Nguy cơ không có thuốc điều trị vì kháng thuốc:

Nhiều bác sĩ lạm dụng cho dùng kháng sinh

Thứ Năm, 10/09/2015, 08:10
Theo một nghiên cứu được WHO công bố tại hội nghị bàn về các biện pháp phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 9/9 thì tỉ lệ kháng penicillin của Streptococcus pneumoniae ở Việt Nam là cao nhất, tới 71,4%, tiếp theo là Hàn Quốc với 54,8% và Hồng Kông 43,2%, Đài Loan 38,6%.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra, vi khuẩn kháng với caphalosporin thế hệ 3,4 cũng tăng theo từng năm. Những con số này cho thấy nguy cơ rất lớn của tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam khi nhiều người sẽ bị tử vong vì không có thuốc kháng sinh hữu hiệu để chữa bệnh, trong khi các bệnh phổ biến ở Việt Nam là nhiễm khuẩn, việc tiếp cận với các kháng sinh có hiệu lực giữ vai trò rất quan trọng. 

Việc kiểm soát các loại bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm khuẩn bệnh viện vốn có tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong cao cũng đang chịu ảnh hưởng của tình trạng kháng kháng sinh. Tỉ lệ dùng kháng sinh không phù hợp chiếm tới 74% ở Việt Nam đang là tình trạng rất đáng lo ngại. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, kháng thuốc hiện là vấn đề chung của nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. 

Hậu quả do kháng thuốc đang ngày càng trầm trọng với tốc độ gia tăng ở Việt Nam. Do tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh cao, nhiều liệu pháp kháng sinh trong điều trị đã không còn hiệu lực khiến không ít người phải chết vì không có loại thuốc kháng sinh nào có thể điều trị được bệnh tật. Trước đây, chỉ cần một liều kháng sinh nhẹ đã đủ điều trị bệnh, thì nay, kể cả tăng liều cao nhất mà nhiều trường hợp vẫn phải bó tay. Các chi phí trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đang là gánh nặng rất lớn cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội, khi thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao. Nhiều gia đình trở nên cùng kiệt vì bệnh tật của người thân điều trị lâu dài với các chi phí vì việc phải thay thế các kháng sinh cũ bằng các kháng sinh mới, đắt tiền.

Lạm dụng thuốc kháng sinh khiến bệnh tình bệnh nhân thêm trầm trọng.

Theo Ths. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã có những quy định cụ thể về sử dụng kháng sinh và cấm lạm dụng kháng sinh nhưng tình trạng sử dụng không đúng kháng sinh, không đúng hàm lượng, lạm dụng… vẫn diễn ra. Đặc biệt, việc người dân tự ý dùng kháng sinh chiếm rất cao.

Nhiều người tưởng cứ kháng sinh là chữa được bách bệnh nên bệnh gì cũng dùng kháng sinh mà không cần hỏi bác sĩ. Ngày càng phổ biến việc người dân tự mua thuốc, tự chữa bệnh. Điều này trở nên dễ dàng khi ở Việt Nam có thể mua được kháng sinh ở bất cứ hiệu thuốc nào với số lượng không hạn chế mà chẳng cần đơn. Tỉ lệ này chiếm 88% ở thành thị và chiếm 91% ở nông thôn.

Không chỉ người dân, chính thầy thuốc cũng góp phần khiến cho tình trạng kháng thuốc kháng sinh tăng cao, khi lạm dụng kháng sinh: Chưa xác định được loại vi khuẩn và nên dùng loại kháng sinh nào thích hợp, hoặc biết là chưa cần thiết đã chỉ định sử dụng kháng sinh, thậm chí, theo yêu cầu của bệnh nhân. Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nhiều bác sĩ còn cung cấp kháng sinh không cần thiết cho các trường hợp cảm cúm thông thường; sử dụng kháng sinh thường không tuân thủ theo hướng dẫn về loại, liều dùng, thời gian điều trị.

Không chỉ ở người, kháng sinh được sử dụng bừa bãi trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng đẩy nhanh tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở người. GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết: Chăn nuôi lợn và gia cầm thường được bổ sung kháng sinh như tetracycline và tylosin.

Trong nuôi trồng thủy sản, tôm, cua và cá thường có nồng độ dư lượng kháng sinh nhóm quinolones và sulfonamides gấp vài lần so với các quốc gia khác. Dư lượng kháng sinh cũng thường được phát hiện trong mẫu đất và nước ươm con giống. Không ít trường hợp dư lượng kháng sinh vượt quá giới hạn. Một nghiên cứu giám sát đã cho thấy, thực phẩm, bao gồm thịt và cá, phát hiện nhiễm Salmonella đa kháng thuốc kháng sinh.

Việc sử dụng kháng sinh không thích hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết…  đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, tạo ra sự thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề kháng thuốc kháng sinh không thể chỉ riêng ngành y tế, mà cần có sự chung tay của ngành NN&PTNT.

Song để hạn chế lạm dụng kháng sinh, trước hết, các bác sĩ phải có trách nhiệm và nêu cao vai trò của người thầy thuốc, mới mong có tác dụng. Việc bán thuốc kháng sinh cũng cần phải được quản lý chặt chẽ hơn, mới có thể hạn chế việc mua kháng sinh và tự điều trị tùy tiện trong cộng đồng.

Thanh Hằng
.
.
.