"Thánh" Johan Cruyff qua đời vì ung thư:

Nhà hiền triết “đội lốt” cầu thủ

Thứ Năm, 31/03/2016, 20:11
Sự ra đi của Johan Cruyff để lại cho giới hâm mộ bóng đá lòng tiếc thương vô hạn. Bởi từ nay, mỗi khi cánh báo chí hay các HLV cần một lời khuyên thật sự hữu ích, Cruyff không còn ở đó mà chỉ bảo. Nhưng di sản Cruyff để lại sẽ là nguồn tư liệu khổng lồ cho các công trình nghiên cứu sau này.


Trong sự nghiệp của mình, Cruyff giành vô số danh hiệu. Sir Bobby Robson từng nói nếu nhìn thấy Cruyff trên sóng truyền hình, tốt nhất là tắt tivi vì kiểu gì đội bóng của Cruyff chẳng thắng! Nhưng với những người thật sự hâm mộ Cruyff, những con số thống kê khô khan chẳng có ý nghĩa gì.

Cruyff kiệm lời, song hễ khi nào ông mở miệng là người nghe há hốc mồm, nuốt trọn từng chữ. Những triết lý sống ẩn sâu bên trong mỗi phát ngôn của Cruyff mới là chất xúc tác làm nên thương hiệu "thánh" Cruyff. Đằng sau mỗi câu chuyện của Cruyff trên sân cỏ, người đời lại nghiệm ra một giá trị, kỹ năng sống mà sau đó hàng thế kỷ, nó vẫn còn nguyên tính thời sự.

Thánh Cruyff - người đặt nền móng cho rất nhiều phát kiến chiến thuật vĩ đại.

Số áo đặc biệt và chuyện tín ngưỡng

Thập niên 70, số áo cầu thủ đá chính gói gọn trong 11 số đầu tiên, lần lượt tương ứng theo thứ tự vị trí trên sân. Trong khoảng 1964-1970, Cruyff khoác áo số 9. Song sự nghiệp huy hoàng với hàng trăm siêu phẩm của Cruyff không hề gắn liền với biểu tượng của các tiền đạo. Thay vào đó là số 14.

Ngày 30-10-1970, Ajax của Cruyff gặp đại kình địch PSV. Trong phòng thay đồ, Gerrie Muhren phát hiện chiếc áo số 7 quen thuộc của mình biến mất. Thấy đồng đội lụi hụi tìm, Cruyff đưa luôn áo cho Muhren rồi vào kho lưu trữ xem còn thừa bộ đồng phục nào không. Hôm ấy, tủ đồ của Ajax còn đúng bộ số 14.

Ajax thắng 1-0 nhờ pha làm bàn duy nhất của Muhren. Anh này phấn chấn lắm vì lâu rồi mới lại nổ súng trong trận siêu kinh điển Hà Lan. Cruyff đề nghị cậu bạn giữ luôn áo số 9 và trung thành với áo số 14. Ông kiên quyết giữ áo 14, mặc cho LĐBĐ Hà Lan phản đối gay gắt. Đích thân Chủ tịch Ajax ngày ấy đã phải viết thư xin đặc cách cho cầu thủ con cưng.

Đến kỳ vận hội bóng đá 1974 ở Đức, HLV Rinus Michels yêu cầu học trò chọn số áo theo bảng chữ cái alphabet, dẫn đến vài hiện tượng kỳ quặc như tiền đạo Ruud Geels mặc áo số 1 còn thủ môn Jan Jongloed lấy áo số 8.

Bất chấp kỷ luật nội bộ, Cruyff nằng nặc đòi mặc áo số 14. Có người bảo vì Cruyff là Chúa của bóng đá Hà Lan nên ông ta được nhận lấy đặc ân ấy. Còn De Telegraaf, tờ nhật báo lớn nhất Hà Lan khẳng định: Cruyff là tay mê tín.

Ở giải đấu năm ấy, Cruyff cho ra đời kỹ thuật "vặn mình, giả sút", hay còn gọi là Cruyff Turn. Cũng trong năm đó, dù thua Đức trong trận chung kết nhưng Cruyff vẫn được vinh danh là cầu thủ xuất sắc nhất giải. Cùng lúc ấy, những nhân vật liên quan tới bóng đá đồng loạt thừa nhận: Cruyff đã thay đổi lịch sử bóng đá thế giới, đặt nền móng cho nhiều phát kiến chiến thuật sau này. Tờ nhật báo tin rằng, Cruyff thích số 14 vì nó mang tới nhiều vận may cho ông.

