Xe khách lách luật hoành hành ở trung tâm TP Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 14/03/2017, 09:10
Tại các quận nội thành TP HCM hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng xe ôtô theo tuyến cố định lách luật dưới hình thức “open tour”, hợp đồng du lịch và xe khách chạy sai hành trình vẫn ngang nhiên lộng hành gây bức xúc dư luận.

Kỳ 1: Bến xe chính thống bị “giật” mất tuyến

Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã nhiều năm và nhiều lần hạ quyết tâm triệt xóa xe “dù”, bến “cóc”; xe hợp đồng lách luật chuyên chạy tuyến cố định và xe tuyến cố định chạy sai hành trình ngang nhiên vào trung tâm đón trả khách.

Nhưng đến nay trên địa bàn thành phố, nhất là khu vực trung tâm như quận 1, quận 5, quận 10 và các quận ven là Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức… hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng xe ôtô theo tuyến cố định lách luật dưới hình thức “open tour”, hợp đồng du lịch và xe khách chạy sai hành trình vẫn ngang nhiên lộng hành gây bức xúc dư luận.

Thế nhưng đến thời điểm này, dù đã huy động nhiều cấp, ngành cùng đồng loạt vào cuộc, thành phố vẫn chưa tìm ra hướng xử lý triệt để với những loại xe đang lộng hành ngoài các bến xe chính thống này.

Mất hẳn tuyến vì xe ngoài bến

Theo khảo sát của Bến xe Miền Đông (BXMĐ), hiện mỗi ngày ít nhất cũng có trên 10.000 hành khách không vào các bến xe chính thống đang được xe hợp đồng lách luật, xe “dù” vận chuyển trên các tuyến cố định từ TP Hồ Chí Minh ra Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế, Nghệ An, Phú Thọ…

Ngoài ra, góp phần gây ra tình trạng hỗn loạn trong trật tự vận tải khách trên địa bàn thành phố còn có nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải chạy tuyến cố định trong bến xe nhưng cố tình chạy sai hành trình đăng ký, ngang nhiên vào khu vực trung tâm để đón, trả khách hoặc đón khách tại các địa điểm tập kết ở bãi đậu xe tự phát. Các nhà xe đua nhau bỏ bến vào trung tâm gom khách, không chỉ khiến số lượng đầu xe hoạt động trong bến xe chính thống giảm nghiêm trọng; mà còn khiến các bến xe khách liên tỉnh tại thành phố bị các loại xe hợp đồng lách luật, xe trá hình không vào bến giật mất nhiều tuyến.

Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Giám đốc BXMĐ cho hay, gần đây tại bến xe lớn nhất cả nước này đã bị các loại xe lộng hành ngoài bến giật mất  nhiều tuyến liên tỉnh trọng điểm, vốn rất đông khách trước kia.

Chẳng hạn tuyến từ TP Hồ Chí Minh đi Quảng Nam, trước đây mỗi ngày có gần 20 tài xuất bến, nay mất hẳn; tuyến BXMĐ đi Vinh trước kia mỗi ngày cũng có tới 15 chuyến, nay ngày chạy, ngày không. Từ BXMĐ đi Lâm Đồng, các tuyến về huyện Di Linh, Lâm Hà tại BXMĐ cũng đã mất hẳn, tuyến về huyện Đức Trọng còn lác đác một vài chuyến mỗi ngày…

Ngay cả dịp cao điểm Tết vừa qua, từ BXMĐ lượng khách đi các tuyến nóng khu vực miền Trung cũng đã giảm đến 10%; khách từ BXMĐ về khu vực phía Bắc giảm 30% trong khi đó, tổng lượng khách phục vụ của bến này vẫn tăng khoảng 5%.

Xảy ra  nghịch lý này là do hãng xe Phương Trang đã đưa những đầu xe chạy các tuyến Tây Nguyên vào bến hoạt động. Từ việc DN này đưa một phần xe vào bến, tuyến BXMĐ đi Đà Lạt vốn trước kia gần như mất hẳn nay cũng đã tăng lại được 10 tài mỗi ngày.

Để bảo vệ các DN vận tải, nhà xe trong bến trước sức ép của các loại xe trá hình ngoài bến, cuối năm 2016 vừa qua BXMĐ đã phải tiếp tục tự tổ chức lực lượng đi theo dõi, khảo sát về tình trạng xe hợp đồng trá hình, xe không vào bến trên địa bàn.

Qua đợt khảo sát này, BXMĐ cũng đã kịp chỉ rõ thương hiệu xe, địa chỉ bến “cóc” và tuyến hoạt động của 92 nhà xe, DN vận tải đang hoành hành trong khu vực nội thành.

Kết quả rà soát của đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố thực hiện vào đầu năm nay, trên địa bàn hiện còn 86 địa điểm có hoạt động đón trả khách được cấp đăng ký kinh doanh, cấp phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện từ Sở Kế hoạch - Đầu tư, UBND các quận, huyện và được cấp phép kinh doanh vận tải từ Sở GTVT thành phố hoặc các tỉnh, thành khác.

