Xung quanh dự án chống ngập 10 ngàn tỉ gây tranh cãi
- Vướng giải phóng mặt bằng, dự án chống ngập vốn “khủng” khó cán đích
- TP Hồ Chí Minh triển khai dự án chống ngập với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng
- "Ngắm" dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng của TP Hồ Chí Minh
Phản ứng trước thông tin trên, ngày 13-9, DN làm dự án đã mời các bên liên quan đến để làm rõ. Dự cuộc họp này có lãnh đạo Trung tâm chống ngập nước thành phố, đại diện 5 đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng thủy lợi của Bộ NN&PTNT. Đại diện liên danh tư vấn hợp đồng là Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt dù được mời nhưng đã không cử đại diện tham dự.
Đại diện DN thực hiện dự án, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) khẳng định, không có chuyện thay thép không gỉ bằng thép đen. Bởi hợp đồng BT mà UBND TP Hồ Chí Minh ký với nhà đầu tư không có điều khoản, hay ràng buộc phải sử dụng thép loại nào. Việc chọn lựa thép phôi thép để gia công chế tạo cửa van có thể dùng bất cứ loại thép nào đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đồng thời, về kỹ thuật chuyên ngành thì thiết kế bản vẽ thi công là quan trọng nhất, còn thiết kế cơ sở chỉ có tính định hướng. Bởi khi thiết kế bản vẽ thi công, đơn vị thiết kế sẽ phải khảo sát, đo đạc, tính toán, thí nghiệm một cách chi tiết để đưa ra thiết kế đảm bảo kỹ thuật và tối ưu hóa chất lượng, hiệu quả khi đưa vào khai thác. Dùng thép không gỉ cường độ thấp làm tăng trọng lượng dẫn đến cửa van phải có kết cấu thép rất lớn, trong khi đó, thép đen có khả năng chịu lực cao hơn, trọng lượng ít hơn.
Theo ông Tiến, trong quá trình thi công, DN đã tuyệt đối tuân thủ thiết kế bản vẽ thi công, việc này đã được tư vấn giám sát công trình và Hội đồng kiểm tra công tác nghiệm thu của Bộ NN&PTNT nhiều lần kiểm tra, đánh giá về chất lượng công trình. Việc điều chỉnh chủng loại thép để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật công trình này đã được chủ đầu tư phê duyệt trong thiết kế bản vẽ thi công. Doanh nghiệp làm dự án mua thép xuất xứ từ đâu phải khai báo đúng giá vật tư đầu vào để Kiểm toán Nhà nước kiểm soát.
Tuy thép đen sử dụng làm cửa van cống Cây Khô và Phú Xuân có giá thành cao gấp đôi thép không gỉ, nhưng do trọng lượng giảm nhiều đã giúp dự án giảm chi phí 90 tỷ đồng. Đây là dự án thuộc loại “thực thanh, thực chi” thông qua Kiểm toán Nhà nước, nên những khoản chi phí giảm này, chủ đầu tư là thành phố sẽ được hưởng.
Việc làm cửa van bằng thép đen tại 2 cống ngăn triều này càng trở lên bình thường khi trước đó các cống Mương Chuối đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt, còn cống Phú Định cũng đã có thiết kế cơ sở là thép đen. Chỉ có các cửa van âu thuyền nhỏ và phải ngâm liên tục trong nước mới dùng thép không gỉ để làm cửa van.
Chưa hết, nếu sử dụng inox, các cửa van phẳng có kích thước lớn chiều cao 10-12m, chiều ngang 40m treo ngang kênh nhiều tháng trong mùa khô sẽ trở thành tấm gương lớn phản chiếu ánh sáng cả ngày lẫn đêm gây nguy hiểm cho phương tiện giao thông thủy.
Công trình cống ngăn triều trong dự án chống ngập. |
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập nước thành phố xác nhận, đối với các dự án BT, quy định không cho phép áp đặt hay chỉ định dùng thép của nhà sản xuất nào. Chỉ cần thép đưa vào thi công phải đảm bảo đúng chỉ tiêu công trình, đủ chỉ tiêu cơ lý phù hợp với các yêu cầu trong hồ sơ thiết kế.
Thạc sĩ Lê Đình Hưng, người được phía tư vấn thiết kế giao chủ trì hạng mục cơ khí thiết bị và cửa van của dự án chống ngập 10 ngàn tỉ khẳng định: Ngay khi phát hiện ra phần thuyết minh kèm theo thiết kế cơ sở có ghi “sử dụng thép G7” là vi phạm Luật Xây dựng, phía tư vấn đã có văn bản đính chính. Theo ông Hưng, việc dùng thép đen làm van cống ngăn triều tại TP Hồ Chí Minh đã được 5 đơn vị tư vấn cùng thống nhất để đưa ra quyết định lựa chọn sau khi phân tích kỹ thuật một loạt chỉ tiêu cơ, lý kỹ thuật của các loại thép cùng chỉ tiêu môi trường và tham khảo những loại thép đã được sử dụng cho các công trình cống ngăn triều tương tự trên thế giới.
Ông Hưng cho biết thêm, cống ngăn triều đầu tiên ở Việt Nam do nhóm của ông tham gia tư vấn, thiết kế cũng có van ngăn triều được làm bằng thép đen, bề rộng đạt tới 30m là cống Bàu Trấu ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Cống này cũng có nguyên lý vận hành giống như các cống ngăn triều trong dự án chống ngập của TP Hồ Chí Minh; quá trình thiết kế, thi công đã được các nhà khoa học hàng đầu trong nước và tư vấn nước ngoài góp ý để sử dụng loại thép phù hợp nhất.
TS Phạm Văn Long, Chủ nhiệm đồ án thiết kế dự án chống ngập xác định, không có chuyện thay đổi từ thép G7 sang thép Trung Quốc bởi trong hồ sơ bản vẽ thiết kế thi công chỉ ghi các tính năng cơ lý của thép chứ không cho phép ghi xuất xứ thép. Bản chỉ dẫn kỹ thuật đã phải sửa do sai quy định về quản lý xây dựng cơ bản với công trình đầu tư vốn ngân sách theo Luật Xây dựng. Thép đang được sử dụng cho dự án hiện nay đúng theo tính năng yêu cầu về tính chất cơ lý, hóa học của vật liệu.
Những vấn đề liên quan đến thay đổi thiết kế của nhà đầu tư là không đơn giản khi phải có sự đồng thuận của 5 đơn vị tham gia tư vấn thiết kế, gồm Viện Thủy công, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, Viện Thủy lợi và Môi trường - Trường Đại học Thủy lợi, Công ty Tư vấn xây dựng Thủy lợi 2 và Công ty Tư vấn XD Vina Thủy công. Các đơn vị này đã tham gia tư vấn thiết kế hầu hết các công trình thủy lợi lớn ở phía Nam và tư vấn thiết kế giữ vai trò độc lập về mặt chuyên môn, kỹ thuật tại dự án chống ngập này.
Nhắc đến nguyên nhân khiến dự án phải tạm ngưng thi công nửa năm qua, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết, các đợt xác nhận khối lượng thi công gần đây, tư vấn giám sát hợp đồng đều ký xác nhận, nhưng phía dưới còn thòng thêm câu “Tuy nhiên nhà thầu có thi công hay không thì tư vấn giám sát hợp đồng không biết” dẫn đến việc Sở Tài chính thành phố không dám đặt bút ký xác nhận để DN được giải ngân. Chỉ đến khi được UBND thành phố yêu cầu, phía tư vấn giám sát hợp đồng mới chịu ký xác nhận lại đúng phần khối lượng trên với nội dung rõ ràng.