Nhân ngày toàn dân PCCC 4-10:

Thấp thỏm với nỗi lo hỏa hoạn tại chung cư

Thứ Ba, 03/10/2017, 08:27
Những năm gầy đây, do quá trình đô thị hóa, số lượng các chung cư cao tầng không ngừng gia tăng tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Bên cạnh việc góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân có thu nhập trung bình, nhà chung cư cao tầng cũng gây ra những hệ lụy: Sự quá tải đô thị về giao thông, điện, nước sinh hoạt, đặc biệt là nguy cơ hỏa hoạn.


Chưa nghiệm thu hệ thống PCCC, vẫn cho dân vào ở

Tháng 6-2017, một vụ cháy chung cư đã khiến cả thế giới bàng hoàng vì có khoảng 80 người tử vong khi khói lửa bao trùm tòa nhà Grenfell, thủ đô London của nước Anh. Ở Việt Nam cũng từng xảy ra vụ cháy làm 60 người thiệt mạng tại cao ốc ITC (Trung tâm thương mại TP Hồ Chí Minh, tháng 10-2002)… Những con số đau lòng nêu trên phản ánh nguy cơ cháy tại các tòa nhà cao tầng và chung cư.

Tại Hà Nội, các quận nội thành (trừ khu vực phố cổ và phố cũ), có nhiều tuyến phố san sát những chung cư, nhà cao tầng có đông người dân sinh sống và làm việc. Theo quy định, khi xây dựng các công trình chung cư, nhà cao tầng, những yêu cầu về thiết kế hạ tầng, kỹ thuật an toàn PCCC phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trước khi công trình đưa vào khai thác sử dụng, một lần nữa cơ quan PCCC sẽ tiến hành kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục, đảm bảo các trang thiết bị như: Hệ thống báo cháy, lối thoát hiểm, hệ thống chữa cháy... Vậy nhưng, trên thực tế đã và đang xuất hiện tình trạng, dù chưa hoàn thiện các yêu cầu về an toàn PCCC, chủ đầu tư chung cư vẫn cho người vào ở để nhanh thu hồi vốn.

Người dân chung cư cần trang bị cho mình kĩ năng thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp.

Điển hình cho vi phạm này là một số chung cư tại khu vực Hà Đông, Thanh Xuân. Trong vụ cháy chung cư  CT4A cao 34 tầng (Khu đô thị mới Xa La, Hà Đông, Hà Nội) do Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số I Lai Châu đầu tư, cơ quan chức năng phát hiện, dù người dân đã vào ở từ nhiều tháng nhưng hệ thống PCCC của chung cư CT4A vẫn chưa được nghiệm thu.

Vụ cháy này không gây thiệt hại về người nhưng đã có hơn 400 xe máy (để dưới tầng hầm) bị cháy một phần hoặc hoàn toàn và người dân các chung cư lân cận bị một phen hoảng loạn.

Mới đây vào ngày 6-9-2017, Cảnh sát PC&CC Hà Nội cũng đã kiểm tra nghiệm thu về công tác PCCC tại công trình “Tòa nhà chung cư và dịch vụ Star Tower” tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội).

Công trình gồm 2 tầng hầm, 25 tầng nổi và 1 tầng kỹ thuật mái này còn nhiều nội dung tồn tại về PCCC như: Một số cửa vào buồng thang bộ chưa lắp đặt cơ chế tự động đóng, bố trí trục hút khói trong buồng thang bộ, dọc theo đường dốc từ tầng hầm 2 lên tầng hầm 1 chưa có giải pháp ngăn cháy lan, phòng thu rác tại tầng 1 chưa lắp đặt cửa chống cháy... công trình chưa được nghiệm thu về PCCC. Song, chủ đầu tư đã đưa một số tầng vào hoạt động, tiềm ẩn những nguy cơ cháy, nổ, mất an toàn với người dân. 

Theo tìm hiểu của PV, sau khi điểm mặt các dự án vi phạm, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư của 79 công trình nhà chung cư cao tầng có vi phạm an toàn PCCC.

Nhưng đến ngày 18-9-2017, mới có 19/79 công trình nhà chung cư cao tầng khắc phục các vi phạm. Con số này cho thấy, mặc dù đã bị cơ quan chức năng có thẩm quyền nhắc nhở, lập biên bản xử lý nhưng tình trạng các công trình nhà chung cư cao tầng có vi phạm về an toàn PCCC vẫn diễn biến phức tạp.

