Tăng vọt tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi

Thứ Sáu, 04/03/2016, 09:55
Ngày 3-3, tại cuộc họp an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, thông tin mới nhất về chất cấm được đưa ra là sau 3 tháng phối hợp với Bộ Công an, tình trạng buôn bán chất cấm trong chăn nuôi đã tạm lắng. Tuy nhiên, “điểm nóng” lại chuyển sang vấn đề sử dụng kháng sinh bừa bãi trong nuôi trồng thuỷ sản.

Tại cuộc họp, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong đợt cao điểm hành động Năm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) về lĩnh vực nông nghiệp (tháng 11-2015 đến hết tháng 2-2016), thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường (C49), Bộ Công an, thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu vi phạm.

Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý 13 công ty. Đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp xử phạt bổ sung như thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm vi phạm với 11 công ty. Một số tổ chức, cá nhân vi phạm đang trong quá trình điều tra, củng cố hồ sơ, chờ kết quả xử lý. Đặc biệt, lực lượng liên ngành đã phát hiện một  số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có chất cấm tại một số tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Điện Biên

Trong thời gian này, Cục Thú y cũng chỉ đạo các chi cục thú y địa phương lấy 1.457 mẫu nước tiểu và 385 mẫu thịt tại cơ sở giết mổ, kết quả phát hiện 3 mẫu thịt và 157 mẫu nước tiểu dương tính với Salbutamol (chất cấm sử dụng trong chăn nuôi). Bên cạnh đó, đã có 46/63 tỉnh, thành phố kiểm tra 1.129 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm; phát hiện 12/649 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với Salbutamol, 69/1.026 mẫu nước tiểu dương tính. Tuy nhiên, theo ông Hào, hầu hết các trường hợp phát hiện mẫu thịt dương tính với các chất cấm trong chăn nuôi, khi có kết quả kiểm tra thì đàn lợn cũng đã xuất bán hết ra thị trường.

Tồn dư kháng sinh trong hải sản đang là vấn đề  nhức nhối.

Đại diện TP Hồ Chí Minh, điểm nóng về tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thời gian vừa qua, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP đã cho biết, trong đợt cao điểm vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã lấy 1.368 mẫu thịt, nước tiểu để kiểm tra, kết quả cho thấy 144/1.368 mẫu dương tính, chiếm tỷ lệ 10%. Các mẫu dương tính với chất cấm chủ yếu là lợn có nguồn gốc từ Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Đặc biệt, kiểm tra 148 mẫu thủy sản thì phát hiện đến 41 mẫu vi phạm về kháng sinh.

Điều bất ngờ là dù các kết quả vi phạm đều thông báo về địa phương để phối hợp kiểm tra tận gốc, xử lý nhưng hầu hết các địa phương đều không có phản hồi lại. “Trong khi đó, luật pháp hiện chưa quy định việc tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ xét nghiệm, nên khi có kết quả thì các lô hàng vi phạm chất lượng đã bán tháo hết ra thị trường. Lực lượng chức năng chỉ xử phạt hành chính được đối tượng vi phạm xong rồi thôi”, ông Trung bức xúc.

Trong khi tình trạng buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tạm lắng thì ở lĩnh vực rau, củ, quả, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã tổ chức thanh tra 17 cơ sở sản xuất thuốc BVTV, lấy 46 mẫu thuốc để kiểm tra chất lượng, phát hiện 7/46 mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng; 1 cơ sở sản xuất thuốc giả mạo dấu hợp quy để gắn lên sản phẩm. Báo cáo tại cuộc họp, Cục Trồng trọt cũng khẳng định, qua kiểm tra phát hiện có 8/50 mẫu tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép.

Tình trạng lạm dụng kháng sinh, tồn dư hóa chất trong thủy sản và chăn nuôi cũng tăng đột biến. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát  cho rằng, hai vấn đề gây bức xúc nhất trong dư luận hiện nay là tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi và hóa chất trên rau, quả bởi đây là lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.  Lĩnh vực nhập khẩu thực phẩm cũng đang tồn tại hàng loạt nguy cơ mất ATVSTP. Nhiều lô hàng động vật đông lạnh nhập khẩu hết “đát”, không đảm bảo bị phát hiện trong thời gian ngắn.

Vi phạm tràn lan do chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đây là điều ai cũng biết nhưng chưa “triệt” được tận gốc. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt kiến nghị, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan cần rà soát, bổ sung chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực ATTP ở mức cao hơn, đặc biệt đối với hành vi vi phạm có tổ chức.

Theo ông Việt, cần phải quy được trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, ngay cả trách nhiệm phối hợp. Đồng tình với quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã nhấn mạnh, trong lần sửa đổi Nghị định, Thông tư về ATTP lần này sẽ nâng cao mức phạt v i phạm và bổ sung hình phạt vi phạm về ATTP, trong đó có hình phạt tù đối với các hành vi nghiêm trọng như sử dụng chất cấm gây ung thư trong chăn nuôi, hóa chất độc hại trong thực phẩm…

Chi Linh
.
.
.