Phải xử lý nghiêm việc giết mổ gia súc trái phép

Thứ Bảy, 01/06/2019, 08:20
Mặc dù là địa phương chưa có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 31-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hồ Chí Minh đã có cuộc họp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, để lắng nghe những khó khăn, cùng nhau tháo gỡ, đồng thời triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP trên địa bàn, theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh.


Các biện pháp ứng phó khẩn cấp

Tính đến ngày 30-5, bệnh DTLCP đã và đang xảy ra tại 46 tỉnh, thành, với tổng số lợn bị nhiễm bệnh và tiêu hủy là 1,85 triệu con, phần lớn ở các tỉnh phía Bắc. Ở phía Nam, nhiều địa phương cũng đã phát hiện có bệnh, đặc biệt trong đó một số tỉnh nằm sát TP Hồ Chí Minh, cung cấp thịt lợn cho TP Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện “dính” bệnh DTLCP như: Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương... nên việc TP Hồ Chí Minh triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp với DTLCP trên địa bàn là hết sức cấp thiết.

Theo Chi Cục chăn nuôi và Thú y TP TP Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn TP có 3.917 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn 274.154 con. Trong đó, 274 hộ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn, có nguy cơ cao đối với bệnh DTLCP.

Cần kiểm soát chặt nguồn cung cấp lợn tại các cơ sở giết mổ gia súc.

TP Hồ Chí Minh hiện có 11 cơ sở giết mổ lợn với số lượng giết mổ bình quân là 6.500 - 7.000 con/ngày. Trong đó, nguồn lợn nhập vào TP Hồ Chí Minh để giết mổ chủ yếu từ Đồng Nai (47,27%), Bình Dương (17,88%), Bình Phước (7,29%), Bà Rịa -Vũng Tàu (10,95%), Vĩnh Long (0,42%)…

Ngoài ra, các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai còn cung cấp thịt lợn về TP Hồ Chi Minh tiêu thụ với số lượng khoảng 2.300 - 2.500 con.

Để kiểm soát, quản lý dịch bệnh, đại diện Chi Cục chăn nuôi và Thú y  TP Hồ Chí Minh cho biết: Khi phát hiện tỉnh Đồng Nai xảy ra bệnh DTLCP thì ngay sau đó, TP Hồ Chí Minh đã lập 5 chốt kiểm dịch tạm thời tại các “cửa ngõ” ra vào TP như: Tại cầu Phú Cường, cầu Bến Súc (huyện Củ Chi), cầu Phú Long (quận 12) là những khu vực giáp ranh tỉnh Bình Dương; Tại cầu Tân Thái (giáp ranh tỉnh Long An), khu vực Chùa Đồng (huyện Củ Chi) giáp ranh tỉnh Tây Ninh. Song song, 3 Đoàn kiểm tra liên ngành TP đã tăng tần suất hoạt động 24/24 giờ để giám sát nguồn và sản phẩm thịt lợn tuồn vào TP.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng cũng đã lấy mẫu giám sát dịch bệnh DTLCP tại các cơ sở chăn nuôi, các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, chợ đầu mối, để tầm soát dịch bệnh. Tại các quận, huyện, thực hiện nghiêm ngặt việc rà soát, kiểm tra và xử lý dứt điểm, để không tái diễn tình trạng giết mổ gia súc trái phép, vì đây là nguy cơ làm nhiễm bệnh DTLCP.

Đối với các trang trại, hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ trên địa bàn TP, các cơ quan, ban, ngành cũng đã hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể, cấp phát hóa chất khử trùng, vôi bột cho các hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa, hướng dẫn các biện pháp xử lý như thức ăn phải được nấu sôi ít nhất 30 phút và sát trùng thùng chứa, phương tiện vận chuyển thức ăn; Không sử dụng nguồn nước trên kênh rạch để nuôi, tắm, rửa chuồng, cho lợn uống, nhằm giảm thiểu nguy cơ tồn tại và xâm nhập mầm bệnh trong môi trường.

Thường xuyên rải vôi, phun thuốc, sát trùng xung quanh chuồng trại; Đã cấp phát 2.000 ủng nhựa cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và 4.000 bảng cảnh báo gắn trước cổng của các hộ chăn nuôi với nội dung “yêu cầu người đến mua lợn, liên hệ công việc phải mang bảo hộ, sát trùng phương tiện trước khi vào”.

Để ứng phó với tình huống nếu DTLCP xảy ra, đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường cũng cho biết, nếu dịch bệnh xảy ra với số lượng lợn nhỏ lẻ thì chôn lấp tại khu vực đó để tránh tình trạng vận chuyển sẽ lan truyền dịch. Còn nếu dịch bệnh xảy ra quy mô lớn, Sở cũng đã làm việc với công ty môi trường đô thị và cũng đã có kế hoạch cho việc xử lý lợn với quy mô trên 1.000 con.