Cần những kĩ năng để “tự cứu mình”

Trao đổi với PV Báo CAND, Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy (Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội) tỏ ra lo ngại: Bên cạnh các vi phạm nêu trên, việc người dân thiếu ý thức trong công tác PCCC tại chỗ cũng là một trong những nguyên nhân khiến hoản hoạn rình rập.

Một số lưu ý phải kể đến như: Người dân sử dụng điện, gas không hợp lý gây ra hiện tượng chập điện, rò rỉ khí gas dẫn đến cháy, nổ; không sử dụng thành thạo các thiết bị chữa cháy, không có kỹ năng thoát nạn khi gặp hỏa hoạn, thiếu kĩ năng thoát hiểm…

Vụ cháy chung cư JSC 34 (tháng 10-2010 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) là một ví dụ đau lòng, để lại nhiều bài học với cả lực lượng Cảnh sát PCCC và chính người dân chung cư.

Là người trực tiếp tham gia chỉ huy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trong vụ này, Thượng tá Ngô Thanh Lâm cho biết: Đám cháy xảy khoảng xẩm tối; khói lan nhanh tỏa ra các sảnh, hành lang, cầu thang, gây khó khăn cho việc thoát nạn của cư dân. Sau khi khám nghiệm hiện trường vụ cháy, lực lượng chức năng xác định, nguồn sinh nhiệt xuất phát từ hố thu rác của tòa nhà.

Lửa và khói theo đó bốc lên ống kỹ thuật rác và lan ra các tầng của tòa nhà. Về nguyên tắc, ống kỹ thuật rác phải được thiết kế bằng vật liệu chống cháy nhưng với tòa nhà JSC 34, nhà đầu tư sử dụng vật liệu dễ cháy, nên chỉ một chút bất cẩn của người dân đã gây ra thảm họa

Vụ cháy không gây thiệt hại nhiều về tài sản song đã khiến  chị V.L.P và con trai L.G.M ở căn hộ 1810 (tầng 18) của tòa nhà bị tử vong do ngạt khói. Thượng tá Lâm đau xót: “Khi khám nghiệm hiện trường vụ cháy, chúng tôi rất đau lòng vì căn hộ 1810 chỉ bị phủ một lớp khói mỏng. Nếu hai mẹ con chị P. ở trong nhà, chèn kĩ các khe cửa và ra ban công, thì chắc chắn không bị tử vong. Nhưng do hoảng loạn, chị đã kéo con trai chạy ra cầu thang thoát hiểm và bị khói từ ống kĩ thuật tràn ra, gây ngạt khí. Thực tế trong vụ cháy này, cũng có nhiều người dân ở nguyên trong phòng và họ đã bình an vô sự”.

Một số kĩ năng thóa nạn khi cháy chung cư

Theo Thượng tá Ngô Thanh Lâm, khi phát hiện cháy, cần nhấn chuông báo động cho ban quản lý tòa nhà. Nếu đám cháy có khói, người dân nên dùng khăn ướt bịt miệng và mũi, khom người đi men theo tường, tìm cách vượt qua đám khói đến đường thoát hiểm gần nhất.

Nếu khói đã phủ kín hành lang, cầu thang thoát hiểm, cần bình tĩnh chạy vào căn hộ, dùng các vật dụng chèn khe cửa, ngăn khói lan rộng. Sau đó, chạy ra ban công, ra tín hiệu cho người bên dưới mặt đất ứng cứu. Tuyệt đối không chạy vào thang máy vì điện sẽ bị ngắt khi xảy ra cháy.

l  Theo Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), trong năm 2016, lực lượng Cảnh sát PCCC đã điều tra làm rõ nguyên nhân 2.486 vụ cháy chiếm 82,7%. Trong đó, do sự cố hệ thống và thiết bị điện 1.404 vụ, chiếm 46,7%; sơ suất trong sử dụng lửa, điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất 863 vụ, chiếm 28,7%; do đốt 102 vụ, chiếm 3,4%; vi phạm quy trình, quy định an toàn 69 vụ, chiếm 2,3%; do tác động của hiện tượng thiên nhiên 18 vụ, chiếm 0,6%; nguyên nhân khác 30 vụ, chiếm 1%. Còn lại 520 vụ chưa rõ nguyên nhân, chiếm 17,3%.

Duy Hiển – Trần Huy
.
.
.