Ứng phó hạn mặn khốc liệt, hạn chế thiệt hại cho nông dân

Chủ Nhật, 16/02/2020, 11:24
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã xuất hiện sớm và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2019-2020 cũng như đề xuất các giải pháp giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Xâm nhập mặn ở mức cao bất thường     

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xuất hiện sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016, ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô, tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. 

Do nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và những năm gần đây, cùng với đó, do ảnh hưởng của việc xả thấp từ thủy điện Trung Quốc, dự báo dòng chảy tháng 2 từ thượng lưu sông Mê Kông về đồng bằng sẽ ở mức rất thấp, vì vậy, mặn sẽ xâm nhập sâu trên đồng bằng trong tháng 2, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt ở vùng các cửa sông Cửu Long từ nay đến ngày 16-2. 

Chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất với ranh 4g/l trong thời kỳ này. Trong thời gian tới, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến khoảng tháng 3-4/2020.

Do ảnh hưởng của ngập mặn, khoảng 332.000ha lúa Đông Xuân; 136.000ha cây ăn quả  khả năng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020. Về nước sinh hoạt, hiện nay, khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, Bến Tre: 12.700 hộ, Sóc Trăng: 24.400 hộ, Kiên Giang: 20.400 hộ, Cà Mau: 4.500 hộ, Tiền Giang: 2.200 hộ. 

Trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020, có khoảng 158.900 hộ sẽ thiếu nước sinh hoạt. Mặt khác, hiện tượng khô hạn kéo dài khiến lượng nước trên các kênh khô cạn không còn phản áp, gây ra hiện tượng sụp lở đất các tuyến đường giao thông nông thôn. Cụ thể, tại tỉnh Cà Mau, đã xảy ra sạt lở tại 75 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài khoảng 6.400m.

Hạn mặn năm nay đến sớm và khốc liệt hơn.

Đảm bảo đủ nước sạch cho người dân sử dụng    

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đã đưa ra các giải pháp quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới. Đầu tiên, cần tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào nội đồng, hệ thống kênh, khẩn trương đóng cống ngăn mặn xâm nhập khi độ mặn lên cao, đặc biệt tại các cống thuộc hệ thống thủy lợi Bảo Định (Tiền Giang), Nam Măng Thít (Trà Vinh, Vĩnh Long); hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp, cần có sự phối hợp vận hành bảo đảm đáp ứng nhu cầu khác nhau về nước ngọt, mặn của các địa phương. 

Các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải rà soát diện tích vườn cây ăn trái và vườn giống cây ăn trái trong toàn vùng và tại 9 tỉnh có nguy cơ ảnh hưởng của hạn, mặn, chi tiết đến từng loại cây trồng và từng huyện, hướng dẫn bằng tài liệu, truyền thông trên báo, truyền hình trung ương và địa phương các giải pháp chủ động ứng phó với hạn, mặn, thông qua tài liệu tuyên truyền khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn. 

Đối với nuôi trồng thủy sản, cần tăng cường quan trắc môi trường vùng nuôi để có các giải pháp ứng phó kịp thời; có kế hoạch thả giống phù hợp, không thả giống vào thời điểm khô hạn và xâm nhập mặn, tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước để hạn chế việc thay nước thường xuyên; hạn chế cho ăn khi độ mặn tăng; chủ động thu hoạch khi thủy sản nuôi đạt kích thước thương phẩm trước khi xâm nhập mặn xảy ra.

Đối với cấp nước sinh hoạt nông thôn, phải khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài các đường ống từ các nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt cấp cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng, lắp thêm các vòi nước công cộng để cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sử dụng. 

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt ưu tiên các hộ dân nghèo, sống phân tán, ven sông, ven biển chưa được tiếp cận nguồn nước sạch. 

Chuẩn bị phương án huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt cho khoảng 40.000 hộ dân sống phân tán, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, hải đảo, tập trung tại các tỉnh: Kiên Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Trà Vinh. 

Đồng thời, lắp đặt hệ thống lọc nước mặn, nước lợ (thiết bị RO) tại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn thường xuyên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn tại tỉnh Bến Tre. Xây dựng hồ trữ nước ngọt tại kênh cụt và dẫn dòng cũ, đập tạm ngăn mặn để giữ nguồn nước ngọt cho các trạm cấp nước tập trung nông thôn, tập trung tại các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh…

Đề xuất Ngân hàng Thế giới hỗ trợ nông dân

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, các giải pháp lâu dài cần thực hiện tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải triển khai bao gồm đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. 

Bộ NN&PTNT cũng khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (thủy sản - cây ăn quả - lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng.

Bộ cũng đề xuất Ngân hàng Thế giới hỗ trợ dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn cho các tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện dự án cấp nước cho các đô thị khu vực đồng bằng sông Cửu Long (có mở rộng cho 8 khu vực nông thôn). 

Để tăng cường công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ NN&PTNT  đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ NN&PTNT, hỗ trợ các địa phương tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Ngọc Yến
.
.
.