Cải tiến kỳ thi THPT quốc gia: Cân nhắc lại việc chấm thi

Thứ Tư, 25/07/2018, 09:17
Theo lộ trình thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi THPT quốc gia (THPTQG) sẽ tiếp tục được duy trì đến năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc, kỳ thi THPTQG “2 trong 1” sẽ vẫn tiếp tục được tổ chức trong 2 năm tới.

Nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh trong cả khâu coi thi và chấm thi tại các địa phương như đã xảy ra trong kỳ thi năm nay, nhiều ý kiến cho rằng, cần mạnh dạn giao việc chủ trì kỳ thi cho các trường đại học (ĐH).

Sau bê bối gian lận điểm thi tại một số địa phương như Hà Giang, Sơn La được “phanh phui”, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải cải tổ mạnh mẽ cách tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, đặc biệt là khâu chấm thi để tăng độ tin cậy của của kỳ thi.

TS Tô Văn Trường, nguyên là thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng: “Sơ hở chủ yếu ở kỳ thi năm nay là giao cho các Sở GD&ĐT địa phương phụ trách. Từ năm 2017 về trước, các kỳ thi “2 trong 1” đều giao cho các trường ĐH chủ trì, địa phương chỉ phối hợp, nhờ thế mà không xảy ra án đại gian lận nào. Lí do là các trường ĐH, trừ ĐH địa phương, nói chung không phải chịu sự chỉ đạo, sức ép của lãnh đạo địa phương.

Năm nay, do sức ép của dư luận, Bộ GD&ĐT giao kỳ thi THPTQG cho các địa phương chủ trì, trường ĐH chỉ phối hợp thì mới xảy ra hiện tượng “đại gian dối” như Hà Giang, Sơn La...”.

Thí sinh thi THPT Quốc gia 2016 tại cụm thi do trường ĐH chủ trì. Ảnh minh họa.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cũng cho biết: Cá nhân ông ủng hộ việc tổ chức kỳ thi THPTQG tại trường, thi ngay địa phương của các em như hiện nay. 

Cách tổ chức thi ngay tại trường theo hình thức “đi thi như đi học” này sẽ đỡ tốn kém và giảm được nhiều áp lực cho học sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Tuy vậy, thay vì giao cho các Sở GD&ĐT địa phương chủ trì cả khâu coi thi và chấm thi, nên mạnh dạn giao công việc này cho các trường ĐH.

“Tôi còn nhớ, cách đây hai năm, khi đó việc tổ chức coi thi và chấm thi giao toàn quyền cho các trường ĐH. Thời điểm đó, khi các trường ĐH chủ trì không để xảy ra sự cố gì và luôn công bằng, khách quan, vì các trường ĐH không có mối quan hệ với địa phương cụ thể nào”- PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Cũng theo đề xuất của TS Đỗ Văn Dũng, bên cạnh việc giao chủ trì coi thi, chấm thi cho các trường ĐH như đã từng áp dụng trong kỳ thi THPTQG năm 2015 và 2016, Bộ GD&ĐT cũng cần đưa ra những giải pháp công nghệ để hạn chế tiêu cực. 

Đơn cử như việc phiếu trả lời thi trắc nghiệm hiện nay có một kẽ hở rất lớn là tô bằng chì cho nên dễ dàng tẩy và tô lại được, rất khó để phát hiện. Vì thế, trước khi thí sinh nộp bài có thể dùng một tờ giấy bóng dán lên giống như niêm phong các phương án đã chọn và không gỡ ra được. Như thế sẽ hạn chế việc tô lại đáp án, sửa chữa bài thi.

Còn theo đề xuất của PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, với thi trắc nghiệm, chỉ cần có một phần mềm tích hợp quét và chấm chuyên dụng thì sẽ không thể can thiệp được. Và nếu phiếu chấm được tô bằng bút bi nữa thì việc sửa lại đáp án bài thi coi như “bất khả kháng”.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT cũng nêu quan điểm: Không nên để việc chấm thi ở địa phương vì họ có áp lực để làm cao điểm thi. Việc chấm tập trung toàn bộ thì cũng sẽ khá phức tạp, vì thế có thể chấm theo cụm. Thi xong, chuyển bài thi về cụm, tức là để bài thi ra khỏi địa phương rồi Bộ GD&ĐT mới công bố đáp án để tránh việc địa phương có thể can thiệp vào bài thi.

Sau đó, các trường ĐH tổ chức chấm, có thể chia thành 3 cụm để chấm ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bộ GD&ĐT quản lý trực tiếp việc chấm thi.

Huyền Thanh
.
.
.