Tăng điểm sau phúc khảo 58 bài thi điểm 0: Chuyên gia nói gì?

Thứ Tư, 31/07/2019, 20:22
Sự việc 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 của 34 thí sinh Tây Ninh đã được trả về điểm thực sau chấm phúc khảo khiến dư luận xã hội đang đặt ra một số vấn đề về tính chính xác của phần mềm chấm thi cũng như trách nhiệm của Hội đồng chấm thi.

Mặc dù TS Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT khẳng định: Nguyên nhân của việc 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 được ông Hồng nêu ra là do thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến thắc mắc, với hàng loạt thí sinh bị điểm 0 toàn bộ bài tổ hợp bất thường như vậy mà Hội đồng chấm thi lại không phát hiện ra lỗi sai mã đề hay nhầm số báo danh, điều này liệu có thuyết phục? Tính chính xác của phần mềm chấm thi, trách nhiệm của Hội đồng chấm thi ở đâu trong câu chuyện này?

 Là người có nhiều kinh nghiệm trong chấm thi trắc nghiệm, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì chấm trắc nghiệm thi THPT quốc gia tại Thanh Hóa năm 2019 cho biết: Rất may năm 2019, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội được giao chủ trì chấm thi trắc nghiệm ở một tỉnh có thí sinh khá đông, hơn 100 ngàn bài thi trắc nghiệm. Qua đợt tập huấn, tập luyện chấm thi, các thành viên chấm thi đã làm hết sức trách nhiệm, thực hiện đúng hướng dẫn phần mềm, từ sửa lỗi số báo danh, sửa lỗi mã đề đến một số bài thi có thể do bản quét nhận dạng kém. 

“Chúng tôi luôn nghĩ tinh thần trách nhiệm cao nhất để thí sinh ít có phúc khảo nhất. Tuy nhiên, trong quá trình chấm thi có xảy ra việc tô mờ, xóa nhưng không hết dấu hoặc có thể có sai sót khác, chúng tôi vẫn tin tưởng rằng sẽ có kỳ chấm phúc tra. Điều này đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cao của Bách khoa Hà Nội đối với thí sinh”- PGS Trần Văn Tớp nói.

Cũng theo PGS Trần Văn Tớp, một trong những khâu quan trọng trong công tác chấm thi là xây dựng phần mềm chấm thi trắc nghiệm. Qua quá trình chấm năm nay, cá nhân ông thấy phần mềm có tỉnh bảo mật rất cao. Hầu hết dữ liệu từ khâu quét, đến khâu sửa lỗi, khâu chấm đều được mã hóa và bảo mật. Bản thân người chấm cũng không thể nhìn được toàn bộ bài thi của thí sinh và cũng không thể can thiệp được. 

Đấy là điểm rất quan trọng và kết quả chấm cuối cùng, chúng tôi cũng chỉ gửi về Bộ GD & ĐT dưới dạng mã hóa, mà muốn mở được cũng phải do Ban Chỉ đạo mới mở được. 

Giáo viên chấm thi THPT quốc gia 2019 tại Thanh Hóa.

“Đặc biệt, năm nay Bộ tổ chức bộ phận phân tích dữ liệu để phát hiện bất thường và theo thông báo của Bộ, những trường hợp thí sinh ở Tây  Ninh đã được Bộ cảnh báo. Điều này hết sức quan trọng bởi tôi nghĩ, bản thân những em được điểm cao vô cùng bất ngờ khi nhận điểm 0 và chắc chắn họ sẽ nộp đơn phúc khảo. Và những trường hợp Bộ phát hiện ra điểm 0 và yêu cầu Hội đồng thi Tây Ninh chấm lại, thể hiện tinh trần trách nhiệm rất cao của Bộ GD&ĐT”- ông Tớp nhấn mạnh.

