Hiểm họa từ các điểm vận tải khách biến tướng giữa lòng thành phố

Kỳ cuối: Để dẹp xe trá hình và bến xe núp bóng

Thứ Bảy, 12/11/2016, 06:52
Để dẹp các bến xe núp bóng ngang nhiên lộng hành trong khu vực nội đô, thời gian qua, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã cắm một loạt biển cấm dừng, cấm đỗ đối với xe trên 9 chỗ ở nhiều tuyến đường. 


Tại khu vực quận 1, nơi các hãng xe như Thiên Phú, Kumho Samco, Hoa Mai, Toàn Thắng chuyên chở khách, hàng hóa tuyến cố định đi tuyến Vũng Tàu, các biển cấm dừng cấm đỗ đã được đặt tại những tuyến đường có “bến” xe biến tướng của những DN này như đường Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình.

Còn để buộc hãng xe khách Phương Trang chuyên tuyến cố định từ TP Hồ Chí Minh đi Đà Lạt phải thực hiện trung chuyển khách ra bến, biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe cũng đã được cắm trên tuyến đường Phạm Ngũ Lão.

Nhằm tăng cường đảm bảo trật tự ATGT trên các tuyến đường Lê Hồng Phong, Trần Nhân Tôn và Vĩnh Viễn ở quận 10 - nơi có một loạt các bến xe khách biến tướng chuyên chạy tuyến cố định, Sở GTVT thành phố đã tiếp tục cho cắm biển báo cấm ôtô khách trên 25 chỗ lưu thông trên cả 2 chiều, trừ xe buýt trong thời gian từ 6h sáng đến 22h đêm kể từ ngày 29-10 vừa qua.

Vắng khách, các DN vận tải trong bến xe chính thống phải khai thác, vận chuyển hàng hóa để tồn tại.

Ngoài ra, biển cấm dừng, cấm đỗ; biển cấm dừng cấm đỗ đối với xe khách hay biển cấm đỗ xe ngày chẵn lẻ cũng đã được Sở GTVT cho triển khai cắm ở những nơi có hoạt động đón trả khách tại quận 5, quận 10, quận 11, quận 6 và những quận, huyện khác nhằm cắt đường hoạt động của các điểm lên xuống khách biến tướng.

Song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế tạm thời, bởi DN có xe biến tướng nếu không tìm cách đối phó sẽ sẵn sàng rời bỏ tuyến đường bị cấm để tìm thuê địa điểm mới gần đó tiếp tục hoạt động. Thực tế cho thấy, tuy biển báo cấm đã được cắm lâu nay, nhưng kết quả kiểm tra do thanh tra GTVT thực hiện vừa qua vẫn phát hiện một loạt các DN vận tải khách ngang nhiên vi phạm.

Ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho rằng, để ngăn chặn hiệu quả với tình trạng trên, Sở GTVT thành phố chỉ cần quy hoạch hệ thống bãi đỗ xe, điểm cho phép đón trả khách ngoài bến một cách hợp lý dựa theo nhu cầu thực tế đi lại của hành khách tại từng địa điểm.

Khi vấn đề này cũng đã được thực hiện bằng quy định cho phép các hãng vận tải được mở chi nhánh DN, phòng vé trong khu vực nội thành. Nhưng hoạt động của xe khách trá hình, bến xe núp bóng lại càng phức tạp. Vì vậy, vấn đề đặt ra là chế tài thế nào để DN vận tải buộc phải chấp hành việc dùng xe nhỏ vào nội thành trung chuyển khách ra các bến xe liên tỉnh. 

Số liệu được Vụ Vận tải - Bộ GTVT đưa ra gần đây cho thấy, TP Hồ Chí Minh hiện chỉ có khoảng 2.098 xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định. Nhưng lượng xe khách chuyên chạy hợp đồng ít nhất cũng đã đạt tới con số 12.465 xe, cao gấp 6 lần lượng xe khách chạy tuyến cố định.

