Tàu, thuyền ngư dân đồng loạt vươn khơi
- Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển
- Để có thêm nhiều tàu vươn khơi xa, bám biển
- Chưa tìm thấy bằng chứng cá chết liên quan đến Formosa
Chúng tôi về vùng biển Thuận An, huyện Phú Vang, ngư dân Phan Văn Chinh (47 tuổi, ở thôn Minh Hải, thị trấn Thuận An) hồ hởi cho hay, ông cùng các bạn thuyền vừa cho tàu cập bờ với khoang thuyền đầy ắp tôm, cá và các loại hải sản. Tháng 2-2015, sau khi được hỗ trợ vay vốn theo Nghị định 67, gia đình ông Chinh đã đóng mới chiếc tàu cá vỏ gỗ 700CV để cùng các tổ tàu đoàn kết vươn khơi đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống.
Vừa qua, do ảnh hưởng tình trạng cá biển chết bất thường nên tàu cá của ông và nhiều ngư dân khác trong thôn phải nằm bờ. Mới đây, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường, cùng với đó, các cơ quan chức năng tổ chức cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn cho các tàu cá và mở nhiều điểm bán cá sạch nên tui và các ngư dân ở thôn Minh Hải đã yên tâm cho tàu, thuyền vươn khơi đánh bắt trở lại...
Tàu, thuyền ngư dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng loạt xuất bến vươn khơi, bám biển. |
Theo lời ông Chinh, gần 10 ngày qua, tàu cá của ông đã đánh bắt cách bờ từ 80-100 hải lý, mỗi chuyến đi biển thu về hơn 10 tấn cá nục, cá hố và các loại hải sản. Hải sản đánh bắt được không những tiêu thụ trong tỉnh mà còn được bán vào TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam…
Ông Nguyễn Đặng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, ngay sau khi có quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân và các chủ tàu thuyền bị ảnh hưởng bởi tình trạng cá chết, chính quyền thị trấn đã nhanh chóng thống kê, lập danh sách để tạo mọi điều kiện hỗ trợ sớm cho bà con ngư dân.
Hiện trên địa bàn có khoảng 383 tàu cá, công suất từ 90-800CV, trong đó có trên 20 chiếc vừa được đóng mới. Địa phương đã tích cực tuyên truyền để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, đến nay phần lớn các tàu cá đánh bắt xa bờ đều xuất bến ra khơi, bám biển sản xuất...
Qua ghi nhận thực tế, tại âu thuyền Phú Thuận, Phú Hải (huyện Phú Vang) và một số xã ven biển ở tỉnh Thừa Thiên- Huế, trong những ngày này không còn tàu thuyền nằm bờ như trước.
Đang sửa soạn ngư lưới cụ và chuẩn bị nhiều lương thực, thực phẩm cho lên tàu cá công suất trên 400CV neo đậu ở âu thuyền để kịp chuyến ra khơi, ngư dân Nguyễn Văn Mười, ở xã Phú Hải, nói trong niềm vui: “Làm nghề đi biển đã hơn 30 năm nhưng trước sự việc cá biển chết, ngư dân lo nơm nớp rằng hải sản sẽ bán không được dù tôm, cá của mình đánh bắt ở xa bờ và là hải sản sạch. Vì thế mới đây nghe tin hải sản được tiêu thụ trở lại, tuy có chậm hơn, giá cả thấp hơn trước những đây cũng là tín hiệu vui để giúp bà con có niềm tin để ra khơi đánh bắt. Trong chuyến ra khơi mới đây, tàu cá gia đình tui đánh bắt được trên 2 tấn hải sản, trừ chi phí xăng dầu cũng có lãi nên hôm nay lại tiếp tục ra khơi”.
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận còn cho biết thêm, ngoài các phương tiện thông tin đại chúng, xã còn cắt cử cán bộ về tận nhà các ngư dân để động viên người dân vươn khơi, bám biển và điều đáng mừng là được bà con ủng hộ. Đến nay, các tàu thuyền của xã đã nổ máy ra khơi đánh bắt hải sản và có nhiều tàu bước đầu đã có lãi dù giá thu mua hải sản còn khá thấp…
Có thể nói, Chính phủ và các tỉnh, thành ven biển miền Trung, trong đó có tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng, đã kịp thời hỗ trợ cho các chủ tàu thuyền, người dân vùng ven biển chịu ảnh hưởng tình trạng cá chết bất thường; đặc biệt là cấp giấy chứng nhận hải sản sạch cho tàu, thuyền đánh bắt hải sản từ 20 hải lý trở ra, đã tạo điều kiện tối ưu, tích cực giúp bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc...