TP Hồ Chí Minh: Bến cóc, xe dù "đón lõng" khách liên tỉnh

Thứ Bảy, 24/03/2007, 20:45

Tuyến TP Hồ Chí Minh - Đà Lạt thì nổi tiếng với dàn xe T.B. khoảng 40 chiếc; tuyến TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng thì có xe của B.N. hoặc C.X. trên đường Vườn Lan, quận Tân Bình; về Bạc Liêu thì có những dàn "Mẹc" hàng chục chiếc mới cáu của H.Y., V.M., A.T. đậu và đón khách gần khu vực Đầm Sen…

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 01/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng ôtô, đến nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tình trạng này không những không giảm mà còn đang có chiều hướng gia tăng theo kiểu biến tướng và ngày càng tinh vi.

Từ bến cóc xe dù bất hợp pháp… đến bến cóc xe dù núp bóng!

Theo báo cáo của ngành GTVT, hiện nay trên địa bàn thành phố còn khoảng 25 tụ điểm bến cóc, xe dù, trong đó có 10 điểm có chiều hướng gia tăng, nhất là trong các dịp lễ, Tết. 15 tụ điểm còn lại chỉ mang tính vãng lai, không thường xuyên, thế nhưng qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi, con số này còn cao hơn!

Bởi những điểm đón trả khách của xe dù còn hoạt động ì xèo tại những khu vực như 2 bên chân cầu vượt và phía trước bến xe An Sương, trên đường Kinh Dương Vương gần bến xe Miền Tây, thậm chí là ngay dưới chân cầu Bình Triệu!

Đó đây trên các nẻo đường vào thành phố, nhất là từ các tuyến miền Tây và miền Trung Tây Nguyên, người ta thường bắt gặp những chiếc xe chở khách bon bon trên đường với phù  hiệu "xe hợp đồng" đặt trước kính chắn gió. Tuyến TP Hồ Chí Minh - Đà Lạt thì nổi tiếng với dàn xe T.B. khoảng 40 chiếc; tuyến TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng thì có xe của B.N. hoặc C.X. trên đường Vườn Lan, quận Tân Bình; về Bạc Liêu thì có những dàn "Mẹc" hàng chục chiếc mới cáu của H.Y., V.M., A.T. đậu và đón khách gần khu vực Đầm Sen…

Xe dù đón khách ngay trước Bến xe Tây Ninh.

Dẫu thừa biết rằng đó là xe dù "né" luật thì lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, chốt chặn trên đường hay đội ngũ thanh tra giao thông đi kiểm tra giám sát cũng đành bó tay! Bởi theo quy định chỉ cần có hồ sơ đầy đủ, hợp lệ nộp lên Sở GTVT là trong vòng 5 ngày làm việc, sẽ được cấp phù hiệu xe hợp đồng. Trên đường đi chỉ cần mang theo liên 2 của hợp đồng vận tải hành khách (HK).

Với quy định này thì để lách, chủ xe chỉ cần huy động người thân trong gia đình thành lập thêm một doanh nghiệp (DN) có chức năng du lịch, lữ hành là cứ yên tâm ký hợp đồng và "xách" theo chạy một cách vô tư.

DN vận tải trong bến phải… than trời!

Mỗi ngày chỉ riêng tuyến TP Hồ Chí Minh - Đà Lạt đã mất khoảng 3.000 lượt khách không đi xe bến. Điều này đã khiến hàng chục DN vận tải HK đang kinh doanh tuyến cố định TP Hồ Chí Minh - Đà Lạt lâm vào cảnh lỗ nặng.

Trước nguy cơ phá sản, các DN này đã làm đơn khiếu nại đích danh các đơn vị vận tải hành khách "dạng hợp đồng" nhưng theo tuyến cố định như Thành Bưởi, Phương Trang gửi đi khắp nơi nhưng vẫn không được xử lý, ngay cả khi tại đầu bến của tỉnh Lâm Đồng, đã có văn bản chỉ đạo về việc chấn chỉnh hoạt động của xe chạy dù kinh doanh vận tải HK tuyến cố định Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh do một Phó Chủ tịch tỉnh ký.