Hiện TP Hồ Chí Minh chỉ có 866 DN kinh doanh lữ hành trong nước và quốc tế, nhưng số lượng xe đăng ký để được cấp giấy xác nhận ôtô vận chuyển khách du lịch đã lên tới con số 8.950 xe; bình quân, mỗi DN kinh doanh lữ hành có tới hơn 100 đầu xe.

Nói về loại hình xe hợp đồng, ông Lê Hồng Việt cho biết, xe hợp đồng ra đời từ thời điểm xe trên tuyến cố định không đủ để phục vụ hành khách liên tỉnh. Nhu cầu thực tế đã khiến loại hình vận chuyển khách này xuất hiện. Còn nay, xe trên tuyến cộng với lượng xe vận chuyển khách du lịch đã đủ sức đảm trách và đã có chức năng vận chuyển các đoàn  khách có nhu cầu đi lại theo hợp đồng. Nên loại hình xe hợp đồng không cần thiết để cho tồn tại.

Ông Việt khẳng định, chỉ khi bỏ hẳn loại hình xe hợp đồng mới có thể buộc các nhà xe này phải chuyển qua hoạt động theo tuyến cố định trong bến xe chính thống hoặc vận chuyển khách du lịch theo đoàn. Và khi đó mới có thể nói chuyện dẹp hẳn được các loại xe khách trá hình, bến xe núp bóng trên địa bàn thành phố. 

Vận tải hành khách liên quan trực tiếp đến tài sản, tính mạng của nhiều người. Do đó khi kiến nghị giải pháp để buộc DN vận tải khách phải thực hiện quy định trung chuyển khách từ trụ sở ra bến; không đưa xe khách loại lớn vào các tuyến đường đã có bảng cấm, nhiều cơ quan có trách nhiệm đã đề xuất cho thành lập lực lượng kiểm tra, xử lý liên ngành để làm triệt để.

Cùng lúc sẽ huy động cả hệ thống chính trị cơ sở cùng vào cuộc giám sát hoạt động vận tải khách liên tỉnh theo tuyến cố định biến tướng, trá hình trong lúc chờ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để siết chặt hoạt động trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, khi đã được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hoạt động, nhưng vẫn có đến cả trăm DN, trong đó có cả DN uy tín, thương hiệu cố tình vi phạm, bất chấp pháp luật, thì đã cần tính chuyện kiên quyết loại bỏ những DN ý thức chấp hành pháp luật xếp hạng bét này.

Cùng với việc cấm hẳn xe khách liên tỉnh loại lớn chạy xuyên tâm thành phố và chạy vào nội thành, nếu chỉ với vài trăm địa điểm đón trả khách bất chấp vi phạm pháp luật, việc bố trí lực lượng giám sát ngày đêm với camera trong khu vực hỗ trợ để phát hiện sai phạm hẳn sẽ không khó.

Để kiểm soát chặt với xe khách liên tỉnh trá hình, bến xe núp trong các trụ sở DN vận ở nội thành, ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT đề nghị lực lượng CSGT các trạm, chốt cần tăng cường xử phạt với những xe khách chạy vào nội thành căn cứ vào phù hiệu dán trên xe.

Lực lượng Thanh tra GTVT cũng cần được trao quyền được phép dừng xe khách đang lưu thông trong khu vực nội thành để xử lý nếu phát hiện hành vi vi phạm quả tang. Bởi theo ông Việt, không có chức năng này, dù Thanh tra GTVT trong lúc tuần tra có phát hiện xe vừa dừng đón trả khách, truy đuổi đến nơi thì chỉ cần tài xế cho xe chạy rề rà trước mặt trêu ngươi, Thanh tra GTVT cũng chỉ còn biết chạy phía sau “ngửi khói” để giám sát, đẩy đuổi xe vi phạm đi nơi khác.

Bảo Sơn
.
.
.