Phản ứng trước nhận xét ấy, Cruyff tuyên bố: "Bạn nghĩ tôi mê tín ư? Ở Tây Ban Nha 22 cầu thủ đều làm dấu thánh trước khi vào sân. Nếu điều đó hiệu nghiệm thì mọi trận đấu đáng ra đều kết thúc với tỷ số hòa. Tôi vô thần nhé".

Cruyff nói rất đúng. Nếu ai đó mặc định Cruyff là kẻ sùng bái tín ngưỡng, họ sẽ phải xem lại chi tiết này: 14 là con số… kết liễu cuộc đời Cruyff theo nghĩa đen. Trong những lời sau cuối của Cruyff, ông thều thào: "Năm 1991, tôi bỏ hẳn thuốc lá sau ca phẫu thuật. 14 năm sau, tức là năm ngoái đó, tôi phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối. Còn ai nói 14 là số may mắn không?".

Thời còn đá bóng, giấc mơ của Cruyff là giải nghệ trong màu áo Ajax. Song CLB cuối cùng Cruyff đầu quân lại là… Feynoord. Chuyện là thế này, sau quãng ngày ngắn ngủi ở Mỹ và Tây Ban Nha, Cruyff quay về Ajax vào năm 1980 dưới vai trò "cố vấn kỹ thuật". Đến cuối năm 1981, ông trở lại làm cầu thủ, giúp Ajax giành cú đúp quốc nội.

Động tác giả sút - vặn mình - qua người trứ danh của Cruyff.

Mùa đó, Cruyff ghi đúng 14 bàn, và ông đã chủ động xin gia hạn thêm 1 năm rồi giải nghệ. Nhưng Ajax khước từ, bảo Cruyff già quá rồi. Ông nhổ nước bọt xuống sàn gỗ phòng chủ tịch, hét to: "Tao thèm vào".

Với Cruyff, số 14 chỉ đơn thuần là cách ông khiến mình dị biệt, nổi trội giữa đám đông. "Nó chẳng mang chút màu sắc tâm linh nào", Cruyff kể lại trong cuốn Brilliant Orange.

Đường tới cầu môn

Johan Cruyff sinh ra giữa thời kỳ hoàng kim của bóng đá Hà Lan nói riêng và Ajax nói chung. Ajax là CLB giàu truyền thống bậc nhất châu lục với hệ thống tuyển trạch viên, cơ sở đào tạo trẻ uy tín hàng đầu thế giới. Vậy thì, Cruyff có phải là một sản phẩm nhà nòi của Ajax hay không?

Đúng mà… chẳng đúng lắm. Bởi Cruyff không hề ăn nằm ở lì tại học viện, cũng chẳng hề tham gia huấn luyện bài bản. Thời thơ ấu của Cruyff gắn chặt với Ajax và các con đường ở Amsterdam, song mối quan hệ ấy không mang nhiều hơi thở "bóng đá"!

Sau khi cha Cruyff qua đời, mẹ ông ngừng kinh doanh cửa hàng rau - củ - quả và chuyển tới làm nhân viên lao công ở Ajax. Bà Nel luôn mong mỏi con mình tu chí học hành để cải thiện cuộc sống gia đình sau này. Bỏ ngoài tai lời van nài của mẹ, Cruyff bỏ học giữa chừng. Ông giải thích bằng một giọng điệu bình thản: "Đầu óc con mà phải chết dí ở môi trường học thuật dập khuôn này sao?". Sau đó, Cruyff đi làm phụ tá ở cửa hàng thể thao Perry van der Kar. Sáng đi tập ở Ajax, trưa về chỗ làm điểm danh.

Khi bà Nel đi bước nữa, tái hôn với chú Hank, người quản lý sân Ajax, Cruyff bỏ bê tập tành. Ông lẽo đẽo theo bố dượng, học dùng máy ủi cỏ, căng lưới, sơn đường kẻ biên. Ít lâu sau, Cruyff phụ trách vài việc văn phòng lặt vặt như pha trà, lau giày cho các anh lớn, dọn dẹp phòng thay đồ.

Một thời gian nữa, Cruyff xin làm trẻ đi nhặt bóng. Ông chọn công việc này vì dễ quan sát, tiếp cận diễn tiến trận đấu. Chung kết European Cup 1962 (Benfica thắng Real Madrid), Cruyff lần đầu cảm nhận bầu không khí bóng đá đỉnh cao bên ngoài đường biên. Ký ức của cậu bé 15 tuổi là tài năng siêu việt của Di Stefano.

