Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó với hạn, mặn

Thứ Sáu, 07/02/2020, 11:00
Các địa phương trong vùng ĐBSCL triển khai nhiều biện pháp nhằm trữ nước ngọt, ứng phó xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân.

Là vùng trù phú, trọng điểm về lương thực, thực phẩm của cả nước nhưng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chịu tác động lớn bởi tình trạng hạn, mặn. Năm 2020, xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn so với nhiều năm trước, ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

Trước thực tế này, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều biện pháp nhằm trữ nước ngọt, ứng phó xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết toàn bộ tỉnh Cà Mau nằm trong vùng xâm nhập mặn vào mùa khô. Hiện, có 100.000ha sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, chỉ sử dụng nước mưa nên rất dễ bị tổn thương. Vùng rừng U Minh Hạ diện tích 53.000ha khi hạn hán rất dễ xảy ra cháy rừng.

Qua rà soát, tổng diện tích lúa bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn Cà Mau đến nay là 16.800ha, trong đó phần lớn là diện tích lúa - tôm với trên 16.500ha. Cùng với đó, khoảng 3.568 hộ bị thiếu nước sinh hoạt.

Tại các địa phương vùng ngọt, các tuyến sông cạn kiệt nước, không những gây tắc nghẽn hoàn toàn giao thông thủy, mà còn kéo theo tình trạng sụt lún, sạt lở đất ven sông, làm hư hại các tuyến đường giao thông, nhà cửa, công trình. Đã có 147 tuyến lộ với chiều dài 14km bị sụt lún, ảnh hưởng giao thông đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.

Việc đưa vào vận hành dự án cống âu thuyền Ninh Quới trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp vào cuối 2019, giúp các địa phương Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang phòng chống hạn, mặn hiệu quả.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ gay gắt và kéo dài; sẽ có trên 24.795ha lúa đông xuân; 340ha hoa màu bị thiệt hại hoặc giảm năng suất do thiếu nước; 13.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; có thêm nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn bị sụt lún; nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, đặc biệt là khi có sự cố thì sẽ không có nước để chữa cháy.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn hỏa tốc chỉ đạo các địa phương xây dựng các phương án điều tiết nước phù hợp với điều kiện nguồn nước cụ thể, có xét đến phương án ưu tiên nước ngọt phục vụ sản xuất tại một số vùng, khu vực nhất định.

Thống kê diện tích diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, đánh giá nguyên nhân, đối chiếu quy định hiện hành để hướng dẫn lập thủ tục đề nghị hỗ trợ khôi phục sản xuất theo quy định. UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo những vấn đề liên quan đến nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi trước ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của hạn, mặn, dao động nhiệt độ khá cao giữa ngày và đêm, thời tiết giao mùa…

Đối với công tác phòng chống cháy rừng, yêu cầu bổ sung kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2019 - 2020 của đơn vị phù hợp với tình hình diễn biến của thời tiết. Việc bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phải trên tinh thần chủ động, linh hoạt, sẵn sàng ứng phó một cách kịp thời khi có sự cố…

Tại Bến Tre, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh có xu hướng diễn biến ngày càng gay gắt, khốc liệt hơn. Trên sông Cửa Đại, xâm nhập mặn sâu nhất xuất hiện trong các ngày 7 đến 11-2 ở mức sâu hơn so với tuần trước và sâu hơn năm 2016 do xâm nhập ngược từ sông Hàm Luông về thượng nguồn sông Cửa Đại. Trên kênh Giao Hòa - An Hóa mặn xâm nhập sâu dần từ ngày 4 đến 9-2 sau đó biến đổi, độ mặn xâm nhập sâu nhất xuất hiện trong các ngày 9 đến 11-2.

Trên sông Hàm Luông, độ mặn xâm nhập sâu nhất xuất hiện trong các ngày 8 đến 11-2 ở mức sâu hơn so năm 2016.