Theo phản ánh của ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc BXMĐ, hãng xe Phương Trang thường trung chuyển hành khách đến các trạm dừng xe buýt để tổ chức lên, xuống khách. Ngoài ra, xe của doanh nghiệp này thường xuyên chạy sai hành trình; cho xe chạy các tuyến cố định từ bến xe Miền Tây đi Nha Trang, Lâm Đồng, Vũng Tàu chạy vào đường Ngô Tất Tố, Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh để tổ chức lên xuống khách tại khu vực ngã tư Hàng Xanh.

Xe của các DN Hoa Mai, Toàn Thắng, Thiên Phú thực hiện trung chuyển khách bằng xe 7 chỗ từ trụ sở, văn phòng đại diện ở trung tâm ra nơi tập kết, bãi đỗ xe trên đường Võ Văn Kiệt, đường Mai Chí Thọ để đón, trả khách chứ không chịu vào bến. Xe của DN Tuấn Tú hoạt động tuyến An Sương - Quảng Ngãi nhưng thường xuyên tổ chức đón, trả khách tại số 590 Bình Long, quận Tân Phú.

Xe hợp đồng nằm trà trộn trong khu vực nội thành.

Bến cóc mọc lên như nấm

Lâu nay trên đường Kinh Dương Vương đoạn trước cổng Bến xe Miền Tây; rồi các tuyến đường Trần Nhân Tôn, đường An Dương Vương, đường Phó Cơ Điều ở quận 5; Tuyến quốc lộ 13, quốc lộ 1A ở quận Thủ Đức; ngã tư An Sương ở quận 12; đường Thoại Ngọc Hầu, khu vực chợ Tân Hương ở quận Tân Phú; đường Lê Lai ở quận 1, hay trong khu dân cư Bàu Cát thuộc quận Tân Bình và tại khu vực cầu vượt Sóng Thần trên địa bàn Bình Dương… xe khách chạy sai hành trình, xe hợp đồng lách luật và xe ngoài bến vẫn nhan nhản.

Chạy tuyến Đà Nẵng có nhà xe Đình Nhân, nhà xe Xuân Tùng; các nhà xe Ba Nga, Trần Hòa chạy tuyến Quảng Nam; nhà xe A Tỷ, nhà xe Hoàng Huy và một số nhà xe khác chạy tuyến Quảng Ngãi...

Ở địa bàn quận Tân Bình trên các tuyến đường Lý Thường Kiệt còn có nhà xe Năm Thùy, nhà xe Dung Nghĩa trên đường Hoàng Văn Thụ hay nhà xe Thanh Khuê trên đường Phạm Văn Hai chạy tuyến Buôn Ma Thuột... Trong khu công nghiệp Tân Bình hiện cũng đang có rất nhiều điểm đón trả khách đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc, xe thường đậu trà trộn trong các khu dân cư, chung cư để tiện việc lên xuống khách và hàng hóa.

Hậu thuẫn để các DN vận tải khách, nhà xe trà trộn vào hoành hành trong khu vực nội thành TP Hồ Chí Minh còn phải kể đến các bến “cóc” núp bóng dưới hình thức bãi trông giữ xe ôtô.

Nếu như bãi xe số 01 ở khu vực cư xá Bắc Hải, quận 10 đã dám bố trí cả văn phòng, ki ốt cho các nhà xe hợp đồng trưng bảng hiệu, quảng cáo chạy tuyến cố định, thì 2 bến “cóc” tồn tại ở địa chỉ 391 và 397 trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh với sức chứa trên dưới 100 xe khách còn ngang nhiên lấn át, vây ép trước mặt BXMĐ từ nhiều năm qua, dù đã liên tục bị giới vận tải khách trong BXMĐ và dư luận lên tiếng phản ứng.

Gần đây, khi xác định trách nhiệm chính trong việc dẹp bến “cóc”, xe “dù” thuộc về mình, quận Bình Thạnh đã huy động lực lượng liên ngành ra chốt chặn, ngăn xe ra vào các bến “cóc” này. Song cũng chỉ là làm cho có, làm để đối phó với dư luận khi ai cũng biết rằng xe chỉ ra vào các bến “cóc” trong đêm, còn lực lượng có trách nhiệm chỉ chặn ở cổng bến “cóc” vào ban ngày.      

Xe hợp đồng, xe tuyến cố định chạy sai hành trình ngang nhiên chạy vào nội thành không chỉ làm tăng mật độ giao thông trong khu vực nội đô thành phố mà còn đang góp phần không ít trong việc gây ùn tắc trong khu vực này. 

Đồng thời các loại xe này còn trực tiếp tranh giành khách, phá vỡ quy hoạch của xe buýt vốn đang gặp khó khăn, cần được phát triển mạnh hơn để có thể đảm nhận thêm vai trò gom khách cho tuyến Metro số 1 sắp đi vào hoạt động và một số loại hình vận chuyển khối lượng lớn khác trong tương lai gần như BRT và Tramway hoặc Monorail…

Bảo Sơn
.
.
.