Bộ GD & ĐT họp báo về kỳ thi THPT quốc gia

Áp lực thi cử đã “hạ nhiệt”

Chủ Nhật, 25/06/2017, 08:36
Chiều 24-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp báo về kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. 

Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Bùi Văn Ga đánh giá: “Trước kỳ thi, xã hội còn có những băn khoăn nhưng nhờ quyết tâm đổi mới nên đến giờ phút này, kết quả bước đầu cho thấy, kỳ thi đã tương đối thành công. Kỳ thi diễn ra nhẹ nhàng, thuận lợi, áp lực thi cử được giảm rõ rệt, thí sinh không phải đi xa. Số thí sinh đăng ký môn thi KHXH tăng mạnh, đặc biệt là môn Lịch sử. Tỷ lệ thí sinh dự thi đạt trên 99%, cao hơn nhiều so với các năm trước…”.

Kỳ thi năm nay có 865.866 thí sinh đăng ký được tổ chức tại 2.364 điểm thi với 36.809 phòng thi, huy động gần 90.000 cán bộ tham gia kỳ thi, trong đó số cán bộ, giảng viên đến từ các trường ĐH, CĐ là gần 40.000 người, ít hơn so với năm 2016. 

Nét mới của kỳ thi năm nay là ngoại trừ môn Ngữ văn, các môn còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm. Với phương thức thi mới này, thí sinh có nhiều môn hơn nhưng thời gian rút ngắn hơn trước, còn 2,5 ngày. Số lượng thí sinh vi phạm quy chế thi, bị đình chỉ thi giảm, chỉ có 72 thí sinh, giảm mạnh so với hơn 300 thí sinh của năm 2016. 

Cả kỳ thi chỉ có 2 giám thị vi phạm vì cho thí sinh tự do mang đề thi ra ngoài phòng thi. Phương thức thi mới giúp học sinh tăng cường việc tự học, chấm dứt việc luyện thi tràn lan. Điều này chứng tỏ mục tiêu đổi mới thi và tuyển sinh đã cơ bản đi đúng hướng, sẽ giữ ổn định trong các năm tiếp theo” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên báo chí về việc kỳ thi năm nay số lượng thí sinh vi phạm quy chế, bị đình chỉ thi giảm mạnh, kỳ thi do Sở GD&ĐT chủ trì, liệu kết quả này có đáng tin cậy hay không? 

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: “Các Sở đã nhiều năm chủ trì việc thi cử nên khi giao cho các Sở là đúng vai. Tỷ lệ học sinh vi phạm ít là có độ tin cậy. Thực tế cho thấy, trong thời gian diễn ra kỳ thi, vấn đề an ninh trật tự các điểm thi đều đảm bảo an toàn, không lộn xộn. Việc thi theo hình thức trắc nghiệm đã triệt tiêu việc đưa tài liệu vào phòng thi. Bên cạnh đó, 50% cán bộ coi thi là giảng viên đại học, 50% là giáo viên phổ thông nên việc giám sát vi phạm hoàn toàn đủ độ tin cậy. Đối với các hành vi sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận, đây không phải là chuyện mới. Năm nay, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với lực lượng Công an tập huấn kỹ và phổ biến cụ thể đến các hội đồng thi. Với cách làm này, cán bộ coi thi làm hết trách nhiệm thì không khó phát hiện gian lận”.

Trả lời băn khoăn của phóng viên báo chí về mức độ không đồng đều về độ khó, dễ giữa một số mã đề thi, có đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh, TS. Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục cho rằng: Với các đề thi trắc nghiệm thì có 24 mã đề khác nhau, xuất phát từ 4 đề gốc nhưng trong quy chế không có 4 đề gốc chỉ quy định mỗi phòng thi có 24 mã đề và mỗi phòng không quá 24 thí sinh. 

“Các câu hỏi trong các mã đề được đảo theo khối 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao thì chỉ đảo trong 4 khối đó thôi. Sẽ có cụm câu hỏi có độ khó tương đương nhau về mặt cấp độ. Cấp độ 4 nằm ở phía cuối đề thi” - ông Hồng cho biết.

Cũng theo TS Sái Công Hồng, trong quá trình xây dựng đề thi được thử nghiệm, Hội đồng sẽ rút từ ngân hàng đề thi theo ma trận đề thi. Do đó, nếu so sánh một câu này với một câu kia là hơi khập khiễng mà phải so sánh cả đề thi với nhau. 

Thi cử đã nhẹ nhàng hơn, được dư luận đánh giá cao.

Thông tin thêm về việc tuyển sinh ĐH, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết: Một số ý kiến cho rằng đề thi năm nay khả năng dẫn tới điểm thi sẽ cao và khiến cho các trường đại học khó khăn trong việc xét tuyển. Tuy nhiên, khi chưa chấm chưa thể nói được điều gì. Qua trao đổi với các thầy cô, cho thấy đề thi năm nay tính phân loại cao và đó chính là điều kiện thuận lợi để xét tuyển ĐH. Cũng theo bà Phụng, từ năm 2018 trở đi, việc quy định điểm sàn sẽ do các trường quy định.

Chia sẻ thêm về những đổi mới về thi và xét tuyển trong những năm tiếp theo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: Theo quy định của Luật Giáo dục thì thi tốt nghiệp THPT là của các Sở GD&ĐT. Còn tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục ĐH là của trường ĐH. Hiện nay, nếu không thi hoặc thi tốt nghiệp THPT riêng thì các trường ĐH sẽ có phương án tuyển sinh của họ. 

