Tư duy thích ứng sống chung với hạn, mặn

Thứ Bảy, 22/02/2020, 08:17
Hạn mặn đang diễn ra gay gắt ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Một diện tích lớn vùng lúa, rau màu, thủy sản của 7 tỉnh ven biển và các địa phương lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Trước thực tế đáng ngại này, rất cần có các giải pháp thích ứng, phù hợp.


Phá vỡ mối quan hệ tự nhiên sông – biển

Theo nhận định của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, nguyên nhân khiến nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa, hơn đỉnh điểm trận hạn mặn lịch sử năm 2016 không chỉ do thời tiết cực đoan El Nino, mưa ít, đầu nguồn sông Mekong thiếu nước trầm trọng, mà còn do hệ thống các đập thủy điện (ĐTĐ) ở Trung Quốc, Lào tích nước làm cho tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn càng trầm trọng hơn.

Một phần tư thế kỷ qua, một chuỗi ĐTĐ lớn đã được xây dựng ở phía đầu nguồn sông Mekong – Lancang và địa phận thuộc Lào. Các số liệu nghiên cứu thống kê cho biết, ngoài ĐTĐ Tam Hiệp lớn nhất thế giới ở Trung Quốc, có khoảng 40 ĐTĐ trên các phụ lưu Mekong; 50 dự án khác đang tiến hành; 2 con đập trên dòng chính đã hoạt động và sắp có thêm 7 dự án nữa sắp được triển khai. Trong cơn khát năng lượng, vẫn chưa có một đảm bảo chắc chắn nào việc các chuỗi ĐTĐ tiếp theo ở Thái Lan, Campuchia sẽ không tiếp tục triển khai tạo ra các “quả bom nước” treo trên dòng Mekong.

Có bằng chứng cho thấy, chuỗi các ĐTĐ đầu nguồn, dự án chuyển nước dòng chính Mekong tuy không làm mất đi lượng nước, nhưng đã làm trầm trọng hơn chất lượng tài nguyên nước gây tác động tiêu cực vùng hạ lưu do các ĐTĐ xả nước trong mùa lũ, tích nước trong lúc hạn làm thay đổi quy luật điều tiết nước tự nhiên của dòng Mekong theo hướng tiêu cực, khắc nghiệt.

Đặc biệt, chính ĐTĐ là nguyên nhân chính làm giảm lượng phù sa, chặn lối di cư và sinh sản tự nhiên của các loài thủy sản đa dạng của sông Mekong.

Theo các nhà khoa học, Biển Hồ - Trái tim của hệ sinh thái hạ lưu vực Mekong luôn đập theo nhịp lũ ngập, mực nước dâng tăng diện tích nước trên 6,4 lần, thể tích lên đến 80 tỉ mét khối, nhưng gần đây nhịp lũ ngập đã không còn, sản lượng thủy sản đánh bắt giảm một nửa.

Việc đưa vào vận hành dự án cống âu thuyền Ninh Quới giúp các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang phòng chống hạn, mặn hiệu quả.

ĐBSCL là cửa ngõ ra biển Đông, chịu ảnh hưởng trực tiếp của mối quan hệ sông Mekong và biển Đông, biển Tây. Việc các quốc gia đầu nguồn xây ĐTĐ, “trích máu dòng sông” bằng các dự án chuyển nước sông Mekong và tác hại của đê bao cục bộ trong vùng, làm cho các dòng sông thiếu nước trong mùa kiệt, đói phù sa. Sông cạn, nước mặn lấn sâu vào đất liền, cùng với các tác động tích lũy, liên hoàn do sụt lún, sạt lở.

Cùng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chính con người đã góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng hạn mặn mà nguyên nhân chính đến từ tác động tài nguyên nước xuyên biên giới, những bất cập nội, ngoại vùng ĐBSCL làm phá vỡ mối quan hệ sông – biển.

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, lịch sử hình thành, kiến tạo, phát triển ĐBSCL hàng triệu năm qua là quá trình giao thoa sông – biển và nó vẫn đang tiếp tục diễn ra. Con người phải nương theo quy luật để chủ động thích ứng, chứ không nên liều mình chống chọi lại với tự nhiên.

Tư duy hệ thống “thuận thiên” để thích ứng

Hạn mặn khốc liệt là tình huống thiên tai, nên không thể là cơ hội chờ đợi cho bất kỳ hành động nào. Song, con người có thể chủ động thích ứng, giảm nhẹ thiệt hại, thậm chí khai thác điều kiện sinh thái mặn - lợ.