Cruyff nghĩ rằng, rồi ông sẽ có sân khấu của riêng mình. Hai năm sau, Cruyff trình làng khán giả thế giới, bắt đầu hành trình sân cỏ. Năm 2010, Cruyff nói với tờ De Telegraaf: "Tại sao phải đốt thời gian trên sân tập? Cách đó vừa mất sức, mà vừa khó thành tài. Có bao nhiêu bạn nhỏ hiểu tường tận một trận bóng chuyên nghiệp là thế nào? Tôi chọn cách dễ hơn nhiều, vừa vui vừa khỏe".

Tin đồn Johan Cruyff đến Leicester trên mặt báo năm 1981.

Với Cruyff, đá bóng thật đơn giản. Nhưng chơi thứ bóng đá giản đơn là điều khó chưa từng thấy. "Được mấy ai không ăn tập đội trẻ mà sau này tỏa sáng? Những người đấy tôi không thèm quan tâm, họ không cùng đẳng cấp với tôi".

Thế giới túc cầu đưa Cruyff lên ngang hàng các bậc thánh nhân, quả chẳng sai chút nào.

Tuyên chiến với cả quốc gia

World Cup 1974 chắc chắn là sự kiện đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Cruyff. Bên cạnh những phát kiến chuyên môn mang tính lịch sử, Cruyff làm cả thế giới bàng hoàng khi mặc chiếc áo đấu 2 sọc.

Nhà tài trợ của Hà Lan khi ấy là Adidas, hãng dụng cụ thể thao Đức với biểu tượng "3 dòng kẻ sọc". Điều hiển nhiên là mẫu áo đấu của ĐT Hà Lan phải mang trên mình logo của Adidas. Nhưng Cruyff, vốn bấy giờ đang làm đại sứ thương hiệu cho Puma - kỳ phùng địch thủ của Adidas, kiên quyết không mặc áo 3 sọc.

Ông bảo vệ thương quyền hình ảnh cá nhân tới cùng. Hà Lan ắt là chẳng đá nổi nếu thiếu Cruyff, đành đánh liều sản xuất riêng mẫu áo theo đúng mong mỏi của Cruyff. Adidas hoàn toàn đủ căn cứ pháp lý đưa LĐBĐ Hà Lan ra tòa án thể thao quốc tế với mức án 6 triệu USD - số tiền đủ để duy trì ĐTQG xứ sở hoa Tulip trong 10 năm. "Bọn họ điên rồi, đánh cược kế sinh nhai của dân tộc trên sinh mạng của một thằng khùng", Pete Bruffy - phóng viên tờ Voetbal bức xúc.

Nhưng sức hút của Cruyff quá lớn, tới nỗi ngay sau trận chung kết, đại diện của Adidas tìm gặp ông, đề nghị một hợp đồng quảng cáo trị giá… 2,8 triệu USD. Đấy là con số không tưởng cho một cá nhân thời đó nếu biết rằng cách đấy 1 năm, Cruyff là cầu thủ đầu tiên trị giá 2 triệu USD trong lịch sử bóng đá nhân loại.

Sự kiện ấy gắn liền với câu nói bất hủ của Cruyff, được ông đề cập trong buổi ra mắt mẫy giày Puma Power: "Tôi hiếm khi mắc sai lầm, vì sai lầm làm tôi mất vui".

"Chết chìm cùng Barca còn hơn gia nhập Real"

"Tôi quyết định cuộc đời tôi", câu nói nổi tiếng của Johan Cruyff trong lễ ra mắt Barca mùa hè 1973. Vào tháng 5, tin đồn Cruyff rời Ajax tràn ngập các mặt báo. Và điểm đến tương lai của Cruyff là Real. Chủ tịch Ajax, Jaap Van Praag đã thân chinh tới Madrid và ký hợp đồng ghi nhớ với Los Blancos. Nhưng khi bản hợp đồng ấy được trình ra trước mặt Cruyff, ông mắng té tát người đứng đầu CLB: "Ông hỏi ý kiến tôi chưa? Tôi thích đi đâu là việc của tôi, đừng xen vào!".

Cruyff sống một đời trọn lý tưởng. Ông ghét lệ thuộc người khác, nhất là những chuyện liên quan tới tương lai, cuộc đời mình. "Chết chìm với lý tưởng của mình còn hơn sống dựa hơi kẻ khác", một trong 22 câu nói bất hủ của Cruyff. Ông thích Catalan mộng mơ hơn là Madrid thực dụng đậm chất chính trị.

Năm 1981, Cruyff đã ở rất gần Leicester sau 3 tuần bí mật thương thảo hợp đồng. Phút chót, ông chọn ở lại Levante vì lời hứa với CĐV đội bóng TBN: "Tôi sẽ chơi trọn một mùa giải".

Đơn Ca
.
.
.