Việc điều chỉnh, thay đổi sau này nếu có sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, ông Ga cũng cho rằng: Do kỳ thi năm nay đã đạt được mục tiêu, mong muốn đề ra, do đó, năm sau, cơ bản vẫn giữ, có thể chỉ thay đổi một số vấn đề kỹ thuật để ổn định cho giáo viên và học sinh.

* 10h30 ngày 24-6, các sĩ tử khu vực TP Hồ Chí Minh chính thức kết thúc kì thi THPT Quốc gia 2017 với tổ hợp 3 môn xã hội: Sử, Địa và Giáo dục công dân. Theo đánh giá của đa số thí sinh, đề ra sát với nội dung ôn tập, các thí sinh làm bài khá nhẹ nhàng, nhiều ý kiến cho thấy, các em hào hứng với môn thi Giáo dục công dân lần đầu tiên nằm trong số môn thi.

Trao đổi với PV vào trưa 24-6, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh nhận định, đề thi năm nay sát với chương trình lớp 12 của học sinh nhưng cũng có sự phân hóa để làm căn cứ xét tốt nghiệp lẫn xét tuyển ĐH, CĐ. Môn Giáo dục công dân lần đầu tiên được đưa vào kì thi này có ý nghĩa quan trọng, với mục đích hướng đến việc giáo dục toàn diện cho học sinh.

Cũng theo ông Đạt, qua 3 ngày thi có thể cho thấy, kì thi đã thành công tốt đẹp, đảm bảo đúng quy chế, nghiêm minh. Mọi việc đều diễn ra an toàn, nghiêm túc, không ghi nhận sự cố. 

Năm nay là năm khối lượng công việc giao cho Sở Giáo dục địa phương phải gánh khá nặng nề do tổ chức các môn thi trắc nghiệm, nhưng mọi việc từ vận chuyển, in sao và bảo mật đề thi năm nay đã đảm bảo an toàn tới phút chót. Các ban ngành địa phương cùng phối hợp để tạo điều kiện tốt nhất và thuận lợi cho thí sinh bước vào phòng thi với tâm thế thoải mái nhất. Cán bộ coi thi được tập huấn chu đáo về quy chế, đặc biệt là đã tổ chức rất tốt các khâu trong việc thi tổ hợp 3 môn tự nhiên, xã hội. 

Từ tiền đề này, dự kiến đến năm 2020, sẽ không thi tổ hợp theo nhóm các môn tự nhiên và xã hội nữa mà sẽ thi tích hợp. Theo đó, chương trình dạy học sẽ đáp ứng điều này, phát huy việc giảng dạy, học tập theo hình thức vận dụng kiến thức liên môn, tiếp cận xu thế giảng dạy tự nhiên và xã hội trên thế giới.

* Chiều 24-6, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên- Huế, cho biết, nhờ công tác phối hợp chặt chẽ của cán bộ coi thi và lực lượng Công an làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn ANTT tại 32 điểm thi đã giúp kỳ thi THPT Quốc gia 2017 trên địa bàn diễn ra nghiêm túc, an toàn.

* Tại tỉnh Quảng Trị có 2 TS bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế thi. Trong tất cả các ngày thi, các TS và người nhà đưa đón con em mình đi về các điểm thi đã được Công an các đơn vị địa phương trong tỉnh giúp đỡ nhiệt tình, hướng dẫn cụ thể về đường sá đi lại, địa chỉ nhà trọ và các quán cơm giá rẻ, đảm bảo vệ sinh trên địa bàn. Tại các điểm thi và các tuyến đường dẫn đến các địa điểm thi luôn được lực lượng Công an đảm bảo tốt ANTT, ATGT; phân luồng phân tuyến tạo sự thuận lợi nhất cho các TS đi lại.

* Tại TP Đà Nẵng, kết thúc môn thi cuối cùng, theo ghi nhận hầu hết các sĩ tử đều có tâm trạng thoải mái. Trong 900 nghìn TS cả nước tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017, tại Đà Nẵng là nơi có số lượng TS dự thi rất đông, với gần 12 nghìn TS. Toàn TP có 25 điểm thi, nhìn chung công tác ANTT, ATGT tại các điểm thi được đảm bảo tuyệt đối; mỗi điểm thi đều bố trí lực lượng đoàn viên thanh niên tình nguyện hướng dẫn, phát nước uống miễn phí... cho TS và người nhà đi theo.

Một điểm thi có nhiều thí sinh cao tuổi dự thi

Đó là điểm thi số 32 tại Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông Huỳnh Trường Thân, Chủ tịch Hội đồng điểm thi Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết, điểm thi có hơn 200 TS của 3 trường gồm THCS và THPT Hồng Vân, THPT Hương Lâm và Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề huyện A Lưới về dự thi, trong đó có nhiều TS lớn tuổi. 

Nguyên nhân, do A Lưới là huyện vùng cao, TS phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có TS là cán bộ xã, vì nhu cầu công việc nên dù tuổi cao vẫn phải tham gia kỳ thi THPT Quốc gia. 

Bà Hoàng Thị Dờng (46 tuổi, cán bộ Hội Phụ nữ xã Hồng Tiến, thị xã Hương Trà) bày tỏ: “Trước đây mình từng có 9 lần thi tốt nghiệp THPT nhưng đều trượt. Mình giờ đã lên chức bà ngoại rồi nhưng vẫn muốn có cái bằng tốt nghiệp để phục vụ công tác tốt hơn và làm gương cho con cháu nên năm nay vẫn đăng ký dự kỳ thi THPT Quốc gia”. 

Anh Khoa

Nhóm PV
.
.
.