Nhân ngày toàn dân Phòng cháy, chữa cháy 4-10:

Những khoảnh khắc sinh tử đối mặt với giặc lửa (bài cuối)

Thứ Hai, 02/10/2017, 08:35
Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC), hơn 70% số vụ cháy xảy ra có nguyên nhân bắt nguồn từ sự bất cẩn, chủ quan của con người. Quên tắt bếp gas, bếp điện hoặc hở gas, quá tải điện… đương nhiên rất dễ xảy ra cháy.

Song, có những thứ tưởng như rất khó cháy như một chiếc điện thoại di động để trên đệm xạc pin cũng có thể là khởi nguồn của một vụ hỏa hoạn. Chưa kể, trong mỗi gia đình, văn phòng, công sở, nhà xưởng còn có vô vàn thiết bị, máy móc tiềm ẩn nguy cơ cháy nếu người sử dụng thiếu kiến thức, kĩ năng hoặc bất cẩn.

Bài cuối: Trăn trở của người chỉ huy chữa cháy

Đã có thâm niên gần 30 năm chữa cháy, Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy (Cảnh sát PCCC Hà Nội) vẫn không khỏi bị ám ảnh sau mỗi lần phải giáp mặt với giặc lửa. Những căn nhà đổ nát chỉ còn lại đống tro tàn, những xác người bị cháy cong queo không thể nhận dạng… là nỗi đau, nỗi ám ảnh không chỉ của riêng anh và đồng đội.

Thượng tá Ngô Thanh Lâm: “Sau mỗi trận chiến với giặc lửa, chúng tôi vẫn không khỏi bị ám ảnh bởi những hậu quả đau lòng”.

Đã gần một năm trôi qua sau vụ cháy quán karaoke số 68 phố Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy – Hà Nội) khiến 13 người tử vong, nhưng Thượng tá Ngô Thanh Lâm cũng như các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu hộ - cứu nạn ngày hôm đó vẫn chưa hết bàng hoàng. “Ngọn lửa bốc lên thật dữ dội, trong thoáng chốc nó đã bao trùm cả ngôi nhà 9 tầng và 1 tum. Chúng tôi đã rất cố gắng nhưng không thể cứu được hết người mắc kẹt trong ngôi nhà”, Thượng tá Lâm nhớ lại.

Đây có lẽ là vụ cháy thương tâm nhất trong nhiều năm qua ở Hà Nội. Khoảng 14h ngày 1-11-2016, nhận được tin báo cháy tại quán karaoke 68 trên phố Trần Thái Tông, Thượng tá Ngô Thanh Lâm cùng đồng nghiệp khẩn trương đến hiện trường. Khi tới nơi, ngọn lửa ngùn ngụt bao trùm mặt tiền tòa nhà, khói đen cuồn cuộn lan sang các ngôi nhà lân cận. Mặt tiền tòa nhà được thiết kế theo hai lớp.

Lớp trước có gắn biển quảng cáo, lớp tiếp theo là tường các phòng hát được thiết kế theo kiểu “bức tường thép”, ở giữa là lõi được nhồi chặt bằng mút xốp, bông thủy tinh để cách âm, mặt trong là gỗ và nhiều vật liệu trang trí bằng da. Hệ thống tường thép này được hàn cố định vào các trụ bê tông của tòa nhà (thay vì xây tường ngăn như các nhà thông thường). Việc phá các bức tường thép để vào trong ngôi nhà không khả thi nên lực lượng Cảnh sát PCCC đã chuyển hướng cứu nạn, cứu hộ bằng lối thoát hiểm phía sau tòa nhà.

Thượng tá Lâm nhớ lại: Một nhân viên của quán được chúng tôi cứu ra cho biết còn nhiều khách đang mắc kẹt ở tầng 6. Bên cạnh việc ngăn đám cháy không lan rộng, một tổ công tác đã sử dụng dây đu từ tầng 9 xuống lối cầu thang thoát hiểm phía sau tòa nhà. “Khi tiếp cận khu vực tầng 6 nhưng không thấy các nạn nhân, anh em xuống tầng 5 thì phát hiện trong phòng hát có nhiều thi thể. Có lẽ do hoảng loạn nên nhân viên của quán được cứu ra lúc trước đã nhớ nhầm vị trí các nạn nhân đang mắc kẹt”, Thượng tá Ngô Thanh Lâm kể.

