Để có thêm nhiều tàu vươn khơi xa, bám biển

Thứ Bảy, 02/01/2016, 07:26
Bình Thuận hiện đang đứng đầu cả nước với việc giải ngân 19 hợp đồng tổng số vốn vay tín dụng hơn 100 tỷ đồng và đã có 17 tàu đánh cá đóng mới được đưa vào hoạt động theo Nghị định 67/2014-NĐ-CP của Chính phủ bắt đầu vươn khơi, đánh bắt xa bờ trong niềm vui rất lớn của ngư dân


Bình Thuận là tỉnh duyên hải có ngư trường rất rộng, với khoảng 7.617 tàu đánh cá, trong đó có khoảng 2.819 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, tập trung tại TP Phan Thiết, TX La Gi, huyện đảo Phú Qúy, huyện Tuy Phong, Bắc Bình…

Tàu cá Bình Thuận đóng mới theo Nghị định 67 hạ thủy ra khơi.

Giấc mơ về những con tàu sắt có công suất lớn để đánh bắt xa bờ luôn khao khát thường trực trong mỗi ngư dân, nhưng với tài sản ít ỏi của ngư dân, không thể đủ thế chấp để vay tiền tỷ đóng tàu. Nghị định 67 ra đời cùng với nhiều chính sách chủ trương khuyến khích, ưu đãi vốn vay cho ngư dân đóng tàu vươn khơi bám biển, đánh bắt xa bờ như một luồng không khí mát mẻ đang lan tỏa trong ngư dân với nhiều nỗi mừng vui, khấp khởi.

Ngư dân Châu Minh Cương ở huyện đảo Phú Quý là một trong những chủ nhân đầu tiên của tàu đóng mới 67, mang số hiệu BTh 97479 TS. Anh vui mừng chia sẻ: “Nhìn con tàu mới… vui đến mất ăn, mất ngủ. Nhưng cũng bắt đầu lo. 

Phải cân nhắc mọi thứ để có thể hoạt động đánh bắt mang hiệu quả kinh tế cao hơn”. Tàu đóng mới của anh, có công suất 500CV, trị giá khoảng 5 tỷ đồng, dài 21,5m, rộng 5,65m, cao 2,65m do cơ sở đóng tàu Hùng Hoa (Phường Phú Tài, TP Phan Thiết) thi công trong 3 tháng. Thiết kế gồm khoang máy, khoang neo và 8 khoang chứa cá cùng các khu vực dành cho như dân trên tàu nghỉ ngơi, ăn uống…

Tại TX La Gi cũng có nhiều chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 do Ngân hàng Agribank hỗ trợ vốn đóng tàu như ngư dân Nguyễn Văn Quán ở phường Phước Hội, ngư dân Võ Hạnh ngụ phường Bình Tân với hai tàu hoạt động nghề cá lưới rê xa khơi có công suất 750CV mỗi chiếc, vốn được vay cho mỗi tàu là 6,8 tỷ đồng/tàu, bằng 70% tổng giá trị mỗi tàu. Ngư dân vui mừng khi làm chủ những con tàu mới đóng hiện đại, công suất lớn, có thể đánh bắt dài ngày trên biển.

Cùng với sự hỗ trợ của tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, tàu kiểm ngư, Biên phòng, Cảnh sát biển… công việc khai thác hải sản tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Đảo của ngư dân rất an tâm, thuận lợi, tập trung cao và hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

Để có thêm nhiều con tàu “67” vươn khơi, đánh bắt xa bờ, Chính quyền địa phương và ngân hàng cần sớm tháo gỡ một số vướng mắc. Việc áp dụng chính sách miễn thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn còn bất cập gây tâm lý chưa yên tâm cho các đối tượng tham gia chính sách. Kết quả vay vốn lưu động và thực hiện chính sách bảo hiểm vẫn còn thấp so với yêu cầu.

Mặt khác, một bộ phận ngư dân và đối tượng tham gia chưa hiểu rõ, đầy đủ các chính sách, thiếu vốn đối ứng (30%), cân nhắc về hiệu quả tham gia chương trình. Để bảo đảm chỉ tiêu đề ra cho năm 2016 là phải tăng gấp đôi số tiền giải ngân và số tàu đóng mới, các ngân hàng thương mại Bình Thuận cần tăng cường tiếp cận khách hàng để tư vấn và tạo điều kiện cho vay, giải ngân vốn tín dụng theo Nghị định 67, vừa đảm bảo đúng quy định, phù hợp, đồng bộ với việc miễn giảm thuế vừa bảo đảm thông thoáng cho người dân.

UBND tỉnh Bình Thuận yều cầu UBND các huyện biển đảo, nhất là TP Phan Thiết bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá, cần phải chủ động rà soát, đề nghị đưa ra khỏi danh sách đăng ký những trường hợp không đảm bảo điều kiện quy định.

Nam Yên
.
.
.