Thị trường đồ cúng ông Công, ông Táo tăng giá nhẹ

Thứ Hai, 28/01/2019, 10:07
Cứ vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, người Việt Nam sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo như một lời cầu chúc cho năm mới sung túc.

Trong mâm cỗ không thể thiếu cá chép sống, bộ táo quân, thần linh… Đến thời điểm này, tuy không khí mua sắm rất sôi động nhưng giá cá chép, đồ vàng mã chỉ nhỉnh hơn năm ngoái không đáng kể.

Trưa 26-1, trên phố Hàng Mã (Hà Nội) đông đúc và nhộn nhịp người đi mua sắm. Cả dãy phố đỏ rực những đồ hàng mã cúng ông Công, ông Táo và bao lì xì, trang trí nhà ngày Tết. Tại một cửa hàng lớn trên phố này, bà chủ hàng đang bày những bộ hàng mã cúng ông Công, ông Táo ra sát đường đi để thu hút khách. 

Đồ hàng mã cúng ông Công, ông Táo năm nay giá tăng nhẹ.

Bà cho biết, năm nay sức mua cũng chỉ như năm ngoái, không tăng, từ sáng tới giờ mới có vài khách mua lẻ. Vài năm trước, khoảng từ 20 tháng Chạp kho đồ mã nhà bà đã gần hết. Khách mua buôn nhộn nhịp cả tháng trước, nhưng năm nay có vẻ trầm lắng hơn. Trong kho hàng nhà bà còn trên 200 bộ, có thể đến sáng 23 tháng Chạp thì bán hết, nếu không sẽ ế.

Qua khảo sát của chúng tôi, thị trường hàng mã ông Công, ông Táo năm nay khá đa dạng và không có biến động về giá. Các mặt hàng phục vụ cúng ông Công, ông Táo chủ yếu là đồ vàng mã truyền thống như bộ táo quân, thần linh, quần áo, mũ, hài, cá chép giấy, vàng hương, nến… 

Một bộ đồ mã cúng ông Công, ông Táo đầy đủ, giấy đẹp có giá 150.000 -200.0000 đồng, loại trung bình từ 70.000 -100.000 đồng. 

Chị Nga, bán hàng thuê ở phố này cho biết, hàng mã có nhiều loại và giá cũng khác nhau. Bộ rẻ nhất là 50.000 đồng, đó là loại nhỏ, giấy và chất lượng không được đẹp như các bộ đắt hơn. Bộ đắt lên tới 300.000 – 400.000 đồng cũng có, thường do khách đặt trước để thợ sản xuất. Những đồ mã cúng ông Công, ông Táo loại giá “khủng” bán ra không nhiều, chủ yếu là khách quen gọi điện đặt trước. 

Theo chị Nga thì giá đồ mã năm nay tăng nhẹ, mỗi bộ chỉ nhỉnh hơn năm ngoái 10.000 đồng vì giá giấy tăng. Tuy nhiên, giá nhập vào cũng không cao vì người sản xuất lấy công làm lãi, nếu tăng cao quá sợ thị trường tiêu thụ chậm. 

Chị Nguyễn Thị Phương (ở phố Quán Thánh, Ba Đình) đang chọn đồ mã cúng vào ngày 23 tháng Chạp cho biết, mọi năm chị thường mua sớm vì để tới sát ngày giá sẽ tăng, nhưng năm nay giá không tăng như chị dự đoán.

Hàng mã cúng ông Công, ông Táo không chỉ phong phú mà còn được phục vụ đa dạng. Từ chợ cóc, chợ tạm, hàng mã bán rong chở bằng xe đạp tới tận nhà mời chào. 

Giá hàng mã ở những nơi này so với bán trên phố Hàng Mã rẻ hơn, từ 30.000 – 50.000 đồng/bộ nhỏ; bộ đại 70.000 đồng; ngựa 70.000 - 100.000 đồng/con; quần áo 15.000 -20.000 đồng/bộ. Bán kèm với quần áo, đồ cúng táo quân, thần linh còn có các đồ mã như tivi, tủ lạnh, ôtô, nhà lầu… giá chỉ nhỉnh hơn không đáng kể.

Thời điểm này các làng nuôi cá chép phục vụ Tết ông Công, ông Táo đã bắt đầu thu hoạch và đưa ra thị trường. Sáng 26-1, tại nhiều chợ ở Hà Nội một số chủ hàng thường ngày kinh doanh thủy hải sản thì nay đã chuyển sang bán cá chép đỏ. 

Theo khảo giá của chúng tôi ở một số chợ lớn cá chép hôm nay vẫn ở mức cao, dao động từ 60.000-70.000 đồng/đôi loại to, loại nhỏ giảm hơn 10.000 đồng/đôi. 

Ở chợ cóc làng Hồ (phường Bưởi), cá chép rẻ hơn các chợ lớn, 40.000-50.000 đồng/đôi loại to, loại nhỏ 30.000-40.000 đồng/đôi. Tuy nhiên, theo thông lệ hằng năm, cá chép sẽ hạ giá dần, đặc biệt là ngày 23 tháng Chạp, đến trưa giá thành giảm xuống còn một nửa.

Chị Minh, kinh doanh thủy hải sản ở chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, vào ngày 23 tháng Chạp, nhu cầu mua cá chép cúng ông Công, ông Táo của người dân khá lớn. Nghĩa Tân là khu vực đông dân cư, nhiều hộ kinh doanh thủy hải sản trong chợ đã chuyển sang bán cá chép đỏ từ ngày 20 tháng Chạp trở đi. Vì chị lấy tận gốc, bán tận ngọn nên những ngày này cho thu nhập rất khá, vào ngày cao điểm bán được hàng trăm bộ. 

Để tránh rủi ro, chị phải chọn lựa mua của chủ trại có uy tín, cá đẹp và khỏe để tránh bị chết. Tuy nhiên, do kinh doanh đắt hàng nên ngày càng nhiều người bán cá chép, cạnh tranh rất cao. So với người bán trong quầy như chị Minh thì cá chép cho vào túi bóng bán rong và cá chép ở những chợ cóc có giá rẻ hơn.

Cúng ông Công, ông Táo là một lễ tiết truyền thống tốt đẹp của người Việt, tuy nhiên không vì vậy mà chúng ta lạm dụng đốt quá nhiều đồ mã, ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là sơ sểnh có thể xảy ra cháy.

Minh Thư
.
.
.