Nhân ngày toàn dân Phòng cháy, chữa cháy 4-10:

Những khoảnh khắc sinh tử đối mặt với giặc lửa

Chủ Nhật, 01/10/2017, 10:55
Trong “tứ họa” mà người xưa tổng kết, giặc lửa đứng thứ hai (thủy – hỏa – đạo – tặc). Sự tàn phá, hậu quả của những vụ cháy thường để lại nhiều mất mát, đau thương về người và tài sản. Là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống giặc lửa, những cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) luôn sẵn sàng trước mọi tình huống, chấp nhận khó khăn, gian khổ, thậm chí là sự hi sinh để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của cộng đồng…


Bài 1: Cứu người - mệnh lệnh của trái tim

Chúng tôi gặp Trung tá Nguyễn Minh Thành, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC Hà Nội) giữa ca trực yên ả của một ngày thu đẹp. Dáng người dong dỏng, khuôn mặt sáng sủa, cách giao tiếp vui vẻ, cởi mở; từ anh toát lên vẻ năng động, quyết đoán của một người lính, người chỉ huy nhiều trận chiến gay cấn chống giặc lửa.

Câu chuyện giữa chúng tôi mở đầu bằng những tình tiết về vụ cháy vừa xảy ra tại thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) rạng sáng 25-9. Có hai thiếu nữ đã mãi mãi ra đi trong vụ cháy, cô em mới sắp độ trăng tròn, cô chị vừa trăng tròn lẻ… “Thật đau lòng. Vậy thời điểm gia chủ xây nhà, giấy phép thế nào và công tác kiểm tra sao không ngăn cản việc họ hàn kín các ban công thành kiểu chuồng cọp?” – tôi bần thần hỏi. Trung tá Thành thở dài: “Thường thì giấy phép và quá trình kiểm tra xây dựng, họ chấp hành đúng; nhưng sau khi hoàn thiện và đi vào sử dụng một thời gian mới gia cố hàn thép để chống trộm. Việc này không dễ phát hiện, xử lí!”.

Lực lượng Cảnh sát PCCC thường xuyên diễn tập nâng cao khả năng PCCC. Ảnh: CTV

Trung tá Thành viện dẫn hàng loạt vụ cháy xảy ra chết người do nạn nhân bị “nhốt” trong nhà ống có ban công bịt kín bằng “chuồng cọp”, khi sự cố xảy ra người trong nhà không thể thoát được, người chữa cháy cũng rất khó vào dập lửa, cứu nạn. 

Khoảng đầu giờ trưa ngày 22-8-2016 tại tổ dân phố 6, phường Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội), xảy ra vụ cháy căn nhà ống thuộc khu giãn dân. Căn nhà 5 tầng này có diện tích đất khoảng 50m2, các ban công đều được quây kín bằng inox để chống trộm. Nguồn cháy được xác định phát ra từ tầng 1 là nơi kinh doanh hàng dệt may, lửa và khói nhanh chóng lan lên các tầng trên của ngôi nhà. Người dân đã dùng các phương tiện tại chỗ nhưng không ngăn được đám cháy, cũng không có công cụ nào để phá bung được các “chuồng cọp” nhằm cứu người… Vợ và con gái chủ nhà bị mắc kẹt nên hậu quả thật đau lòng, người vợ bị bỏng nặng, cô con gái mới vừa tuổi đôi mươi tử vong vì ngạt khói. 

Vụ cháy tại Xuân Mai xảy ra ngày 25-9 cũng xảy ra tại căn nhà ống, để lại hậu quả hết sức đau lòng. Phát hiện cháy, vợ chồng chủ nhà cùng hai con trai và bà nội, bà ngoại chạy ra phía sau, được Cảnh sát PCCC và người dân phá chuồng cọp, cứu thoát. Thế nhưng 2 cô con gái của gia chủ đã mãi mãi ra đi. Trước vụ việc này không lâu, vào trung tuần tháng 7-2017, một vụ cháy nhà tại phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng khiến cả 4 người trong một gia đình tử vong vì ngạt khói…

Tuổi đời còn trẻ nhưng Trung tá Thành đã có thâm niên 21 năm chiến đấu với giặc lửa. Đúng nghĩa là trận chiến, cuộc chiến. Sau mỗi vụ cháy, anh và đồng đội lại thêm những kinh nghiệm. Bao giờ việc cứu người cũng được đặt lên hàng đầu, đồng thời phải đảm bảo an toàn cho chính bản thân và đồng đội. Một kỉ niệm, cũng là bài học với Trung tá Thành là vụ vô hiệu hóa quả mìn tại hiện trường vụ cướp tiệm vàng Hoàng Tín (phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội tháng 6 năm 2012). Khi đó, anh đã chạm tới lằn ranh sự sống – cái chết!

