Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì trước hiện tượng “mưa điểm 10”?

Thứ Năm, 06/07/2017, 18:00
Có gì bất thường trong câu chuyện "mưa điểm 10"? Điểm 10 quá nhiều sẽ gây khó khăn gì cho các trường trong khâu xét tuyển? Chiều 6-7, PV Báo CAND đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga về vấn đề này.

Ngay sau khi các tỉnh, thành trên cả nước đồng loạt công bố điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia thì “mưa điểm 10” cũng xuất hiện. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện số bài thi đạt điểm 10 trong kỳ thi này đã lên đến hơn 4.200, trong khi những năm trước, chỉ có hơn 100 điểm 10. Không chỉ Toán, Lý, Hóa, cả Văn, Sử cũng xuất hiện nhiều điểm 10. 

Thống kê sơ bộ từ các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Lâm Đồng, Bắc Kạn, Hà Nam, TP.Hồ Chí Minh, Điện Biên, Kiên Giang, Bình Phước, Lai Châu, Nghệ An…đã có hơn 1.000 bài thi đạt điểm 10.

Có gì bất thường trong câu chuyện "mưa điểm 10"? Điểm 10 quá nhiều sẽ gây khó khăn gì cho các trường trong khâu xét tuyển? Chiều 6-7, PV Báo CAND đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga về vấn đề này.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga.

PV: Sơ bộ 63 tỉnh, thành đã có điểm thi, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả của các địa phương?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hiện các tổ kỹ thuật của Bộ đang phân tích kết quả thi. Để vẽ được phổ điểm, giúp đánh giá một cách chỉn chu kết quả thi, cần phân tích sâu về cơ sở dữ liệu. Hiện nay, chỉ thấy một vài điểm cao, trong phạm vi hẹp, cục bộ. Muốn nhìn đầy đủ, Bộ phải tập hợp hết số liệu cả nước, các vùng miền để vẽ phổ điểm. Việc đánh giá bài làm của học sinh, đề dễ hay khó, phải có phổ điểm tổng hợp mới đánh giá được.

PV: Nhưng trước hiện tượng “mưa điểm 10” như năm nay thì dư luận băn khoăn về cách ra đề và tính nghiêm túc của khâu coi thi. Thứ trưởng nhận định như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Theo tôi hoàn toàn không thể suy luận điểm thi cao, điểm 10 nhiều là coi thi không nghiêm túc hay đề thi quá dễ. Muốn đánh giá đề thi chất lượng hay không phải chờ phổ điểm tổng thể. Nếu điểm 10 cao vọt lên mà điểm 0, 1, 2 quá ít thì mới là sự vô lý. Nếu phân bố đều, hình chuông, điểm 0,1 ít, điểm 10 cũng ít thì đó là bình thường. Đánh giá kết quả thi và chất lượng đề thi phải dựa vào phổ điểm, đừng lọc ra bao nhiêu em đạt điểm 10 để đưa ra nhận định phiến diện.

PV: Bộ đánh giá đề thi phân hóa rất tốt, có những câu rất khó để thí sinh xuất sắc mới làm được, nhưng việc nở rộ điểm 10 làm dư luận nghi ngờ về tính phân hóa của đề thi, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Tôi nghĩ không thể đánh giá trong phạm vi hẹp được. Năm nay thi trắc nghiệm khách quan, chuẩn hóa đề, tức là có những ô từ dễ, trung bình, khó, rất khó, trong mỗi ô có nhiều câu hỏi, thí sinh chọn lọc để làm. Không nên so sánh điểm 10 năm nay nhiều hơn năm ngoái bởi cách thức thi đã khác. Đề thi năm nay phong phú, rộng, kiến thức phủ cả chương trình, câu khó cũng phủ hết chương trình. Trước thi tự luận, kiến thức khó chỉ nằm trong phạm vi rất hẹp. Tôi cho rằng, chúng ta không nên bận tâm vào việc có quá nhiều điểm 10 hay không. Khi có phổ điểm sẽ biết điểm thi ở đâu.

