Trao quyền xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm cho xã, phường:

Dễ lạm quyền nếu không quy định chặt chẽ

Thứ Bảy, 17/10/2015, 09:46
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP), từ ngày 15/11/2015, công chức, viên chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/huyện, phường/xã có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về ATTP.

Trước mắt sẽ thực hiện ở 10 quận/huyện, 20 phường/ xã ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Để triển khai nhiệm vụ đầy mới mẻ này, ngày 16/10, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai quyết định với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong công tác thanh tra, kiểm tra là con người, mà hiện số lượng thanh tra viên rất hạn chế, nên không giải quyết hết những bất cập trong đảm bảo vệ sinh ATTP. Xã/phường phải chịu trách nhiệm về ATTP trên địa bàn, nhưng lại không được trao quyền để xử phạt. Giờ thì lực lượng thanh tra cơ sở đã có “gậy” để thực thi quyền hạn và hy vọng, thanh tra ATTP xuống tận xã/phường sẽ giải quyết được vấn đề ATTP đang nhức nhối bấy nay.

Sẽ giao quyền kiểm tra an toàn thực phẩm cho cấp xã, phường.

Các đại biểu đều cho rằng, bổ sung lực lượng thanh tra là việc phải làm, tuy nhiên thời điểm triển khai đến gần, mà hiện cán bộ vẫn chưa được tập huấn. Việc trao thêm nhiệm vụ cho y tế cơ sở cũng khiến ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, lo ngại khi cán bộ thanh tra kiêm nhiệm, việc điều hành sẽ gặp nhiều khó khăn. Ví dụ trạm y tế xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) có 7 người, riêng tiêm phòng mỗi tháng đã mất 10 ngày, nếu mỗi tuần bố trí 1-2 buổi thanh tra thì không còn thời gian. 

Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho rằng hiện xã phường chưa có cán bộ chuyên trách mảng công thương, là khó khăn cho công tác thanh tra. Ngoài ra cũng cần nêu rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận/huyện, phường/xã, khi đã được giao nhiệm vụ nhưng không hoàn thành, hay cán bộ thanh tra làm sai mà bị thanh tra cấp trên phát hiện, thì phải chịu trách nhiệm.

Giải thích băn khoăn này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết lực lượng này đi làm phải được giao quyền của cả ba bộ. Nếu lực lượng Quản lý thị trường, Công Thương không có ở xã/phường thì các cán bộ y tế, nông nghiệp sẽ được sử dụng quyền lực của lực lượng Công Thương. Tức là những cơ sở liên quan đến công thương cũng đều được quyền kiểm tra và xử lý vi phạm. Điều này khác với trước đây là chỉ thanh tra lĩnh vực nào mới được xử phạt lĩnh vực đấy. Bây giờ một người có quyền làm hết, người được giao nhiệm vụ ấy xử hết các vi phạm ở dưới cơ sở.

Việc lo sợ cán bộ thanh tra ATTP ở cơ sở lạm quyền khi tăng nhiệm vụ và quyền hạn cho cấp cơ sở, là điều được nhiều ngành quan tâm. Đặc biệt khi Quyết định 38 cho phép được giữ lại 100% tiền xử phạt sẽ là yếu tố hấp dẫn để dễ dẫn đến lạm quyền. Khi giao quyền lực cho một lực lượng, sẽ có thể mang lại hiệu quả thiết thực về mặt Nhà nước, nhưng đồng thời cũng cần phải có biện pháp ngăn chặn những trường hợp lạm dụng quyền lực để gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, gây bức xúc cho các hộ kinh doanh.

Các đại biểu cũng băn khoăn về việc lạm dụng quyền để xử phạt, gây phiền nhiễu với doanh nghiệp khi trao quyền cho Thanh tra cơ sở. Hơn nữa, phải có sự phân công rõ ràng trên địa bàn.  Với các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn cũng không thể tuần nào cũng vào thanh tra, mà có thể giao việc kiểm tra cơ sở lớn cho Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương. 

Thẩm quyền xử phạt tuyến xã chỉ 500.000đ, nếu vượt thì báo cáo UBND cùng cấp để xử lý, mà cùng cấp cũng chỉ 5 triệu, quá nhỏ so với vi phạm lớn. Cũng không thể phạt bừa khi người này đi thì xử phạt 500.000đ, còn người kia lại phạt 300.000đ, mà khi đi thanh tra độc lập, dù một người, cũng phải có quyết định của Chủ tịch UBND quận, huyện xã/phường cho phép. Ngoài ra, cũng cần có cơ chế giám sát, khi doanh nghiệp hay cá nhân phản hồi lại việc không đồng ý với kết quả thanh tra, ví như xảy ra ở cấp quận, thì Thanh tra Sở phải đi thanh tra lại.

Các đại biểu kiến nghị các sở Y tế, Nông nghiệp, Công Thương đặc biệt lưu ý đến vấn đề con người, để các cán bộ thanh tra làm đúng chức trách, tránh đi quá giới hạn và phải trên quan điểm xây là chính, kiểm tra, giáo dục, nhắc nhở, đôn đốc, nếu tái phạm sẽ xử phạt. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về kỹ năng thanh tra, quy trình thanh tra và làm việc với Thanh tra Chính phủ để ủy quyền cho Bộ Y tế tập huấn và cấp chứng chỉ có giá trị tương đương với Thanh tra Chính phủ cấp.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP cho biết thêm, người được giao nhiệm vụ thanh tra ATTP có tiêu chuẩn cụ thể: là công chức, viên chức và am hiểu pháp luật, có ít nhất một năm kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan đến quản lý ATTP và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra.

Thanh Hằng
.
.
.