Hiện trường vụ nổ mìn cướp tiệm vàng trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Ảnh: CTV

Nhận được tin có vụ cướp sử dụng mìn gây nổ lớn và cháy tại tiệm vàng Hoàng Tín, Thành và đồng đội khẩn trương có mặt tại hiện trường phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức cứu nạn, cứu hộ. Quả mìn đầu tiên được tên cướp kích nổ đã khiến 14 người bị thương, tạo ra vụ cháy và cảnh hỗn loạn trên một đường phố đông đúc nhất nhì của Hà Nội. Thời điểm đó, ít ai biết còn một quả mìn thứ hai có sức công phá lớn hơn, bọn cướp dùng để cản đường sau khi nổ quả thứ nhất.

Do hiện trường bị phong tỏa và người dân hiếu kì, tổ công tác của Thành phải chạy bộ từ ngã ba Giảng Võ – Nguyễn Thái Học tới nơi xảy ra vụ việc. Len qua đám đông đến hiện trường, nhìn lỗ thủng hình phễu sâu trên vỉa hè do quả mìn đầu tiên gây ra, ai nấy đều rùng mình. Quả mìn thứ hai được một bảo vệ tiệm vàng phát hiện nằm cách quả mìn thứ nhất không xa, to bằng 2 bát tô úp vào nhau, gói trong túi nilông bó chặt. Với những kiến thức đã được trang bị ở Đại học PCCC về xử lí vật liệu nổ, Thành yêu cầu những người xung quanh giãn ra xa và thận trọng tháo kíp nổ, nguồn điện đấu với pin… 

Trung tá Nguyễn Minh Thành trao đổi với PV Báo CAND.

“Thú thực, lúc đó cũng run lắm, mồ hôi vã ra như tắm, vì quả mìn được chế tạo để kích nổ bằng điện thoại di động. Nhưng nếu không khẩn trương vô hiệu hóa quả mìn, để bọn cướp có thời gian kích nổ, thì sẽ xảy ra thương vong lớn” – Trung tá Thành kể lại. 

Còn những người dân, sau khi biết có quả mìn thứ hai và nó đã bị vô hiệu hóa, mới chợt hiểu một thảm họa kinh hoàng vừa được ngăn chặn. Hành động quả cảm, bản lĩnh và trí tuệ của người Cảnh sát PCCC Nguyễn Minh Thành và đồng đội đã cứu được nhiều sinh mạng trong khoảnh khắc nguy nan ấy.

Luôn tâm niệm hoàn thành tốt nhiệm vụ để cái tâm mình luôn thanh thản, Trung tá Thành và đồng đội đã nhiều lần thực hiện thành công những nhiệm vụ phức tạp về cứu nạn, cứu hộ. Mới đây, sau khi dập tắt một đám cháy trên địa bàn quận Đống Đa, trên đường trở về trụ sở, họ đã cứu giúp một người bị tai nạn giao thông hi hữu. Không rõ do đâu, một thanh niên bị ngã xe máy trên đường Đê La Thành, xe một nơi, người một nẻo. Đầu anh này chui qua một cái chạc sắt hình tam giác để chống đỡ cây xanh mới trồng, ở vị trí hẹp nhất mà lúc bình thường muốn chủ động chui qua cũng khó.

Khi chiếc xe chữa cháy của Trung tá Thành tới nơi, những người dân đang cố sức để đưa đầu anh này ra khỏi cái “rọ” nhưng không thể. Anh lập tức triển khai anh em, dùng các thiết bị chuyên dụng, cắt được chiếc chạc sắt ở cổ nạn nhân rồi đặt anh ta lên cáng, dùng xe cứu hỏa đưa thẳng đến Bệnh viện Đống Đa cấp cứu. Đồng thời lúc này, các đồng nghiệp Công an phường trên địa bàn đã liên hệ được với người nhà nạn nhân để thông báo cho họ vào ngay bệnh viện.

Tôi hỏi: “Sau này, nạn nhân và gia đình có tìm đến cảm ơn anh em không?”. Trung tá Thành cười hồn hậu: “Cũng như chữa cháy anh ạ, khi cứu người thì nạn nhân luôn trong tình trạng hoảng loạn, anh em chữa cháy thì mặt mũi lem luốc… Lúc đó biết ai với ai để mà nhớ, đi cảm ơn. Cứ cứu được người là thấy vui, thấy thanh thản anh ạ”.  

Kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy nổ tại nhà ống

- Khi phát hiện cháy, phải bình tĩnh suy xét và báo động cho tất cả mọi người mau chóng thoát ra ngoài.

- Nếu cửa ra bị lửa khói bao trùm, cần tìm lối thoát khác như: qua ban công, qua cửa sổ sang nhà bên cạnh, dùng thang thoát xuống mặt đất, dùng lối thoát lên mái (nếu được).

- Tuyệt đối không núp trong phòng hay nhà vệ sinh.

- Nếu buộc phải băng qua lửa hãy dùng chăn ướt quấn chặt người để thoát ra ngoài.

- Nếu phải băng qua khói hãy dùng khăn ướt che kín miệng, mũi và cúi thật thấp để tránh ngạt khói, men theo tường đến lối thoát an toàn.

(Nguồn: Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an) 

Duy Hiển – Trần Huy
.
.