ngô Sĩ Liên, Q.Tân Bình, PHHS cũng “bất ngờ” nhận được thông báo, Nhà  trường cho mời toàn bộ PHHS ai đã đóng tiền học thêm cho con dịp hè này thì tới nhà trường trả lại vì không tổ chức DT dịp hè năm nay.

Xung quanh câu hỏi, vậy với DT-HT, có nên cấm triệt để hay cần giải pháp nào để được sự đồng thuận của cả XH? Một cán bộ thuộc Viện nghiên cứu Giáo dục đào tạo - TP Hồ Chí Minh đã thẳng thắn đưa ra nhiều ý kiến đáng chú ý.

Theo vị này: “Khi một quyết định được đưa ra mà ảnh hưởng đến số đông nhiều người trong XH, lại có chút lợi ích trong đó và đụng chạm tới quan điểm nhất là lại của tầng lớp GV, là đội ngũ trí thức của XH, theo tôi về chủ trương của nhà nước thì ủng hộ nhưng nó rất cần được giải quyết theo lộ trình từng bước. Mặt khác, nếu chủ trương cấm DT-HT nhằm tạo ra một đột phá trong ngành giáo dục của ta thì cũng cần phải làm vì có như vậy mới tạo nên sự thay đổi đáng có, khắc phục sự trì trệ lâu nay trong ngành Giáo dục của chúng ta”.

Cũng theo nhận định của vị này, suốt thời gian dài qua, vấn đề DT-HT cũng đã được các ban ngành các cấp quan tâm sát sao. Cấm, kiểm tra, xử lý, xử phạt. Có cả! Nhưng vấn đề là ta lại không có sự tổng kết, về quản lý, giám sát ra sao hay chỉ ra cho dư luận thấy được những ưu-nhược điểm của việc DT-HT. Có lợi, hại ra sao tới chất lượng giảng dạy phổ thông. Cũng chưa có một nghiên cứu hay khảo sát cụ thể về số lượng HS cần thiết phải đi HT, GV có nhu cầu cần đi DT là bao nhiêu, từ đó mà có định hướng cụ thể. 

Chính vì vậy mà ít nhiều tạo nên một phản ứng không hay từ dư luận, DT-HT bị nhìn, đánh giá ở góc độ xấu là GV cố tình ép, đưa con em PH phải đi HT để GV có thu nhập. Nếu không đi thì bị GV ghét, bị "đì"...

Nên với vấn đề DT-HT, cần có sự thay đổi nhưng sự thay đổi bắt đầu từ đâu thì cần có những cơ sở rõ ràng, cần những bước đi phù hợp, mới đưa ra quyết định cấm hay không, vì DT-HT có thể nói là động chạm tới nhu cầu có thực của PHHS, động chạm tới lợi ích của một bộ phận không ít GV những người có nhu cầu đi làm thêm thực sự.

Với ý kiến, GV chỉ được phép dạy thêm ở trung tâm, không được tổ chức dạy ở trường, CB này cũng chia sẻ: Ta chưa có khảo sát cụ thể về việc GV của ta với đồng lương hiện tại nếu không đi DT có "chết đói" hay không.

Ngược lại thông tin, GV chỉ cần thu 500 ngàn/tháng /HS trong DT đã có một nguồn thu nhập đáng kể so với lương nhà nước. Nên rất cần phải có khảo sát thực tế để đưa ra kết luận là GV chỉ được phép DT tại trung tâm. Và như vậy, để thay đổi toàn bộ cái luẩn quẩn lâu nay là lúc ta có cơ chế nên “mở” với DT-HT, lúc ta lại phải ra sắc lệnh “chấm hết” với DT-HT, thì cần có sự thay đổi của cả hệ thống, thay đổi gốc rễ của vấn đề là cần tăng thu nhập cho GV, họ đủ sống, họ sẽ làm hết trách nhiệm và làm đúng nghĩa vụ . Việc cấm DT-HT chỉ giải quyết được "phần ngọn". Còn gốc của nó là một nhu cầu có thực của PH. Có "cầu" ắt có "cung".

Không giải quyết tốt giữa cầu và cung mà cứ duy ý chí cấm GV dạy thêm, dẫn tới việc hàng loạt các Trung tâm DT-HT mở ra, chất lượng không quản lý được, không kiểm soát được, PHHS thì yên tâm, cho rằng, cho con vào đây sẽ không "bổ ngang, cũng bổ dọc"...thì gay go!. .

Nếu cấm DT-HT tại thời điểm này mà tạo nên đột phá cho chất lượng giáo dục thì cũng nên làm. Nhưng cần khảo sát kĩ, nhất là với GV là tầng lớp tri thức XH, không thể cứ lúc  thích thì ta "mở”, rồi không thích thì tùy tiện “chấm” với  DT-HT. Không nên từ việc “Cấm” dẫn tới việc kiểm tra, xử lý, xử phạt với GV vi phạm, phần nào làm tổn thương lòng tự trọng nghề nghiệp, vị thế người thầy trong XH mất đi, bị nhìn nhận, đánh giá ở góc độ xấu là vì lợi ích quên tự trọng, vì tiền mà quên nghĩa vụ thì càng không tốt vì họ chính là lực lượng có ảnh hưởng rất lớn tới con cái, đến nhiều thế hệ của chính chúng ta...

Huyền Nga
.
.
.