Tiếp tục xuất hiện 1 ổ dịch tả lợn châu Phi

Thứ Bảy, 01/06/2019, 18:56
Chiều 1-6, ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu xác nhận, trên địa bàn tỉnh vừa xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Theo đó, qua kết quả xét nghiệm mẫu lợn của Cục Thú y vùng 7 xác định, hộ ông Phạm Văn Mười (ấp B1, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) dương tính với vi rút gây bệnh DTLCP. 

Tổng đàn lợn nuôi là 7 con lợn nái, có triệu chứng bệnh như tiêu chảy, bỏ ăn… gia đình đã báo cho cơ quan chức năng. Đến ngày 31-5, số lợn mắc bệnh này đã được tiêu hủy theo quy định. Đồng thời, lấy mẫu gửi xét nghiệm cho kết quả dương tính với DTLCP. 

Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, kiểm tra công tác giết mổ lợn trên địa bàn, nhằm ứng phó với DTLCP. 

“Hiện, cơ quan chức năng đang tiến hành dập dịch tại chỗ không để dịch phát tán, lây lan diện rộng. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã gửi mẫu lợn ở xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) đi xét nghiệm, do có nghi vấn giống với bệnh DTLCP và đang chờ kết quả”, ông Thông cho hay. 

Liên quan đến vấn đề trên, những ngày qua, cùng với các địa phương lân cận, như Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang… Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh Bạc Liêu tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng, chống DTLCP. 

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi, không được vận chuyển cũng buôn bán lợn bị bệnh, khi phát hiện dịch bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương biết để có biện pháp xử lý kịp thời đúng theo quy định. 

Cơ quan chức năng tiêu hủy lợn bị bệnh DTLCP. 

Song song đó, ngành Thú y đã triển khai thực hiện các giải pháp khoanh vùng, khống chế dịch bệnh; tăng cường công tác tuần tra, giám sát, lập các chốt ngăn chặn, kiểm soát khâu vận chuyển, nhập lợn vào địa bàn; đồng thời tiến hành sát trùng khu vực xung quanh ổ dịch… 

Tuy nhiên, nguyên nhân phát sinh, lây lan, xuất hiện ổ DTLCP trên chưa được xác định, có nhiều khả năng lây từ mầm bệnh lợn ngoài tỉnh. 

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng chỉ đạo các lực lượng liên ngành phải phối hợp kiểm soát chặt chẽ, lập chốt và trực 24/24h trên cả đường bộ, đường thủy để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh trên địa bàn.

Tại Tiền Giang:

Chiều 1-6, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng chủ trì cuộc họp, triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi. Tiền Giang là tỉnh thứ 9 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phát hiện dịch tả lợn Châu Phi.

Ngày 30-5, hộ nuôi tại xã Long Khánh (thị xã Cai Lậy) phát hiện lợn nuôi có dấu hiệu của bệnh dịch tả đã báo ngành thú y. Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu xét nghiệm, có 3/5 mẫu dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi. 

Trong ngày 1-6, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu huỷ đàn nuôi nhiễm bệnh. Các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đang tập trung dập dịch, phòng chống lây lan sang các địa phương khác. 

Lực lượng chức năng phun thuốc tiêu trùng, khử độc phương tiện vận chuyển gia súc qua địa bàn tỉnh Tiền Giang. 

Tiền Giang là tỉnh thứ 9 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phát hiện dịch tả lợn Châu Phi, sau Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre và Long An chưa phát hiện dịch tả và đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng ngừa. Hai tỉnh vùng Đông Nam bộ là Đồng Nai và Bình Phước cũng đã phát hiện dịch tả.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng yêu cầu huyện Tân Phước thành lập chốt kiểm dịch trên tuyến đường tỉnh 867, huyện Cái Bè thành lập chốt kiểm dịch trên tuyến quốc lộ 30. 

Tiền Giang đã thành lập 5 chốt kiểm dịch trên tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch tả. Lãnh đạo tỉnh thống nhất đề xuất kết hợp kiểm tra tình hình vận chuyển heo tại các trạm tuần tra kiểm soát của Cảnh sát đường thủy trên địa bàn Tiền Giang. 

Theo Sở NN&PTNT, Tiền Giang có khoảng 35.000 hộ chăn nuôi heo với hơn 560.000 con, trong đó, chăn nuôi hộ gia đình chiếm hơn 99%.

Đức Văn - Văn Vĩnh
.
.
.