Tư duy đó đã được thể hiện trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về việc ĐBSCL chủ động thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), phát triển bền vững, cần được hiện thực hóa trong chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương, huy động sự tham gia của doanh nghiệp và người dân.

Các bậc tiền hiền khai phá vùng châu thổ Cửu Long đã chống chọi với điều kiện khắc nghiệt của vùng đất mới. Lịch sử hàng trăm năm qua cho thấy, người dân nơi đây đã biết chủ động thích ứng “thuận thiên”, “hợp địa”, tôn trọng quy luật tự nhiên theo điều kiện thực tế. Thực tế, trong một số tiểu vùng bị hạn mặn nghiêm trọng vẫn có nhiều nông dân “né hạn” nhờ chủ động lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, có những rẫy màu chủ động nước tưới, tránh được thiệt hại. Đó cũng là cách mà người đồng bằng hiện thực hóa thành công triết lý “sống chung với lũ, vượt lên đỉnh lũ” tạo ra nhiều kỳ tích lúa gạo, thủy sản, trái cây vừa qua.

Lâu nay, ta chỉ lo dùng nước ngọt trồng lúa, làm màu, lập vườn trồng cây, đào ao nuôi cá, quanh quẩn với sinh kế trong nội địa mà ít nhìn ra biển hoặc nghĩ hệ sinh thái nước mặn - nước ngọt luôn đối chọi nhau, nên chỉ biết làm đê ngăn mặn, giữ ngọt. Nhìn nước ngọt từ hệ thống sông Cửu Long đổ ra biển Đông, biển Tây là “phí của trời”.

Nhưng nước sông ra biển là hợp với tự nhiên, các dòng sông luôn tìm đường ra biển. Nước ngọt chảy ra biển vừa tải dinh dưỡng phù sa, vừa làm cho biển mặn vừa phải, nhiệt độ vừa phải, tạo môi trường đa dạng sinh học cho nhiều loài thủy sản phát triển. Nhiều loài cá biển ở ĐBSCL sống được môi trường mặn, lợ, được đi vào, đi ra các cửa sông để sinh sản, phát triển.

Con số thống kê cho thấy, mặc dù bờ biển ĐBSCL chiếm chưa đến ¼ bờ biển quốc gia, nhưng sản lượng thủy sản đánh bắt hơn tất cả các vùng miền cả nước gộp lại. Có người so sánh bờ biển nước Úc dài gấp 40 lần ĐBSCL, nhưng do điều kiện tự nhiên phần lớn sa mạc liền biển, không có mối lương duyên sông - biển, nên sản lượng đánh bắt cá hàng năm của nước này chỉ ngang bằng một tỉnh của ĐBSCL.

Tại ĐBSCL, nhờ chủ động cảnh báo sớm, nhiều trà lúa Đông Xuân đã được dịch chuyển lịch thời vụ sớm, nên né được hạn mặn. Các dự án điều tiết nước kịp đưa vào sử dụng đã giúp các địa phương trong vùng phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn hiệu quả. Cống âu thuyền Ninh Quới nằm trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp góp phần điều tiết mặn - ngọt cho 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang, ngăn tác hại tình trạng xâm nhập mặn vùng lúa, hoa màu trong tiểu vùng. Tiểu dự án Măng Thít ở Vĩnh Long, Trà Vinh; dự án Bắc Bến Tre; trạm bơm Xuân Hòa ở tỉnh Tiền Giang cũng đã kịp hoàn thành vào cuối năm 2019 bước đầu ứng phó hạn mặn.

Tuy nhiên, bối cảnh mới, thách thức mới trước những tác động của BĐKH, nước biển dâng, hạn mặn diễn ra bất thường. Tư duy thích ứng “thuận thiên” cần được nâng tầm lên bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông.

Tiếp cận theo vùng, liên vùng, phối hợp liên ngành cùng hành động mới mong thích ứng trước các biến đổi tự nhiên và xã hội. Có thể xem trận hạn mặn lịch sử năm nay là “liều thuốc thử” để củng cố tư duy thích ứng, dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn. Cần đầu tư nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai để chủ động ứng phó. Chủ động thích ứng, nhưng không thể lấy tình trạng hạn mặn khốc liệt của năm nay và năm 2016 để vẽ ra nhiều dự án rồi vội vã đổ tiền vào các công trình đầu tư hao tiền, tốn của mà hiệu quả thấp.