Những khó khăn cần giải quyết

Nói về những khó khăn trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, ông Nguyễn Thành Thông, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Củ Chi cho biết, Củ Chi có rất nhiều “cửa ngõ” giáp với các địa phương khác, trong khi lực lượng kiểm tra lại mỏng.

Cụ thể, với 2 chốt cố định là chốt ở cầu Phú Cường và cầu Bến Súc (giáp tỉnh Bình Dương), phải trực 24/24 giờ. Còn một số chốt lưu động như ở cầu Thầy Cai, trực 2-5 giờ sáng, chốt ở cầu Tân Thái, trực 14-21 giờ. Đó là chưa kể ở một số xã có đường sông thông với Bình Dương.

Các cơ quan chức năng tiến hành tiêu huỷ đàn lợn bị dịch tại  Đắk Lắk vào chiều 30-5.

Do nhân lực mỏng mà các chốt chặn nhiều, nên các xã có đường sông giáp Bình Dương giao cho xã quản lý, nếu kiểm tra phát hiện việc vận chuyển trái phép thì báo cơ quan chức năng huyện xuống hỗ trợ. Ngoài việc chốt chặn các “cửa ngõ” không cho thịt lợn có dấu hiện mắc bệnh vào TP, Củ Chi cũng là huyện có đàn lợn rất lớn của TP gồm 2.479 hộ nuôi với tổng đàn 148.877 con.

Vì vậy việc kiểm tra, kiểm soát các hộ chăn nuôi cũng hết sức khó khăn. “Với những DN thu mua thịt lợn của người dân, chúng tôi muốn Sở NN&PTNT cung cấp thông tin rõ ràng đó là DN nào, địa chỉ cụ thể, chứ nói chung chung khi người chăn nuôi hỏi, chúng tôi không biết đó là DN nào để trả lời với họ”, ông Thông nói.

Đại diện UBND quận 2 cũng bức xúc: “Điểm nóng” ở quận 2 đó là khu vực ở phà Cát Lái. Ngày nào, các lực lượng cũng thay nhau túc trực ở khu vực này nhưng bên kia bến phà là huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai, những người vận chuyển thịt lợn tập trung ở đó rất đông, họ canh cứ mình vắng thì ùa sang. Đôi khi họ cũng rất manh động, khi mình bắt được họ tuồn thịt vào thì lập tức gọi điện về bên kia để báo. Vì vậy, rất mong Sở NN&PTNT làm việc với tỉnh Đồng Nai để gỡ vướng về vấn đề này.

Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết sẽ nhanh chóng giải quyết những khó khăn của các quận, huyện, mục đích là để việc phòng ngừa, ứng phó một cách tốt nhất.

Ông Trung nhận định: “Bệnh DTLCP vẫn đang diễn biến rất nghiêm trọng, chưa có dấu hiệu dịch bệnh được kiểm soát một cách triệt để. Do đó, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục có chiều hướng lây lan nhanh, vì vậy việc phòng chống bệnh DTLCP là việc cấp bách và quan trọng nhất hiện nay.

Có 12 tỉnh cung cấp nguồn thịt lợn vào TP Hồ Chí Minh, trong đó có một số địa phương xuất hiện bệnh DTLCP, do đó phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn lợn nhập để tránh bệnh xâm nhập vào TP”.

Đại diện Sở NN&PTNT cũng chỉ đạo các quận, huyện tăng cường hơn nữa việc kiểm tra giết mổ trái phép trên địa bàn, vì hiện nay tình trạng giết mổ trái phép vẫn chưa xử lý dứt điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh do nguồn lợn mổ không nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, cung cấp trực tiếp cho các khu công nghiệp, chợ truyền thống, chợ tự phát.

 Xuất hiện thêm những ổ dịch mới

Chiều 30-5, ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa xuất hiện một ổ DTLCP tại thôn 11, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột. Theo cơ quan chức năng, trước đó vào ngày 28-5, đàn lợn của hộ gia đình ông Lê Văn Bán (trú tại thôn 11, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột) có dấu hiệu bỏ ăn, nôn ói.

“Nhận được thông báo của hộ gia đình ông Bán, Chi cục Chăn nuôi thú y Đắk Lắk đã cử cán bộ xuống gia đình lấy mẫu bệnh phẩm lợn bị ốm gửi kiểm nghiệm tại Cục Thú y vùng V và VI. Chiều 30-5, kết quả trả lời của Chi cục Thú y vùng V và VI các mẫu bệnh phẩm lợn gia đình ông Bán gửi xét nghiệm dương tính với virus DTLCP”, ông Vũ thông tin.