Nguyên nhân vụ cháy sau đó được cơ quan chức năng xác định là do cơ sở này tiến hành sửa chữa nội thất ở tầng 2. Trong quá trình hàn xì, ngọn lửa đã bén vào tường ốp gỗ, bắt vào lớp xốp cách âm nên lan rất nhanh.

Cảnh sát PCCC nỗ lực dập lửa trong vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông.

Thượng tá Lâm đau xót nói: “Do kết cấu của các phòng hát karaoke đều có nhiều chất dễ cháy, nên khi cháy, lửa sẽ lan nhanh, tỏa nhiều khói độc. Giá như ngay khi lửa vừa cháy, người thợ hàn và nhân viên không hoản loạn, bình tĩnh đi đập các cửa phòng hát yêu cầu khách chạy ra lối thoát hiểm thì hậu quả có thể đã không xảy ra. Nhưng rất đau lòng là họ chỉ lo thoát thân mình”.

Vụ sập nhà 43 Cửa Bắc cũng là một kỉ niệm cứu nạn sâu sắc và để lại nhiều bài học với Thượng tá Lâm. Rạng sáng 4-8-2016, căn nhà đổ sập do nhà kế bên đào móng không chằng chống đúng quy định. Ngôi nhà 3 tầng một tum, với diện tích mỗi sàn khoảng 30m2 bỗng chốc trở thành đống đổ nát, gạch đá, bê tông vùi lấp nhiều người.

Vừa tới hiện trường, Thượng tá Lâm và đồng đội lập tức triển khai các phương án cứu nạn. Sơ bộ xác định, có 6 người bị kẹt trong đống đổ nát.

Thượng tá Lâm nhớ lại: “Trước tiên, chúng tôi triển khai các biện pháp chống sụp đổ thứ cấp và tiếp đó là tìm kiếm, cứu người. Mới đầu, anh em dùng khoan để phá dần các tấm bê tông. Nhưng mỗi khi nhấn nút khoan lại thấy có tiếng rên. Tôi lập tức chỉ đạo dừng lại và cho trinh sát kĩ thì phát hiện một nạn nhân bị kẹt đầu ngay giữa tấm bê tông và một chiếc bàn, nên khi khoan sẽ rung và gây đau. Sau đó, chúng tôi đã tìm ra biện pháp kê kích, phá dỡ phù hợp và cứu được nạn nhân”…

Sau 8 giờ liên tục và khẩn trương cứu nạn, Cảnh sát PCCC và các lực lượng chức năng đã cứu được 4/6 nạn nhân; 2 người do bị đa chấn thương nên đã không qua khỏi. “Trong các vụ cứu nạn sập nhà, nhiều lúc anh em phải dùng tay bới từng tí gạch đá, bê tông. Dùng tay thì dễ cảm nhận, chạm vào người nạn nhân là phát hiện ngay. Nếu dùng các công cụ hỗ trợ mà không thận trọng sẽ gây thương tích cho nạn nhân đang chờ cứu nạn” – Thượng tá Lâm tâm sự.

Những nguy cơ cháy, đặc biệt là tại khu chung cư, siêu thị dưới hầm hoặc tầng trệt của chung cư, nhà ống… là vấn đề Thượng tá Ngô Thanh Lâm luôn trăn trở. Anh cho rằng, bên cạnh sự chung tay của cả cộng đồng thì mỗi cá nhân cần nêu cao tinh thần cảnh giác với giặc lửa, đồng thời trang bị cho mình những kĩ năng cần thiết để thoát hiểm.

105 người chết, 228 người bị thương do cháy, nổ trong năm 2016

Theo số liệu của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong năm 2016, cả nước xảy ra 3.006 vụ cháy (trong đó, 1.229 vụ cháy tại các cơ sở, 1.290 vụ cháy nhà dân, 169 vụ cháy phương tiện giao thông và 318 vụ cháy rừng), làm chết 98 người, bị thương 180 người, tiêu hủy về tài sản trị giá 1.240,11 tỷ đồng và 1.829ha rừng. Cả nước cũng xảy ra 23 vụ nổ, làm chết 7 người, bị thương 48 người, thiệt hại về tài sản 1.420 triệu đồng.

Duy Hiển – Trần Huy
.
.