Tạo mọi điều kiện để tiền chi trả bồi thường sự cố môi trường biển đến tận tay ngư dân

Thứ Năm, 13/10/2016, 09:17
Hiện các địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã niêm yết công khai danh sách bị thiệt hại bởi sự cố Formosa để người dân đối chiếu, kiểm tra. Sau đó, danh sách sẽ gửi lên tỉnh phê duyệt trước khi gửi Trung ương trước ngày 15-10.

Ngày 12-10, ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngay sau nhận được số tiền 400 tỷ đồng từ Bộ Tài chính chuyển để bồi thường cho ngư dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra, tỉnh đã tổ chức buổi họp với Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh nhằm triển khai phương án chi trả bồi thường thiệt hại cho ngư dân theo đúng quy định.

Tìm hiểu được biết, hiện các địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã niêm yết công khai danh sách bị thiệt hại tại các khu dân cư để người dân đối chiếu, kiểm tra.

Sau đó, UBND cấp xã sẽ tổng hợp danh sách gửi hội đồng bồi thường cấp huyện để gửi lên tỉnh phê duyệt trước khi gửi Trung ương trước ngày 15-10.

Cách thức chi trả bồi thường được tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và người dân có thể nhận tiền mặt; hoặc nhận tiền qua chuyển khoản qua ngân hàng.

Ngư dân tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận gạo hỗ trợ sau sự cố môi trường biển.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã yêu cầu các ngân hàng có chi nhánh ở vùng biển về tận cơ sở để hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục liên quan. “Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện đảm bảo thực hiện việc chi trả bồi thường, đúng theo quy định và không để sót đối tượng.

Sau đó sẽ quyết toán xem có có chi trả đúng cho 7 nhóm đối tượng hay không, cần bổ sung nhóm đối tượng nào không để báo cáo xin ý kiến Chính phủ...”, ông Khanh cho hay.

Trong ngày 12-10, các huyện, thị xã thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế như: Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Trà... đã tiến hành thành lập các tổ chi trả, phối hợp với Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện chi trả cho các đối tượng được bồi thường.

Trong khi đó, tại xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) - một trong số xã có nhiều trường hợp ngư dân khiếu nại vì không nằm trong danh sách bồi thường cũng đang gấp rút hoàn tất các thủ tục cuối cùng để chi trả tiền cho người dân.

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, toàn xã có 596 hộ là chủ tàu thuyền lắp máy và không lắp máy; 232 hộ lao động mất thu nhập bị ảnh hưởng trực tiếp và 55 hộ lao động bị ảnh hưởng gián tiếp được xã thống kê lập danh sách để gửi lên cấp trên xét duyệt chi trả bồi thường trong đợt này.

“Xã sẽ thực hiện đúng theo quy định chi trả bồi thường sau sự cố môi trường biển cho bà con ngư dân. Nếu đối tượng thuộc diện chi trả bồi thường, nhưng nằm ngoài danh sách thì xã sẽ xác minh và bổ sung ngay nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan, không bỏ lọt đối tượng”, ông Minh khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.