Nhiều nơi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

Thứ Năm, 30/05/2019, 18:30
Chiều 30-5, ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Cà Mau xác nhận, trên địa bàn tỉnh vừa xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Theo đó lúc 14h cùng ngày, Cục Thú y vùng 7 có thông báo kết quả mẫu lợn của hộ ông Nguyễn Hoàng Trung (ấp Ba Tiệm, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân) và hộ ông Triệu Quang Phúc (ấp Đường Kéo, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) dương tính với vi rút gây bệnh DTLCP. 

Vậy là Cà Mau là tỉnh thứ 8 khu vực ĐBSCL có DTLCP. Ổ dịch thứ nhất xảy ra trên đàn lợn của ông Nguyễn Hoàng Trung. Trước đó ngày 27-5, cơ quan chúc năng xã Phú Mỹ nhận được tin báo lợn nuôi của hộ ông Trung bị bệnh. Tổng đàn lợn nuôi của hộ ông này là 19 con, trong đó có 4 con lợn nái, 3 con lợn thịt 3 tháng tuổi và 12 lợn con với trọng lượng 819kg. 

Lợn bị DTLCP được các cơ quan chức năng tiêu hủy. 

Tất cả số lợn này đều có triệu chứng bệnh với các triệu chứng tiêu chảy, bỏ ăn... Đến ngày 29-5, số lợn mắc bệnh này được tiêu hủy theo quy định. Đồng thời lấy mẫu gửi xét nghiệm, tiêu độc khử trùng trong vòng bán kính 3 km. 

Ổ dịch thứ 2 xảy ra trên đàn lợn nuôi hộ của ông Triệu Quang Phúc. Tổng đàn lợn của gia đình ông Phúc là 6 con, trong đó có 4 con lợn nái đang mang thai, nhưng có 3 con lợn nái chết đã chết trước đó, thời gian phát bệnh đến chết là 2 ngày. Khi phát bệnh, chủ nuôi có tiêm kháng sinh điều trị nhưng khi tiêm xong khoảng 10 giờ sau thì lợn chết. Số còn lại được cơ quan chức năng tiêu hủy vào ngày 30-5. 

Hiện các lực lượng tỉnh Cà Mau cùng với lực lượng huyện, xã các địa phương trên đang tích cực tiến hành dập dịch tại chỗ. Tăng cường mọi biện pháp kiểm soát, ngăn chặn DTLCP xâm nhập vào địa bàn trên đường bộ, đường thủy và cả đường biển 24/24.  

Theo thống kê, hiện tỉnh Cà Mau có khoảng 75.000 con lợn. Với số lượng này thì không đủ cung cấp cho người tiêu dùng và phải nhập thêm khoảng 60%. Toàn tỉnh chỉ có 10 trang trại, còn lại là nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đối với DTLCP, hiện chưa có vắc xin, nên chủ yếu phải thực hiện các giải pháp an toàn sinh học là chính. Trong khi ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì thực hiện an toàn sinh học rất khó. 

Tờ rơi tuyên truyền phòng chống DTLCP trên địa bàn một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Tỉnh Cà Mau triển khai nhiều giải pháp cấp bách phòng, chống DTLC, như: Không cho các tổ chức, cá nhân vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, có nguồn gốc từ tỉnh có dịch bệnh vào địa bàn Cà Mau; tất cả các phương tiện (xe tải, xe ô tô, xe gắn máy, xe đạp và xe thô sơ) có và không có vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn đều phải di chuyển qua hố tiêu độc, sát trùng đã được bố trí tại các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh… 

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi, cơ sở kinh doanh mua bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn phải thực hiện nghiêm các thông báo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường phòng, chống bệnh dịch. 

Việc giết mổ lợn phải được thực hiện tại các cơ sở giết mổ đã được cấp phép theo quy định, bảo đảm vệ sinh thú y; cơ sở giết mổ phải thực hiện đầy đủ việc vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc sau khi giết mổ…

Bên cạnh đó, Sở TT&TT tỉnh Cà Mau cũng có công văn đề nghị các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thực hiện nhắn tin về phòng, chống DTLCP đến tất cả các thuê bao di động. Đồng thời, trong tin nhắn cung cấp số điện thoại của ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Cà Mau để người dân liên hệ.

Tại Kiên Giang:

Ngày 30-5, ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng quản lý dịch bệnh, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết; Kiên Giang đã xuất hiện 13 ổ dịch, đã tiêu hủy 210 con heo bị bệnh. Hiện nay 2 huyện đảo là Phú Quốc và Kiên Hải vẫn chưa phát hiện có dịch.

