Liên quan đến việc thực tập sinh Việt Nam bỏ trốn tại Nhật Bản:

Lừa đảo, bỏ trốn đang làm "xấu mặt" thị trường xuất khẩu lao động sang Nhật Bản

Thứ Bảy, 31/10/2015, 07:26
Số lượng thực tập sinh Việt Nam sang thực tập tại Nhật Bản tăng đều qua các năm và đặc biệt tăng nhanh trong năm 2014 (với 19.766 thực tập sinh, tăng gấp đôi so với năm 2013) và 10 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã đưa được 21.870 thực tập sinh sang Nhật Bản. 

Tuy vậy, những hiện tượng như: thực tập sinh vi phạm pháp luật Nhật Bản, bỏ trốn... cùng một số hiện tượng không tốt khác đang ảnh hưởng đến uy tín, cũng như việc mở rộng thị trường đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.

Thực tập sinh bỏ trốn tăng

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, chỉ tính riêng lượng thực tập sinh kỹ thuật của Việt Nam tại Nhật Bản hiện đang có hơn 1.300 người. Những người tham gia chương trình tu nghiệp trong vòng 3 năm, được hưởng trợ cấp 80.000 yên trong tháng đầu đào tạo. Đồng thời hưởng lương theo hợp đồng ký với công ty tiếp nhận trong thời gian thực tập với mức lương tối thiểu trong năm thứ nhất, năm thứ hai là 90.000 yên/tháng, 100.000 yên/tháng trong năm thứ ba.

Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản bỏ trốn đang làm ảnh hưởng đến uy tín và việc mở rộng thị trường này. Ảnh minh họa.

Đặc biệt, với các thực tập sinh đã làm việc trong ngành Xây dựng và ngành Đóng tàu, sau khi hoàn thành chương trình 3 năm sẽ có cơ hội được gia hạn thêm 2 năm làm việc tại Nhật Bản nếu công ty tiếp nhận có nhu cầu. Đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, tỷ lệ người lao động làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài trong những năm qua tương đối cao. Do đó, chương trình đưa thực tập sinh đi thực tập tại Nhật Bản sẽ góp phần tạo cơ hội nối lại quan hệ lao động, nhất là những tỉnh có nhiều lao động bỏ trốn bất hợp pháp sẽ có cơ hội được làm việc tại nước ngoài.

Tuy vậy, vấn đề đáng lưu ý cũng được Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra liên quan đến các thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản thời gian qua. Đáng nói nhất là có một bộ phận lao động tự động bỏ trốn tại nơi thực tập. Theo thống kế, tính từ năm 2006 đến tháng 9-2015, đã có 120 thực tập sinh đã dừng chương trình về nước trước thời hạn và 35 thực tập sinh bỏ trốn. Tình trạng này thời gian gần đây xuất hiện nhiều hơn, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2015, đã có 8 thực tập sinh bỏ trốn, tăng 5 người so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này, ảnh hưởng đến hình ảnh của thực tập sinh Việt Nam, cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh của các công ty Nhật Bản và uy tín của doanh nghiệp. Một vấn đề cũng được Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh đó là nhiều thực tập sinh Việt Nam vi phạm pháp luật Nhật Bản đã ảnh hưởng tới uy tín của thực tập sinh Việt Nam tại thị trường này

Xuất hiện tình trạng lừa đảo

Tại hội nghị giới thiệu quy trình tuyển chọn thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản do Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức đào tạo nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) vừa phối hợp tổ chức, một số vấn đề liên quan đến thực tập sinh Nhật Bản đã được nêu ra. Thời hạn thực tập tại Nhật Bản sẽ dần tăng thêm từ 3 đến 5 năm và mở rộng thêm nhiều ngành nghề, nhất là điều dưỡng viên, hộ lý. Cũng theo kế hoạch, thực tập sinh hoàn thành chương trình thực tập về nước đúng thời hạn sẽ được tổ chức IM Japan hỗ trợ khoản tiền 600.000 yên/tháng để tái hòa nhập và phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua một số hạn chế liên quan đến vấn đề này vẫn thường xuyên xảy ra như nhiều lao động vẫn chưa dành thời gian tìm hiểu do đó xuất hiện tình trạng nhẹ dạ, cả tin để các đối tượng cò mồi, lừa đảo lợi dụng thu các khoản bất chính, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của người lao động, đặc biệt ảnh hưởng đến ý nghĩa nhân văn chương trình mang lại. Một thực tế đáng buồn cũng được đưa ra là tình trạng một số đối tượng trung gian, môi giới thậm chí cán bộ của Sở LĐ-TB&XH đã lợi dụng kẽ hở của chương trình để trục lợi, bắt người lao động nộp các khoản tiền trái với quy định. Do đó, từ tháng 5-2015, Tổ chức IM Japan đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH dừng tuyển chọn ứng viên là người lao động các tỉnh phía Bắc.

Liên quan đến việc tuyển chọn thực tập sinh sang Nhật Bản ngành điều dưỡng, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp không được thực hiện tuyển chọn thực tập kỹ năng đi thực tập tại Nhật Bản ngành nghề này. Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền (Cục Quản lý lao động ngoài nước) khẳng định, đối với chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng như đang triển khai hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước là đầu mối duy nhất được Bộ LĐ-TB&XH giao triển khai thực hiện theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản VJEPA và ứng viên tham gia không phải mất chi phí tuyển chọn, đào tạo và các khoản phí nào khác liên quan tới chương trình hợp tác đưa điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, bà Hà cho biết thêm, hiện nay, nghề trợ lý hộ lý, điều dưỡng viên không có tên trong hệ thống 71 ngành nghề và 130 loại hình công việc được Nhật Bản cho phép tiếp nhận dưới hình thức thực tập sinh kỹ năng thời gian 3 đến 5 năm. Vì vậy, việc đưa thực tập sinh nghề này vào Nhật Bản với thời gian 3 năm là không thể.

Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện ngoài chương trình tuyển điều dưỡng viên đi Nhật Bản làm việc do Cục Quản lý lao động ngoài nước là đầu mối, thì không có bất cứ chương trình nào tuyển điều dưỡng viên, hộ lý và trợ lý cho điều dưỡng viên, hộ lý được Việt Nam và Nhật Bản cấp phép. Vì vậy, người lao động cần lưu ý với các thông tin lừa đảo. Thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ có các văn bản để thông tin cho các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp phái cử, các cơ sở đào tạo chuyên ngành điều dưỡng về việc trên, tránh tình trạng các cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin sai sự thật để tiến hành tuyển chọn và thu tiền trái phép của người lao động.

Phan Hoạt
.
.
.