Thực hư tin đồn trẻ em bị bắt cóc hụt hàng loạt

Thứ Tư, 30/03/2016, 18:27
Các vụ “bắt cóc hụt” học sinh nổi lên tại nhiều địa phương của tỉnh này từ đầu năm 2016 đến nay chỉ là tin đồn thất thiệt, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng, nhất là các bậc phụ huynh có con nhỏ.

Từ đầu năm 2016 đến nay, tại nhiều địa phương ở Lâm Đồng rộ lên thông tin không ít học sinh tiểu học bị “bắt cóc hụt”, thậm chí ngành giáo dục còn ra văn bản cảnh báo tới các trường học, bậc phụ huynh về tình trạng “bắt cóc trẻ em” gây tâm lý hoang mang, bất án trong dư luận.

Chiều ngày 30-3, ông Phùng Khắc Đồng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, các vụ “bắt cóc hụt” học sinh nổi lên tại nhiều địa phương của tỉnh này từ đầu năm 2016 đến nay chỉ là tin đồn thất thiệt, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng, nhất là các bậc phụ huynh có con nhỏ. Liên quan đến các tin đồn này, Công an tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc điều tra, làm rõ.

Cụ thể, ngày 22-2 vừa qua, tại huyện Đạ Tẻh rộ lên thông tin hai học sinh lớp 5 Trường TH Trần Quốc Toản là Đinh Tiến Hoàng và Nguyễn Công Lộc Thành trên đường đi học về bị hai thanh niên lạ mặt điều khiển xe gắn máy ép lên xe để bắt cóc nhưng các em đã la hét, cầu cứu nên hai thanh niên lên xe bỏ chạy.

Ngay sau đó, phụ huynh các em trình báo cho nhà trường, nhà trường báo lên Phòng Giáo dục và Đào đạo huyện Đạ Tẻh. Trong này, Phòng Giáo dục và Đào tạo Đạ Tẻh ra văn bản cảnh báo tới tất cả các cơ sở giáo dục, bậc phụ huynh, học sinh nâng cao cảnh giác, đề phòng học sinh bị kẻ xấu bắt cóc, từ đó xuất hiện tin đồ học sinh bị “bắt cóc hụt”.

Tin đồn bắt cóc trẻ em là không có thật. Ảnh minh họa.

Qua làm việc với hai “nạn nhân” và những người có liên quan, Công an huyện Đạ Tẻh kết luật vụ “bắt cóc hụt” chỉ là tin đồn sai sự thật. Cả hai học sinh đã nhận vụ việc do chính các em dựng lên theo trí tưởng tượng.

Đặc biệt, khi Công an huyện Đạ Tẻh có kết luận đây chỉ là tin đồn thất thiệt và đã thông báo tới ngành giáo dục huyện Đạ Tẻh nhưng cơ quan này không ra văn bản đính chính văn bản đã khuyến cáo nạn “bắt cóc trẻ em” trước đó mà chỉ thông báo kết luận của công an rất sơ sài. Thậm chí, đến nay nhiều giáo viên vẫn tưỡng vụ “bắt cóc hụt” là có thật.

Gần đây nhất, ngày 14-3, tại Trường TH Phan Như Thạch (Đà Lạt) xuất hiện thông tin đối tượng lạ mặt dụ dỗ, đòi bắt cóc em Nguyễn Thị Kiều Trinh (lớp 1) và em Phạm Phú Khang (lớp 2) nhưng không thành. Trước tin đồn trên, phòng PA 83, Công an tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc điều tra và phát hiện ra nhiều mâu thuẫn trong lời trình bày của “nạn nhân” cùng những người có liên quan. Công an tỉnh Lâm Đồng kết luận khả năng bắt cóc học sinh tại trường này là không có thật.

Trước đó, vào đầu năm 2016, Công an TP Bảo Lộc cũng đã kết luật vụ em Nguyễn Nguyên Gia Nghi, học sinh lớp 3, Trường TH Nguyễn Trãi (Bảo Lộc) trong lúc chờ bố mẹ tới đón về sau giờ tan học bị người lạ dụ dỗ đòi bắt cóc là hoàn toàn không có thật.

Kim Ngân
.
.
.