Theo kết luận trong các Công văn số 77/CV-TTr; 869/GTVT- TTr của Thanh tra Sở GTVT Lâm Đồng về Công ty Phương Trang; Thành Bưởi thì các DN này "đã vi phạm Quyết định số 09/2005/QĐ-BGTVT ngày 10/1/2005 của Bộ trưởng Bộ GTVT về ban hành quy định vận tải hành khách bằng ôtô theo tuyến cố định và vận tải HK bằng ôtô theo hợp đồng"...

Thế nhưng mọi việc vẫn đâu vào đó, mới đây trên tuyến cố định Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh lại xuất hiện thêm dàn "xe hợp đồng" của HTX Thống Nhất với khoảng 12 xe 40 chỗ!

Những bất hợp lý từ các văn bản pháp quy!

Theo quy định, những năm vừa qua, một DN khi muốn đưa được xe vào bến để vận chuyển hành khách trên một tuyến cố định liên tỉnh thì phải tổ chức hiệp thương với các chủ xe, chủ DN trong bến đang khai thác trên tuyến đó. Trường hợp đa số các chủ xe đồng ý thì không sao, còn khi các chủ xe không đồng ý thì có nghĩa là không được! Như vậy, hiệp thương đã qua mặt và gần như "truất quyền" của đơn vị quản lý bến.

Điều này cũng lý giải tại sao khi Nhà nước đã có chủ trương khuyến khích cho tổ chức, cá nhân được đầu tư mở bến từ lâu nhưng cho đến nay tại một địa phương lớn  như TP Hồ Chí Minh cũng chẳng ai dám làm, cả thành phố vẫn chỉ có những bến xe đã có sẵn từ trước. Lý do ư? Để xây dựng được một bến xe loại 5 theo tiêu chuẩn của Bộ GTVT chí ít cũng phải mất vài chục tỷ đồng. Bỏ ra vài chục tỷ để rồi quyền quyết định cho xe của tổ chức, cá nhân nào được vào bến là quyền của các chủ xe khi hiệp thương thì chẳng có ai dại gì đầu tư vào lĩnh vực này.

Ngay cả khi áp dụng hình thức "hội nghị vận tải" mà mỗi năm chỉ công bố một lần cũng sẽ rất khó cho DN muốn đưa xe vào bến. Từ đây nạn xe dù, bến cóc xuất hiện cũng chẳng có gì phải bàn cãi. Để đưa được xe vào bến thời gian qua đã khó khăn như vậy nhưng vào bến trước tình trạng xe dù, xe hợp đồng tràn lan như hiện nay thì chủ xe sẽ còn khó khăn hơn bởi lượng khách vào bến ngày càng ít! Chưa nói đến tình trạng xe "đò nát" do hiệp thương đã dập tắt sự cạnh tranh phải đầu tư xe mới!

Tình trạng xe dù, xe hợp đồng chạy tuyến liên tỉnh cố định đón khách ngay trong nội thành đã góp phần gây mất trật tự an toàn giao thông và kẹt xe vào những giờ cao điểm. Chưa kể xe dù và hợp đồng núp bóng kinh doanh vận tải lữ hành theo Luật Du lịch đang cạnh tranh không lành mạnh với các DN vận tải trong bến.

Để chấm dứt được tình trạng này, ngành Giao thông vận tải cần sớm bãi bỏ quy định buộc DN phải hiệp thương hoặc tổ chức hội nghị vận tải với các DN đang khai thác trên tuyến trước khi vào bến mà chỉ cần chủ xe có đủ các điều kiện cần thiết theo quy định sẽ được cấp phép vào bến.

Đối với tình trạng "xe hợp đồng" núp bóng du lịch lữ hành chạy tuyến cố định, cần có chế tài quản lý chặt chẽ hơn... Cùng với quy định cấm đón khách lẻ trong nội thành hoặc tại trụ sở DN, vấn nạn xe ngoài bến sẽ được xử lý triệt để!

Đức Thắng
.
.
.