Trong tổng số 13 ổ dịch tả heo châu Phi gồm: xã Tân Hiệp B, Thạnh Đông A, thị trấn Tân Hiệp (huyện Tân Hiệp); xã Phong Đông (huyện Vĩnh Thuận); thị trấn Hòn Đất (huyện Hòn Đất); thị trấn Giồng Riềng (huyện Giồng Riềng); phường An Hòa (thành phố Rạch Giá). Tổng đàn 852 con, mắc bệnh 89 con, trong đó 19 con đã chết; đã xử lý tiêu hủy 210 con, tổng trọng lượng 16.282kg.

Phát hiện heo bị bệnh nhiều ở huyện Tân Hiệp.

Ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở xã Tân Hiệp B, đến nay ổ dịch phát hiện nhiều vẫn nằm trên địa bàn huyện Tân Hiệp. Ngành chức năng nhân định tình hình dịch bệnh heo đang diễn biến phức tạp, có khả năng lây lan cho đàn heo của các xã lân cận. Chi cục Chăn nuôi và thú y chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Hiệp tập trung nhân lực kiểm tra theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Tỉnh đã cấp phát 16 lít Benkocid và 625 kg vôi bột cho các địa phương có ổ dịch. Hiện nay 8 chốt kiểm dịch được thành lập hoạt động 24/24 để kiểm soát chặt chẽ vận chuyển heo.

Trước đó tỉnh Kiên Giang đã tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch.

Tại Đắk Lắk:

Chiều 30-5, ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa xuất hiện một ổ dịch tả lợn châu Phi tại thôn 11, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột.

Theo cơ quan chức năng, trước đó vào ngày 28-5, đàn lợn của hộ gia đình ông Lê Văn Bán (trú tại thôn 11, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột) có dấu hiệu bỏ ăn, nôn ói. “Nhận được thông báo của hộ gia đình ông Bán, Chi cục chăn nuôi thú y Đắk Lắk đã cử cán bộ xuống gia đình lấy mẫu bệnh phẩm lợn bị ốm gửi kiểm nghiệm tại Cục thú y vùng V và VI. 

Chiều 30-5, kết quả trả lời của Chi cục thú y vùng V và VI các mẫu bệnh phẩm lợn gia đình ông Bán gửi xét nghiệm dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi”, ông Vũ thông tin.

Cũng theo ông Vũ, chiều 30-5, đoàn công tác của Chi cục chăn nuôi thú y (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) tỉnh Đắk Lắk; Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Đoàn Ngọc Thượng đã xuống địa phương chỉ đạo công tác dập dịch. Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn 33 con của gia đình ông Lê Văn Bán, trong đó có 4 con đã chết, với trọng lượng trên 2.640kg.

Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đắk Lắk cũng xuất cấp cho xã Hòa Phú 36 lít hóa chất, 1 tấn vôi bột để thực hiện các biện pháp phun tiêu độc, khử trùng, khu vực chăn nuôi, môi trường thôn 11. Đồng thời, cắt cử các bộ tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn trên địa bàn xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột; triển khai các giải pháp quyết liệt khoanh vùng, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan trên diện rộng.
Các cơ quan chức năng tiến hành tiêu huỷ đàn lợn gia đình ông Bán vào chiều 30-5

Như vậy, sau Gia Lai và Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk là địa phương thứ 3 ở Tây Nguyên xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi.

Tại Đồng Nai:

Ngày 30-5 Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết có thêm 4 xã, thị trấn xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại Đồng Nai gồm xã Thiện Tân và Thị trấn Vĩnh An thuộc huyện Vĩnh Cửu; xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom và xã Long Đức, huyện Long Thành...

Với 4 ổ dịch mới, hiện Đồng nai đã có tổng cộng 11 xã, thị trấn phát hiện dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày. Sau khi phát hiện các ổ dịch mới, chính quyền các địa phương và ngành chức năng đã nhanh chóng tiêu hủy số lợn trên theo quy định. 

Đồng thời tổ chức phun xịt hóa chất khử trùng và tuyên truyền hướng dẫn người dân phòng chống dịch để tránh việc lây lan. Để tránh lây lan mầm bệnh, đến nay Đồng Nai đã có trên 4 ngàn con lợn bị tiêu hủy tại các địa bàn xuất hiện dịch.

Đồng Nai đang quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 30-5, UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cũng đã hoàn tất chi trả số tiền hỗ trợ 1,2 tỷ đồng cho hai hộ dân có lợn bị tiêu hủy do dương tính với dịch tả lợn châu Phi.Theo đó, hộ ông Nguyễn Xuân Khá, ở xã Bình Minh có 417 con lợn bị tiêu hủy được hỗ trợ 700 triệu đồng và hộ ông Nguyễn Văn Đằng, xã Đồi 61 có 246 con lợn bị tiêu hủy được hỗ trợ 500 triệu đồng. 


Văn Đức - Văn Thành -- Ngọc Sơn
.
.
.