Đồng bằng sông Cửu Long:

Ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp với các đối tượng dễ bị tổn thương

Thứ Hai, 07/12/2015, 09:11
Vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội thảo “Thích ứng biến đổi khí hậu cho nhóm đối tượng dễ tổn thương vùng ĐBSCL”, nhằm trao đổi, tìm ra giải pháp phù hợp, nâng cao năng lực phân tích, lập kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu.


Năm 2015, tình trạng xâm nhập mặn xảy ra ở nhiều địa phương, như: Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang... Tại tỉnh Bến Tre, vào các tháng mùa khô năm 2015, do lượng nước từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về không ổn định dẫn đến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Vùng xâm nhập mặn chủ yếu tập trung ở những huyện giáp biển… 

Theo các nhà khoa học, đến năm 2030, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ có khoảng 45% đất có nguy cơ nhiễm mặn cục bộ và thiệt hại mùa màng do lũ lụt. Trung bình năng suất lúa có thể giảm 20 - 25%, thậm chí đến 50%. 

TS Lê Anh Tuấn - Viện phó Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (BĐKH), Đại học Cần Thơ cho rằng, lũ lụt và xâm nhập mặn là 2 tác động chính đến ĐBSCL. Diện tích và sản lượng nông nghiệp suy giảm, đe dọa an ninh lương thực, đói nghèo gia tăng, môi trường và tài nguyên thiên nhiên sẽ suy kiệt.

Tình trạng sạt lở ở ĐBSCL ngày càng diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu gây ra.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội thảo “Thích ứng BĐKH cho nhóm đối tượng dễ tổn thương vùng ĐBSCL”, nhằm trao đổi, tìm ra giải pháp phù hợp, nâng cao năng lực phân tích, lập kế hoạch thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; đảm bảo sinh kế, năng lực thích ứng của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong vùng. Đồng thời phải tìm kiếm các giải pháp tiếp cận toàn diện, tổng thể để có thể giải quyết đồng bộ các vấn đề phát triển, như: ứng phó với nước biển dâng, lũ lụt; tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán... 

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi thông tin về tình trạng dễ bị tổn thương của nhóm người nghèo, đặc biệt là phụ nữ không đất và ít đất sản xuất; chia sẻ phương pháp xác định mô hình thích ứng với BĐKH cho đối tượng dễ bị tổn thương…

Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng bộ phận về BĐKH và giảm rủi ro thiên tai của Tổ chức Care tại Việt Nam, khẳng định: “Có ba nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi BĐKH ở ĐBSCL, đó là người nghèo không có hoặc có ít đất sản xuất; nhóm người khuyết tật và phụ nữ, trẻ em”. 

Nghiên cứu của Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam cho thấy, phụ nữ sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất dưới tác động của BĐKH. Bình thường, khi chưa chịu tác động của BĐKH, họ đã là lực lượng phải đảm đương vấn đề an ninh lương thực cho gia đình, có trách nhiệm chăm sóc gia đình. Còn khi có tác động của BĐKH dẫn đến khan hiếm nguồn nước ngọt thì họ phải lo thêm việc trữ nước, lo nước tưới cho ruộng vườn, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước ô nhiễm. 

Để giúp những đối tượng này ứng phó với BĐKH, các chuyên gia cho rằng, với những nhóm người khác nhau cần có giải pháp khác nhau. Cụ thể, đối với vấn đề sinh kế, cần phải xây dựng chương trình phù hợp cho từng nhóm đối tượng dựa trên đặc điểm tự nhiên, tập quán, đặc thù văn hóa; các chương trình bảo hiểm, bảo trợ xã hội hiện nay làm thế nào lồng ghép cho được các yếu tố BĐKH vào. Vì như vậy mới có thể đảm bảo cho những đối tượng, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này thích ứng được với những tác động không mong muốn của BĐKH gây ra.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, nhận thức rõ những tác động của BĐKH đến phát triển bền vững của đất nước, nhất là vùng ĐBSCL, Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH trong vùng. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong vùng thực hiện các chính sách, biện pháp ứng phó BĐKH, tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong các cấp, các ngành và nhân dân trước việc ứng phó với BĐKH.

Văn Đức
.
.
.