Cũng theo ông Vũ, chiều 30-5, đoàn công tác của Chi cục Chăn nuôi thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Đắk Lắk; Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, Đoàn Ngọc Thượng đã xuống địa phương chỉ đạo công tác dập dịch. Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy đàn lợn 33 con của gia đình ông Lê Văn Bán, trong đó có 4 con đã chết, với trọng lượng trên 2.640kg.

Như vậy, sau Gia Lai và Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk là địa phương thứ 3 ở Tây Nguyên xuất hiện ổ DTLCP.

* Cũng trong chiều 30-5, ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Cà Mau xác nhận, trên địa bàn tỉnh vừa phát hiện 2 ổ DTLCP.

Theo thống kê, hiện tỉnh Cà Mau có khoảng 75.000 con lợn. Với số lượng này thì không đủ cung cấp cho người tiêu dùng và phải nhập thêm khoảng 60%.

Toàn tỉnh chỉ có 10 trang trại, còn lại là nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đối với DTLCP, hiện chưa có vaccine, nên chủ yếu phải thực hiện các giải pháp an toàn sinh học là chính. Trong khi ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì thực hiện an toàn sinh học rất khó. Tỉnh Cà Mau triển khai nhiều giải pháp cấp bách phòng, chống DTLCP.

* Ngày 30-5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã xác nhận địa phương này có thêm 4 xã, thị trấn xuất hiện ổ DTLCP. Các địa bàn xuất hiện ổ dịch gồm xã Thiện Tân và thị trấn Vĩnh An thuộc huyện Vĩnh Cửu; xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom và xã Long Đức, huyện Long Thành.

Với 4 ổ dịch mới xuất hiện, tổng cộng Đồng Nai đã có 11 xã, thị trấn phát hiện DTLCP chưa qua 30 ngày. Sau khi phát hiện các ổ dịch mới, chính quyền các địa phương và ngành chức năng của Đồng Nai đã nhanh chóng tiêu hủy số lợn trên. Cùng lúc, các địa phương cũng tổ chức phun hóa chất khử trùng và tuyên truyền hướng dẫn người dân phòng chống dịch để tránh việc lây lan.

Liên quan đến việc hỗ trợ số lợn nhiễm dịch trên địa bàn, ngày 30-5 UBND huyện Trảng Bom cũng đã hoàn tất việc chi trả số tiền hỗ trợ 1,2 tỷ đồng cho 2 hộ dân có lợn bị tiêu hủy do dương tính với DTLCP. Theo đó, hộ ông Nguyễn Xuân Khá, ở xã Bình Minh có 417 con lợn bị tiêu hủy được hỗ trợ 700 triệu đồng và hộ ông Nguyễn Văn Đằng, xã Đồi 61 có 246 con lợn bị tiêu hủy được nhận hỗ trợ 500 triệu đồng.

Hà Nội đã chi khoảng 200 tỷ đồng phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 15.528 hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố, ở 1.820 thôn, tổ dân phố thuộc 425 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và phải tiêu hủy 249.878 con lợn (chiếm 13,3% tổng đàn lợn).

Một số địa phương phải tiêu hủy số lượng lợn mắc bệnh lớn như: Sóc Sơn (51.028 con, chiếm 41,7% tổng đàn); Đông Anh (27.806 con, chiếm 35% tổng đàn); Quốc Oai (20.183 con, chiếm 31,5% tổng đàn); Phú Xuyên (14.749 con, chiếm 21,7% tổng đàn)...

Từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng đã triển khai 4 đợt tiêu độc, khử trùng đại trà trên địa bàn toàn thành phố, với tổng số hóa chất đã cấp, sử dụng là 187 tấn. Ngoài ra, ngân sách thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 148 tấn hóa chất, 4.500 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc tại ổ dịch và nơi có nguy cơ cao.

Tổng ước tính thiệt hại cho người chăn nuôi đến nay trên địa bàn thành phố là khoảng 470 tỷ đồng (ước theo giá thị trường 30.500 đồng/kg lợn hơi).

Theo thống kê nhanh, hiện số hộ được chi trả hỗ trợ thiệt hại đạt khoảng 32,5%. Tổng kinh phí ước tính đã chi hỗ trợ và chi các hoạt động phòng, chống dịch khoảng 200 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ cho người chăn nuôi chiếm 70%). Việc chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do giá cả biến động, số lượng hộ nhiều… (Nhật Uyên)


Văn Thành - Văn Đức - Thúy Hà - Bảo Sơn
.
.
.