Trên sông Cổ Chiên, độ mặn xâm nhập sâu nhất xuất hiện trong các ngày 8 đến 10-2 và sâu hơn năm 2016. Độ mặn 4‰ trên các sông chính xâm nhập cách các cửa sông từ 48 - 73 km, qua địa bàn các xã Quới Sơn, Tân Thạch, Tân Phú (huyện Châu Thành), Long Thới, Tân Thiềng (huyện Chợ Lách). Độ mặn 1‰ đã xâm nhập vào cách các cửa sông chính từ 57 - 85km qua địa bàn xã Phú Phụng, xã Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách)…

Tỉnh Bến Tre kiến nghị Trung ương xem xét, sớm triển khai các dự án lớn như JICA 3, dự án Nam Bến Tre, hệ thống cấp nước thô cho các nhà máy nước thuộc khu vực Cù Lao Minh... để đưa vào phục vụ giúp kiểm soát mặn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề xuất bố trí chương trình cấp nước quy mô hộ gia đình cho 20.000 hộ không có nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đưa danh mục cung cấp nước sạch vào nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để giúp 36.800 hộ đang thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh có điêu kiện tiếp cận đủ nước sạch…

Tại Hậu Giang, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, căn cứ tình hình hiện tại thì khả năng mùa khô năm 2019-2020 tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ diễn ra gay gắt như năm 2016, trong đó nước mặn sẽ xâm nhập vào địa bàn tỉnh từ hai hướng Biển Đông và Biển Tây.

Qua kết quả đo nồng độ mặn từ triều biển Tây trong những ngày gần đây trên địa bàn TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ cho thấy, độ mặn luôn duy trì ở mức cao. Cụ thể, trên địa bàn TP Vị Thanh, độ mặn đo vào sáng 4-2 ở Kênh Lầu đạt mức 5,6‰, Kênh Năm là 2‰; còn tại huyện Long Mỹ, độ mặn ở cống Ba Cô là 3,1‰, cống Hóc Pó 2,7‰ và kênh Mười Thước là 4,2‰.

Hiện ngành chức năng và người dân đang tích cực thực hiện các giải pháp ứng phó, nhất là việc thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn và đóng các cống, đắp đập thời vụ đúng theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.

Để chủ động trong việc phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cử cán bộ trực tiếp theo dõi tình hình diễn biến nước mặn ở các tuyến kênh, trên ruộng lúa (mô hình tôm lúa) khu vực vùng chuyển đổi, thông báo kịp thời cho các, xã thị trấn và bà con nông dân chủ động bảo vệ sản xuất lúa trên đất tôm.

Phòng NN&PTNT theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, tăng cường công tác kiểm tra nước mặn xâm nhập trên các tuyến kênh Phó Sinh - Cạnh Đền, Ba Đình - Vĩnh Lộc… kịp thời thông báo các ban, ngành, các xã và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt; cập nhật số liệu về tình hình nước mặn xâm nhập, kịp thời báo cáo Sở NN&PTNT.

Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, vào khoảng thời gian cuối tháng 12-2019 và đầu tháng 1-2020, do ảnh hưởng của triều cường, mặn đã xâm nhập sâu vào các kênh rạch thuộc địa bàn các huyện Trần Đề, Kế Sách, Long Phú, có thời điểm độ mặn đo được cách cửa biển Trần Đề 30km đã lên đến 10,7‰.

Trong những ngày gần đây do triều xuống nên độ mặn đo được trên một số tuyến kênh, rạch đã giảm đi đáng kể, có nơi chỉ còn từ 0,5 đến 1,1 ‰. Tuy nhiên, dự báo vào những ngày tới, triều cường lên nguy cơ mặn sẽ theo các tuyến kênh, rạch tiến sâu vào nội đồng, ảnh hưởng đến việc sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết UBND tỉnh đã  chỉ đạo các Sở, ngành liên quan phối hợp với UBND các huyện kiểm tra, vận hành các công trình cống, đập, kênh mương, hệ thống trạm bơm điện nhằm đảm bảo đủ nguồn nước để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; kiểm tra, rà soát các hệ thống cấp nước sinh hoạt nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân; chuẩn bị phương án để chủ động khi xảy ra thiếu nước sinh hoạt, tạo những điểm cấp nước công cộng cho người dân bị thiếu nước hoặc vận chuyển cấp nước trong trường hợp xa nguồn nước, đặc biệt ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và Thoại Sơn. 

Sở TN&MT phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn An Giang tổ chức quan trắc nguồn nước, độ mặn để kịp thời cảnh báo cho người dân phòng tránh; thường xuyên cung cấp thông tin dự báo, nhận định về tình hình thời tiết, nguồn nước, hạn và xâm nhập mặn cho các cơ quan có liên quan và các địa phương để kịp thời ứng phó.

Đức Văn
.
.
.