Những giải pháp công trình rất cần, nhưng các giải pháp phi công trình là không thể thiếu. Chính quyền và người dân không thể ngồi chờ, nhưng cũng không nên đổ tiền vội vã vào các công trình cục bộ. Bài toán cân bằng tổng thể, yêu cầu “chi phí - lợi ích” và nguyên tắc “không hối tiếc” cần được đặt ra trước tiên cho bất kỳ một quyết định đầu tư công trình vội vã nào.

Lâu nay, chúng ta xây dựng hệ thống thủy lợi chủ yếu để thoát lũ, nên chuyển sang trữ ngọt và dùng nước tiết kiệm. Về lâu dài, để thích nghi với BĐKH, hạn mặn, trước hết cần tiếp cận linh hoạt đối với quy hoạch sử dụng đất. Cần ưu tiên đầu tư vào vùng lõi lúa gạo của ĐBSCL ở Tứ giác Long Xuyên và lưu vực phù sa sông Tiền, sông Hậu. Phân biệt khu vực trồng lúa trọng yếu và không trọng yếu, dựa trên sự phù hợp về sinh thái nông nghiệp, năng suất, tác động của BĐKH. Bên cạnh đó, cần áp dụng phân vùng theo không gian, có chính sách hỗ trợ khác nhau ở vùng lõi, vành đai và các khu vực trồng lúa bình thường khác.

Bên cạnh nước ngọt, cần xem nước mặn, lợ cũng là tài nguyên phát triển kinh tế biển, ven biển. Tránh ngăn mặn bằng cách can thiệp thô bạo như đã làm. Chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế, phát huy vị trí địa - kinh tế, chính trị của đồng bằng. Thích nghi với hạn mặn, phát triển kinh tế ven biển, kinh tế biển xanh phù hợp chính là bước chuyển dịch căn bản để vùng đất phù sa vượt qua khỏi “cái bóng” của nông nghiệp lúa nước truyền thống từ ngàn đời, hướng đến mục tiêu an toàn, thịnh vượng trong tương lai.              

Nông dân Cù Lao Dung không ngại hạn, mặn

Nằm gần cửa biển, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) chịu ảnh hưởng trực tiếp tình trạng xâm nhập mặn. Hiện huyện đang tập trung các giải pháp để ứng phó, hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, chính quyền địa phương và người dân cùng chung tay phòng, chống mặn xâm nhập. Chủ động trong công tác bảo vệ đê điều chống mặn xâm nhập, tận dụng nguồn nước ngọt dự trữ hỗ trợ nông dân tưới tiêu…

Hiện, huyện có trên 12.000ha đất sản xuất nông nghiệp được phân thành 3 vùng, gồm: vùng ngọt (xã An Thạnh Nhất và An Thạnh Tây); vùng lợ (một phần xã An Thạnh Nhất, thị trấn Cù Lao Dung, An Thạnh Đông, An Thạnh Nam) và vùng mặn (xã An Thạnh 3, một phần của xã An Thạnh Nam).

Xác định năm 2020 hạn, mặn đến sớm, kéo dài nên UBND huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con tưới tiêu tiết kiệm, lập tổ kiểm tra đê điều, sửa chữa khi cần thiết. Nước sinh hoạt cho 16.000 hộ dân không thiếu; nước sản xuất được nông dân tận dụng nước ao, hồ dự trữ và tưới tiết kiệm.

Nếu hạn mặn kéo dài có thể thiếu nước sản xuất nhưng huyện Cù Lao Dung đã chủ động, hướng dẫn, hỗ trợ bà con sử dụng nguồn nước ngọt hiệu quả, tiết kiệm. Khu vực nào cần nước mặn thì dẫn nước vào, những nơi cần nước ngọt tưới tiêu thì hỗ trợ xả cống nước ngọt dự trữ hỗ trợ người dân.

Trạm quản lý thủy nông tăng cường kiểm tra, theo dõi thường xuyên hệ thống thủy lợi, khi có nước ngọt thì mở cống, khi nước mặn lên thì đóng cống; vận động, khuyến khích bà con đầu tư tưới theo mô hình tiết kiệm nước. Huyện tập trung chuẩn bị 2 trạm bơm nước cơ động công suất lớn để bơm dự trữ nước khi có nước ngọt để phục vụ nông dân sản xuất.                 

Đ.Văn – C.X

TS Trần Hữu Hiệp
.
.
.