PV: Việc có quá nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối 3 môn khiến nhiều trường tốp đầu có thể có điểm chuẩn lên đến 29, 30 điểm, sẽ tạo tâm lý xã hội không tốt, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Tổ hợp điểm thi sẽ là 3 môn, phải xét tổng hợp, có thí sinh điểm rất cao, nhưng không phải tất cả đều cao.

PV: Môn Ngữ văn là môn duy nhất thi theo tự luận, nhưng năm nay cũng có rất nhiều điểm 10, là điều hiếm hoi xảy ra ở các kỳ thi trước. Vậy Bộ đã tiếp cận các bài thi đạt 10 Ngữ văn hay chưa?

Thí sinh nên cân nhắc kỹ khi điều chỉnh nguyện vọng.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hiện Bộ chưa tiếp cận và chưa có thống kê điểm môn Văn vì chưa có phổ điểm.

PV: Nhiều tỉnh có phổ điểm trung bình cao gấp đôi năm ngoái, lên đến hơn 90%, đây cũng là một cơ sở để chúng ta lo lắng về tính khách quan và công tác coi thi chưa tốt?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đấy là tính toán cục bộ thì chưa thể nói được, phải đợi phổ điểm tổng hợp của tất cả các tỉnh, thành.

PV: Với số lượng điểm cao nhiều như thế, liệu kỳ thi có đạt được mục đích xét tuyển vào đại học hay không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trong vài ngày tới, Bộ sẽ phân tích kết quả và dự kiến ngày 12/7, Hội đồng điểm sàn sẽ họp công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Khi có số liệu đầy đủ, chúng ta mới hình dung được việc chọn điểm trúng tuyển vào các trường, điểm chuẩn vào các ngành khác nhau là khó hay dễ, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào phổ điểm tổng hợp 3 môn trong tổ hợp xét tuyển mà các trường lựa chọn. Việc phân bố điểm đều, không dốc thì việc lựa chọn điểm chuẩn sẽ thuận lợi hơn, vì tăng nửa điểm hoặc giảm nửa điểm, thì số lượng thí sinh sẽ không tăng nhiều. Đây là điều mà các trường mong muốn, để không phải sử dụng tiêu chí phụ. Tôi dự đoán phổ điểm năm nay không dốc, phổ điểm tập trung chủ yếu ở phần trung bình, 4, 5, 6 điểm.

PV: Năm nay, thí sinh có điểm thi cao hơn, Bộ lại cho thí sinh được thay đổi nguyện vọng sau khi có điểm thi. Vậy công tác xét tuyển có khó khăn gì hay không?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Với các trường hoàn toàn không có khó khăn gì, nhẹ nhàng hơn vì các trường đã có dữ liệu thí sinh đăng ký vào trường, trường đã có chiến lược lọc ảo để tuyển được thí sinh. Sau khi có danh sách chốt cuối cùng, các trường sẽ xét tuyển. Có hai nhóm xét tuyển lớn (GX) phía Bắc và phía Nam cũng sẽ hỗ trợ cho các trường rất nhiều, dù năm nay thí sinh đăng ký nguyện vọng không giới hạn.

PV: Ông lưu ý gì cho thí sinh khi các trường xét tuyển theo điểm chứ không theo nguyện vọng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Theo quy chế, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả, thí sinh được ưu tiên xét tuyển theo nguyện vọng cao nhất, tạo điều kiện cho thí sinh không cần phải điều chỉnh nguyện vọng.

Trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân cho hay, số lượng hơn 4.200 điểm 10 trên tổng số gần 6 triệu bài thi thì không phải là quá nhiều.

Điểm 10 nhiều hơn là còn do năm nay thay đổi phương thức thi, hầu hết thi trắc nghiệm nên thí sinh dễ đạt điểm 10 hơn. 

Phổ điểm năm nay sẽ dâng lên một chút, cơ bản các trường thấy thuận lợi nhiều hơn trong xét tuyển. Thí sinh nên bình tĩnh, cân nhắc thật kỹ khi thay đổi nguyện vọng, không nên nâng lên hạ xuống quá nhiều.

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.