Về khả năng bài thi của 58 thí sinh bị điểm 0, PGS Trần Văn Tớp cho rằng: Có thể nguyên nhân chính là do thí sinh nhầm số báo danh, ví dụ thí sinh đi thi tô nhầm số báo danh của những thí sinh vắng (thí sinh vắng thì sẽ không có điểm)... 

“Nói tóm lại, phải là những người trực tiếp làm mới phát hiện được. Nếu chúng ta làm việc với tinh thần trách nhiệm, rà soát kỹ số thí sinh vắng, tô nhầm số báo danh, rà soát kỹ mã đề trong phòng thi thì sẽ hạn chế thấp nhất những sai sót” - ông Tớp nói. 

Cũng theo PGS Trần Văn Tớp, việc Bộ GD&ĐT cho rằng sự việc 58 thí sinh được tăng điểm sau chấm phúc khảo tại Tây Ninh chỉ là hiện tượng cá biệt là hoàn toàn có cơ sở. Lý do là phần mềm được mã hóa và bảo mật rất tốt, sơ suất nếu có trong trường hợp này chủ yếu là trách nhiệm của đơn vị chấm thi trong việc sửa các lỗi cho thí sinh trước khi đưa vào máy quét. Được biết, đơn vị chấm trắc nghiệm tại Tây Ninh năm 2019 là Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai.

TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cũng cho rằng: Không có dấu hiệu bất thường hay tiêu cực trong việc 58 bài thi bị điểm 0 tại Tây Ninh tăng điểm sau chấm trắc nghiệm. Nguyên nhân chủ yếu có thể là do thí sinh tô sai mã đề, số báo danh hoặc dùng bút chì không đúng quy định dẫn đến việc tô màu quá nhạt. Những lỗi này khiến cho máy quét khó nhận dạng. 

Với những trường ĐH có kinh nghiệm trong chấm thi, họ sẽ phát hiện và sữa lỗi cho thí sinh trước khi đưa vào máy quét. Điều này thể hiện trách nhiệm, sự nhân đạo của nhà trường đối với thí sinh nên những sai sót của các em đã được điều chỉnh kịp thời. Còn trong trường hợp tại Tây Ninh, có thể do Trường ĐH chủ trì chưa có nhiều kinh nghiệm nên chưa phát hiện được các sai sót để điều chỉnh, dẫn đến chưa đảm bảo được quyền lợi tối đa cho thí sinh. 

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cũng nêu quan điểm: Đây cũng là trường hợp cá biệt, xảy ra rất ít và hầu như không có tỉnh nào xảy ra như Tây Ninh. 

“Tôi khẳng định phần mềm chấm thi năm nay rất tốt, có độ bảo mật rất cao, từng pha một trong quá trình chấm đều có sự giám sát của cán bộ thư ký, cán bộ chấm thi, cán bộ giám sát. Nếu như nhóm chấm thi lần 1 mà chấm hết sức cẩn thận đảm bảo quyền lợi của thí sinh thì sẽ không xảy ra trường hợp như vậy. 

Vụ việc ở Tây Ninh có thể có nhiều nguyên nhân, một phần do thí sinh, một phần do phiếu làm bài thi -giấy không đảm bảo an toàn, nên điều quan trọng nhất là nhóm cán bộ chấm thi phải làm việc cẩn thận, kiểm dò từng bài của thí sinh để đảm bảo quyền lợi của thí sinh. ĐH Hà Nội cũng như nhiều ĐH khác, khi chấm lại điểm không thay đổi, bởi lần “chấm đi” chúng tôi chấm hết sức cẩn thận, đảm bảo độ chính xác cao nhất. 

Trong quá trình thực hiện, phần mềm liên tục được cập nhật để nhận diện chính xác tối đa số báo danh, mã đề thi hoặc những chỗ thí sinh tô đúp, tô mờ. Nếu nhóm chấm thi làm cẩn thận thì sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề đó”-ông Thạch nói.

Thu Phương-Huyền Thanh
.
.
.